Lời dẫn: Ngày thứ Tư 25 tháng Hai vừa qua, Tổng Thống Philippines Gloria Arroyo, đã cùng hai vị Tổng Thống tiền nhiệm, ông Fidel Ramos và bà Corazon Aquino, dẫn đầu lễ kỷ niệm mừng 18 năm cuộc cách mạng lật đổ chế độ độc tài Ferdinand Marcos. Nhân dịp này, Tiết mục Nhìn về Á Châu do Hoài Hương phụ trách, xin bàn về ý nghĩa và ảnh hưởng của cái gọi là Cuộc Cách Mạng Nhung, được biết đến tại Philippine dưới tên gọi là EDSA 1.
Thưa quý thính giả,18 năm đã trôi qua kể từ khi dân chúng Philippine tuần hành trên đại lộ EDSA ở thủ đô Manila, dùng sức mạnh thuần của quần chúng để thực hiện một cuộc cách mạng không đổ máu, lật đổ được một chế độ độc tài đã bắt rễ tại nước này trong nhiều năm, để mở ra một giai đoạn mới cho lịch sử Philippine.
Cuộc cách mạng này mang tên là EDSA Một, được coi như một điểm khởi đầu của nền dân chủ mới tại Philippine, một nền dân chủ hãy còn non trẻ nhưng có căn bản rộng rãi và được đặt trên những lý tưởng dân chủ cao đẹp. Theo giới phân tích, cuộc cách mạng lật đổ nhà độc tài Marcos là một bước ngoặt có ý nghĩa vô cùng đặc biệt trong lịch sử Philippine.
Chiều tối ngày 22 tháng Hai năm 1986, hưởng ứng lời kêu gọi của đức Tổng Giám Mục địa phận Manila Jaime Sin, nhiều đám đông đã tụ tập dọc theo đại lộ EDSA, chữ tắt của Epifanio de los Santos Avenue. Trong khi đó, Bộ Trưởng Quốc Phòng của Tổng Thống Marcos, ông Juan Enrile và phó tham mưu trưởng Quân Lực Philippine Fidel Ramos, cùng 200 ủng hộ viên, dựng các rào cản để cố thủ trong các căn cứ quân sự Aguinaldo và Crame. Trước đó, họ kết thúc một cuộc họp báo lên án Tổng Thống Marcos đã có hành vi gian lận trong cuộc bầu cử chớp nhoáng được tổ chức cách đó 2 tuần lễ. Các nhà lãnh đạo cách mạng tuyên bố bà Corazon Aquino mới đủ tư cách để trở thành Tổng Thống chính đáng của nền cộng hòa Philippine. Mặc dù Radio Veritas, do Tổng Giám Mục Sin kiểm soát, đã bị phá hủy, dân chúng vẫn tràn ra ngoài đường phố để ủng hộ cách mạng. Một lực lượng Thủy Quân Lục Chiến được xe tăng yểm trợ đã tiến về căn cứ quân sự nơi phe cách mạng cố thủ, nhưng hàng hàng lớp lớp dân chúng đã tay không, chận đứng lực lượng này tại một địa điểm cách mục tiêu khoảng 1ngàn 500 mét. Bất kể chỉ huy trưởng của đơn vi đe dọa sẽ nổ súng vào đám đông, nhièu người đã quỳ xuống trước những chiếc xe tăng và cất lời cầu nguyện. Những người biểu tình mang lương thực và tặng những cánh hoa vàng, biểu tượng của cuộc Cách Mạng Nhung, cho các binh sĩ do nhà độc tài phái tới để giải tán họ. Đơn vị này sau đó đã rút lui một cách êm đẹp.
Ngày hôm sau, thừa lệnh ông Marcos, 7 chiếc trực thăng tác chiến đã bao vây các căn cứ quân sự, họ được lệnh nổ súng, nhưng thay vì tuân lệnh nhà độc tài, các phi công đã đáp xuống và xin được tòng quân với phe cách mạng. Ngày 25 tháng Hai năm 1986, 3 ngày sau khi Bộ Trưởng Quốc Phòng Enrile và ông Ramos gia nhập hàng ngũ cách mạng, bà Aquino thành lập một chính phủ lâm thời và làm lễ nhậm chức Tổng Thống tại Club Filipino. Tổng Thống Marcos cùng gia đình được đưa đến căn cứ không quân Clark và rời Philippine trên 4 chiếc trực thăng của Hoa Kỳ.
Và thế là ông Marcos, một nhân vật từng ngự trị trên chính trường Philippine trong suốt 2 thập niên, cuối cùng đã phải rời dinh Malacanang để đi sống lưu vong ở Hawaii, nơi ông qua đời năm 1989. Theo lời Tổng Thống Aquino, thì nhà độc tài đã bị lật đổ “bởi một cuộc cách mạng ôn hòa, những chuỗi tràng hạt và những lời cầu nguyện, bởi sức mạnh của truyền thông, và trên hết, bởi lòng dũng cảm phi thường của con người.”
Tại buổi lễ tổ chức hôm thứ Tư vừa rồi để tưởng niệm đúng 18 năm ngày ông Marcos bị lật đổ trong cuộc cách mạng nhung năm 1986, trước một đám đông có phần thưa thớt hơn mọi năm, cựu Tổng Thống Fidel Ramos đã lên tiếng về ý nghĩa của cuộc cách mạng đó. Ôâng nói rằng cái ngày lịch sử ấy vẫn là một nguồn cảm hứng đối với tất cả những người yêu chuộng tự do trong và ngoài nước Philippine. Tổng Thống Ramos nói:
RAMOS: “Trong khi ngày mai, có thể sẽ có những lời chỉ trích về con số người ít ỏi có mặt ở đây ngày hôm nay, tôi cho rằng, mặt khác, mừng kỷ niệm EDSA, cuộc Cách Mạng Nhung của Philippine, không những đã trở thành một phong trào quốc gia, mà còn là một phong trào có tính cách toàn cầu.”
Mặc dù những ký ức về cuộc cách mạng được người Philippine gọi là EDSA 1, dường như đang phai nhạt dần, nhiều người Philippine vẫn tự hào về chuyện đã lật đổ được một chế độ độc tài một cách ôn hòa đến như vậy. Nhưng một số nhà phân tích bày tỏ quan ngại rằng tầm quan trọng và ý nghĩa cũng như giá trị đích thực của cuộc cách mạng nhung có nguy cơ bị giảm thiểu theo năm tháng, và rằng cuộc cách mạng năm 1986 đã không thực hiện được những hứa hẹn của nó.
Là một sinh viên tranh đấu tích cực từng phải sống lưu vong dưới chế độ Marcos, nhà phân tích chính trị Nelson Navarro nói những hy vọng về một xã hội dân chủ và công bằng hơn sẽ thành hình sau cuộc cách mạng nhung, đã tan vỡ bởi vì những gia đình có thế lực và giàu có nhất tại Philippines vẫn bám víu lấy quyền lực, và phá hoại mọi biện pháp cải cách. Ông nói:
“Chúng tôi chứng kiến tận mắt cuộc Cách Mạng Nhung bị cưỡng đoạt ngay từ đầu, bởi cùng một giai cấp thống trị.”
Tình trạng này có lẽ đã khiến nhiều thành phần dân chúng Philippine phải thất vọng, vì giấc mơ của họ về một xã hội công bằng hơn vẫn hoàn là một giấc mơ, nhưng hai thập niên sau khi dân chúng Philippine lật đổ được một nhà độc tài có dưới tay nào xe tăng nào binh sĩ, không phải bằng vũ lực của súng ống, gậy gộc và hận thù, mà chỉ với những đóa hoa màu vàng và niềm tin nhiệt thành vào ý nghĩa đích thực về thế nào là dân chủ. Qua cuộc cách mạng nhung EDSA Một, dân chúng Philippine đã chiếm được sự ngưỡng phục của thế giới. Mặc dù con đường tiến đến một xã hội tốt đẹp hơn vẫn còn xa xôi hiểm trở, người dân Philippine xứng đáng được tự hào là đã đóng góp một bài học dân chủ để đời trong một thế giới đầy dẫy bạo động và đổ máu.