Đường dẫn truy cập

SARS tái phát tại Trung Quốc. - 2004-01-05


Ca Hội Chứng Hô Hấp Cấp Tính Nặng, tức bệnh Sars, đầu tiên trong nhiều tháng nay được xác nhận tại Trung Quốc đang khiến dư luận tập trung chú ý vào cách xử lý của chính phủ Trung Quốc trong việc đối phó với nguy cơ có thể xảy ra một cuộc khủng hoảng y tế mới. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Luis Ramirez của đài Tiếng Nói Hoa Kỳ gửi về bài tường trình sau đây:

Trong cơn bộc phát bệnh SARS đầu tiên hồi năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã bị quốc tế tứ bề chỉ trích, sau khi các giới chức Trung Quốc thoạt đầu chối bỏ là có vấn đề bệnh SARS, để rồi sau đó tìm cách che giấu cơn bộc phát đó.

Rất nhiều người, bên trong Trung Quốc và ở hải ngoại, đã quy lỗi cho chính quyền Trung Quốc. Họ cho rằng Bắc Kinh đã không có phản ứng thích hợp lúc ban đầu, cho nên bệnh Sars mới lan truyền nhanh chóng với hệ quả vô cùng tệ hại như đã diễn ra. Bệnh Sars phát ra lần đầu tiên tại miền Nam Trung Quốc hồi cuối năm 2002, và lan truyền khắp thế giới, khiến hơn 8 ngàn người bị nhiễm bệnh.

Trước khi cơn bộc phát tàn lụi dần vào giữa năm 2003, hơn 700 người đã chết, phần lớn các nạn nhân là người ở Trung Quốc.

Cơn bộc phát Sars lên đến cao điểm vào mùa Xuân năm ngoái, trùng hợp với lúc Chủ Tịch Nước Hồ Cẩm Đào và Thủ Tướng Ôn Gia Bảo lên nắm quyền tại Bắc Kinh. Chính phủ do hai ông lãnh đạo đã được ca tụng, sau khi hai ông đưa ra những biện pháp mạnh bạo để lấy lại niềm tin của công chúng, kể cả bãi nhiệm Bộ Trưởng Y Tế.

Vào lúc đó, chính phủ Trung Quốc hứa sẽ sẵn sàng và tức thời báo cáo bất cứ ca bệnh Sars mới nào.

Niềm tin tưởng của công chúng vào lời cam kết đó đang được mang ra kiểm tra, sau khi có tin cho hay một người đàn ông ở Tỉnh Quảng Đông đã mắc phải bệnh Sars. Trên một trong những con phố đông đúc kẻ mua người bán ở Bắc Kinh, một nhân viên văn phòng 30 tuổi, không cho biết danh tính, nói rằng ông hy vọng chính phủ Trung Quốc đã rút ra được một vài bài học từ kinh nghiệm bệnh Sars hồi năm ngoái.

Ở Trung Quốc, chúng tôi có câu ngạn ngữ “muốn trưởng thành thì phải học hỏi.” Cho đến nay, tôi nghĩ rằng cơn bộc phát bệnh Sars sẽ không lan rộng lần này, dựa trên ca bệnh mới. Chính phủ Trung Quốc đã hành xử lý đúng đắn trong nỗ lực kiềm chế bệnh Sars. Thế cho nên tôi không còn sợ hãi về vấn đề này nữa.

Ông Joseph Cheng, giáo sư môn chính trị học thuộc Đại Học Thành Phố ở Hong Kong , nhận định việc Bắc Kinh xử lý các tin tức về nguy cơ có thể xảy ra một cơn bộc phát Sars mới một cách hết sức cẩn trọng, cũng là là lẽ tự nhiên mà thôi.

Tin tức về vụ việc này có nguy cơ gây phương hại đến nền kinh tế, và khiến cho công nghiệp du lịch bị thiệt hại nặng nề. Vì thế, nhà cầm quyền Trung Quốc đang ở trong một tình thế rất khó xử-- một mặt phải tôn trọng nguyên tắc trong sáng và báo cáo trung thực về vụ này, nhưng mặt khác phải làm thế nào để giảm thiểu tối đa tác động tai hại đối với nền kinh tế.

Hồi đầu năm ngoái, các du khách quốc tế đã được khuyến cáo hãy tránh xa các khu vực có xảy ra các cơn bộc phát bệnh Sars, và cư dân địa phương đã tỏ ra sợ hãi không muốn ra ngoài đi chợ, đi ăn tiệm, hoặc tham dự các hoạt động công cộng.

Giới quan sát nói rằng theo họ dự kiến, thì trong vài ngày tới đây, chính phủ Trung Quốc sẽ phát động một chiến dịch để chứng tỏ cho công chúng thấy là họ đã có chuẩn bị để đối phó với một cơn bộc phát bệnh Sars mới, và họ đã cho áp dụng những biện pháp cấp tốc và dứt khoát để kiềm chế căn bệnh lần này.

Các nhà phân tích nói rằng một thí dụ về phương cách đối phó này là lệnh do nhà nước ban hành, theo đó khoảng 10 ngàn con chồn hương đã bị tịch thu và giết, sau khi các cuộc xét nghiệm cho thấy là giống vật có vú này thường được bày bán tại các chợ ở miền Nam Trung Quốc có liên hệ tới bệnh Sars.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG