Đường dẫn truy cập

Bên lề Oscar: Câu chuyện của nữ diễn viên Shohreh Aghdashloo. - 2004-03-05


Trong những nhân vật được đề cử để nhận giải Oscar năm nay, báo chí Mỹ chú ý rất nhiều đến một nữ diễn viên điện ảnh gốc Iran. Tuy không được trao giải nhưng cuộc đời và sự nghiệp của cô đã tạo được một tiếng vang nơi quê hương mà cô đã buộc lòng phải từ giã ra đi vì lý do tôn giáo và thành kiến xã hội. Mời quí vị nghe câu chuyện của Shohreh Aghdashloo trong Lá thư Mỹ Quốc tuần này với Lan Phương.

Giải Oscar đã được trao hôm Chủ Nhật vừa qua, và Renee Zellweger đã đoạt giải diễn viên phụ xuất sắc nhất trong cuốn phim “Cold Mountain”. Điều này chắc chắn đã làm cho nữ diễn viên gốc Iran, Shohreh Aghdashloo thất vọng vì cô là một trong những diễn viên được đề cử để tranh giải này qua cuốn phim House of Sand and Fog và đã được báo chí nhắc tới rất nhiều trước đó. Ngoài tài năng của một diễn viên, cuộc đời của Aghdashloo đã là điểm khiến mọi người phải chú ý.

Vào ngày trước khi cuộc cách mạng Hồi giáo Iran bùng nổ cuối năm 1978, trong lúc tình hình tại thủ đô Teheran vô cùng rối loạn, cô Shohreh Aghdashloo lúc đó 25 tuổi, đã leo lên chiếc Mercedes, bỏ lại tất cả, cha mẹ, người chồng, căn nhà thân yêu cùng quê hương của cô để vĩnh viễn ra đi, làm một chuyến hành trình dài 31 ngày đến London. Kể từ ngày ấy cô chưa bao giờ đặt chân trở lại quê nhà. Lý do giản dị là nhà cầm quyền Hồi giáo không muốn cho cô trở về.

Khi rời bỏ quê hương thì Aghdashloo đã là một diễn viên điện ảnh tại một quốc gia mà ngay cả đến bây giờ, vẫn có thành kiến coi rẻ giới trình diễn, coi họ là xướng ca vô loài, thậm chí còn xếp giới này vào loại sa đọa đàng điếm và báng bổ Hồi giáo.

Kể từ ngày còn nhỏ, Aghdashloo đã ôm mộng trở thành diễn viên. Nhưng giấc mơ của cô gặp nhiều trở ngại trong một xã hội đầy thành kiến với nghề diễn xuất và ca hát. Mặc dù bị thân phụ ngăn cấm nhưng là một phụ nữ với tinh thần tự do, cấp tiến, cô vẫn theo đuổi giấc mơ và đã trở thành diễn viên sân khấu lẫn điện ảnh.

Trước khi chế độ của quốc vương Mohamad Reza Pahlavi sụp đổ, cô đã đóng 4 phim, 1 phim được đem chiếu dưới thời vua Pahlavi, 2 cuốn bị cấm và cuốn thứ 4 thì bị chế độ Hồi giáo đem ra đốt ở ngoài đường trong đợt tiêu hủy văn hóa phẩm đồi trụy theo như lối suy nghĩ của những giáo sỹ Hồi giáo cầm quyền.

Cô đã lập gia đình tại Iran với một nguời chồng nghệ sỹ, phóng khoáng, chấp nhận cho cô tiếp tục con đường diễn xuất. Cô là diễn viên chuyên nghiệp trình diễn cho một gánh hát ở Iran ngoài 4 cuốn phim mà cô đã đóng. Nhưng rồi khi cuộc cách mạng Hồi giáo bén rễ, một hôm cô đến rạp hát chỉ để thấy là mọi cửa ngõ đều đã bị niêm kín. Cô quyết định rời khỏi Iran với sự đồng ý của chồng vì anh biết rằng với chế độ mới tại Iran, cô sẽ không có đất dung thân. Tuy đã đi du học ở Châu Âu nhưng chồng cô không muốn sống lưu vong nên đành chia tayđể cô ra đi.

Những gì xảy ra tại Iran sau đó là điều làm cho cô đau lòng. Một người đồng hành của cô trong chuyến đào thoát đã trở về rồi tự vẫn sau đó. Một cháu gái của cô bị giới giáo sỹ hạ lệnh quất cho 40 roi đòn tàn nhẫn trên lưng chỉ vì bị bắt gặp nghe nhạc tây phương. 2 người đàn ông Iran đồng tính luyến ái đã bị đem ra trước công chúng ném đá đến chết. Đối với cô Aghdashloo thì những vụ hành hình như thế đã là chuyên ghê rợn, nhưng điều khủng khiếp nhất là thái độ của đám đông. Họ chỉ là những người bình thường như trăm ngàn người khác ngoài đường phố nhưng lại có thể cầm đá ném chết nạn nhân mà không gớm tay. Chế độ và tôn giáo cực đoan đã tẩy não những người này đến mức không còn nhân tính.

Sau khi rời bỏ Iran cô đến London và đã được chọn đóng vai chính trong vở kịch có tên là “Rainbow”, tức Cầu Vồng. Vở kịch này đã được đưa lưu diễn khắp thế giới. Nhân chuyến lưu diễn tại Los Angeles cô đã gặp người chồng hiện nay.

Trong 10 năm qua, trước khi được chọn đóng cuốn phim “House of Sand and Fog” cô vẫn xuất hiện trong một chương trình nhận định hàng tuần của đài truyền hình dây cáp tại Los Angles chuyên về tiếng nước ngoài. Cô thường lên tiếng tranh đấu, cổ võ cho việc phải có thêm tự do cho Iran. Và chính vì công việc này, hơn là chuyện diễn xuất, một điều cấm kỵ đối với các giáo sỹ Hồi giáo Iran, đã khiến cô không có đường trở về quê hương. Và dường như có tài bẩm sinh để sống trọn vai trò trong cuốn phim House of Sand and Fog, cô đã được đề cử cho giải diễn viên phụ xuất sắc nhất. Kể từ khi có tin cô được đề cử cho giải Oscar này thì từ một người không hề được ai biết đến tại Iran vì báo chí bị tuyệt đối cấm không được nhắc nhở đến tên cô, bỗng dưng không biết bao nhiêu người Iran từ nhiều nơi trên thế giới và từ trong nước, đã gửi thư, điện thư và gọi điện thoại tới tấp đến chúc mừng, hy vọng cô sẽ được trao giải.

Tuy cuối cùng giải thưởng lần này về tay một diễn viên khác trong một cuốn phim khác nhưng mọi người, và nhất là người Iran trong nước, đã được biết đến một phụ nữ can trường, quyết tâm theo đuổi giấc mơ của mình, bất chấp thành kiến xã hội, bất chấp những suy diễn hẹp hòi về tôn giáo và bất chấp những trở ngại chính trị để nhất định đi theo con đường mà cô đã chọn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG