Đường dẫn truy cập

Các nhà xuất khẩu tôm ở Châu Á nói rằng việc Hoa Kỳ kiện các nước bán phá giá là một thí dụ của chế độ bảo hộ mậu dịch một cách trắng trợn. - 2004-01-01


Hôm thứ năm, các nhà xuất khẩu tôm ở châu Á nói rằng việc Hoa Kỳ kiện các nước bán phá giá là một thí dụ của chế độ bảo hộ mậu dịch một cách trắng trợn, và họ nhất quyết sẽ chống lại vụ kiện này.

Liên minh tôm miền nam Hoa Kỳ hôm thứ tư đã đệ đơn lên Bộ Thương Mại Mỹ và Ủy Ban Thương Mại Quốc tế kiện các nước Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Brazil và Ecuador.

Là một nhóm các nhà nuôi và chế biến tôm ở 8 tiểu bang Hoa Kỳ, liên minh này cho rằng các nước vừa kể đã phá giá tôm trên thị trường Mỹ bằng cách bán rẻ một cách bất hợp lý, gây khốn đốn cho công nghiệp tôm của Hoa Kỳ. Họ muốn chính phủ áp dụng các sắc thuế đối với tôm nhập khẩu.

Nhưng các nhà xuất khẩu tôm ở Á Châu lập luận rằng họ đã không làm điều gì sai trái và cho rằng vụ kiện chỉ là một bằng chứng cho thấy người Mỹ làm ngơ trước vấn đề tự do mậu dịch để bảo vệ quyền lợi của mình.

Phán quyết về vụ kiện dự kiến sẽ được đưa ra vào giữa tháng 2.

Một thành viên của Hiệp Hội Chế Biến và Xuất Khẩu Thủy Sản Việt Nam nói rằng hành động này đi ngược lại với xu hướng tự do hóa mậu dịch toàn cầu mà Hoa Kỳ vẫn tự cho mình là đi tiên phong. Hiệp Hội đã mướn các luật sư Mỹ chống lại vụ kiện bán phá giá.

Hoa Kỳ mua phần lớn tôm nhập khẩu từ Thái Lan, khoảng 176 ngàn tấn trị giá chừng một tỷ 100 triệu đôla, theo các số liệu của Thái. Các giới chức ở Thái Lan cho biết nếu bị Mỹ chế tài, thì họ sẽ phải đi tìm các thị trường mới cho khối lượng từ 30 đến 50% số tôm xuất khẩu. Và việc này không phải là chuyện dễ dàng bởi vì chỉ có 3 thị trường chính tiêu thụ tôm trên thế giới là Mỹ, Nhật và Liên Hiệp Âu Châu.

Liên minh tôm miền nam Hoa Kỳ nói rằng trị giá tôm đánh bắt được tại Mỹ đã bị giảm xuống một nửa, từ một tỷ 250 triệu vào năm 2000 xuống còn có 560 triệu đôla trong năm 2002, khiến số công ăn việc làm bị mất đi đến 40%. Trong khi đó, lượng nhập khẩu từ 6 quốc gia tăng từ 210 triệu kilo trong năm 2000 lên tới 351 triệu kilo vào năm 2003.

Liên Hiệp Âu Châu và Nhật Bản mới đây đã hạn chế tôm nhập khẩu vì lo ngại về các chất kháng sinh mà các trại nuôi tôm sử dụng. Việc này đã khiến có thêm các nhà xuất khẩu đưa tôm vào thị trường Mỹ với giá thấp hơn. Các nhà nuôi tôm ở Hoa Kỳ nói rằng sản phẩm nhập vào Mỹ không theo cùng các tiêu chuẩn về sức khỏe và an toàn như sản phẩm nội địa.

Nhưng ông Abraham Tharakan, chủ tịch Hiệp Hội Xuất Khẩu Thủy Sản Ấn Độ nói rằng vụ kiện đó bất công và kỳ thị. Ông khẳng định là Ấn Độ xuất khẩu các sản phẩm có chất lượng.

Các nhà xuất khẩu thủy sản tại châu Á đang tìm cách lập một liên minh để chống lại vụ kiện, và theo ông Tharakan, chính phủ Ấn Độ sẽ được yêu cầu tiếp tay.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG