Đường dẫn truy cập

Nguyễn Lê phỏng vấn ông Nguyễn Ðình Hữu. - 2003-12-17


Ông Nguyễn Đình Hữu là chuyên viên công tác xã hội, tốt nghiệp văn bằng Cao học Công tác Xã hội, trường Đại học Alabama. Tiến sĩ James Freeman, là giáo sư nhân loại học, trường đại học San Jose. Trước đây hai ông từng hợp tác biên soạn một cuốn sách về người tỵ nạn Việt Nam có nhan đề là “Hearts of Sorrow: Vietnamese American Lives”, Những Trái Tim Đau Khổ: Đời Sống Của Người Mỹ Gốc Việt”, một tác phẩm được trao giải thưởng sách Mỹ “American Book Awards” năm 1990.

Tác phẩm biên khảo mới nhất của hai ông là “Voices From The Camps: Vietnamese Children Seeking Asylum.”, Những Tiếng Nói Từ Các Trại: Trẻ Em Tỵ Nạn Việt Nam.”, vừa được ấn quán Đại học Washington tại thành phố Seattle xuất bản. Nhân dịp kỹ niệm 55 năm ngày Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền ra đời, Ban Việt ngữ, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ đã phỏng vấn hai đồng tác giả về nội dung của cuốn sách và vấn đề bảo vệ quyền của trẻ em tỵ nạn. Sau đây xin mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Đình Hữu do Nguyễn Lê thực hiện. Phần phỏng vấn Tiến sĩ Tiến sĩ James Freeman sẽ được chúng tôi giới thiệu trong buổi phát thanh sau.

VOA: Xin ông vui lòng cho biết sơ lược về nội dung chủ yếu của cuốn sách “Tiếng Nói từ Các Trại: Trẻ Em Việt Nam Xin Tỵ Nạn.”

Như nhan đề của nó đã gợi ý, cuốn sách ghi lại nhiều chi tiết về hoàn cảnh đau thương mà hàng ngàn trẻ em tỵ nạn không cha mẹ, tức là unaccompanied refugee minors, đã phải trải qua tại các trại tỵ nạn tại Hồng Kông và Đông Nam Á như Thái Lan, Nam Dương, Malaysia, Philippines, và Singapore, qua nhiều cuộc tiếp xúc phỏng vấn các em, tận mắt chứng kiến cuộc sống của các em trong các cuộc thăm viếng hàng năm của chúng tôi tại các trại tỵ nạn từ năm 1987.

Cuốn sách cũng ghi lại các công tác cứu trợ và can thiệp cho trẻ em tỵ nạn không cha mẹ với Cao Ủy Tỵ nạn LHQ trong thời gian các em sinh sống tại các trại tỵ nạn, hay sau khi bị bắt buộc hồi hương về Việt Nam của tổ chức thiện nguyện vô vị lợi Aid To Refugee Children Without Perents, tứ là Hội Cứu Trợ Trẻ Em Tỵ Nạn Không Cha Mẹ, do chúng tôi thành lập, để lo cho các em từ năm 1988 đến năm 1999. Hàng năm chúng tôi cũng gủi áo quần, sách vở và tiền bạc cho người đại diện của các em tại trại để giúp tổ chức các tết Nguyện đán, Tết Trung thu, các buổi lễ cổ truyền khác, và sinh hoạt văn nghệ, thể thao.

VOA: Thưa ông, theo như chúng tôi được biết thì vấn đề trẻ em tỵ nạn Việt nam đã được LHQ giải quyết khá lâu rồi, ít ra cũng là về mặt pháp lý. Để giúp thính giả của chúng tôi tiện theo dõi vấn đề, xin ông vui lòng tóm lược quá trình giải quyết đó.

Vâng, như mọi người đều biết, sau nhiều năm những người vượt biên đến các trại tỵ nạn ở Hồng Kông và Đông Nam Á thì đều đương nhiên được chấp nhận đi định cư tại các quốc gia thứ ba. Nhưng bắt đầu qua năm 1988, thì cơ quan quốc tế phụ trách tị nạn là Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ đã ấn định một chính sách thanh lọc các người vượt biên sau khi đến trại kể từ tháng 6 năm 1988 cho các trại tại Hồng Kông, và tháng 3 năm 1989 cho các trại tại các quốc gia Đông Nam Á để cho đi định cư, hay bắt buộc phải hồi hương mà họ cho là hợp lý.

Chính sách này có tên là Kế hoạch Hành động toàn diện, Comprehensive Plan of Action, nhưng tiếc thay, chính sách của Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ có nhiều sơ hở và bất công, cho nên khi đem ra áp dụng đã đem lại hậu quả tai hại cho số đông người tỵ nạn nói chung, và nhất là trẻ em tỵ nạn không cha mẹ nói riêng, bị bắt buộc phải hồi hương, trừ một số rất ít may mắn được đi định cư tại một nước thứ ba. Để làm áp lực ép buộc các em phải hồi hương, Cao ủy Tỵ nạn LHQ đã cắt bớt phần ăn hàng ngày của các em, đóng cửa các lớp học dạy chữ và dạy nghề tại các trại tỵ nạn.

VOA: Như chúng tôi thấy, cuốn sách này có lẽ là cuốn sách duy nhất đề cập đến vấn đề các trẻ em tỵ nạn Việt Nam không cha mẹ. Cuốn sách cũng khá dày, vậy xin ông cho biết mục đích của ông và Tiến sĩ James Freeman khi biên soạn cuốn sách này là gì?

Hiện nay trên thế giới, tại những nơi có chiến tranh là có người tỵ nạn, nhưng ít ai nói đến trẻ em tỵ nạn không cha mẹ, tức là unaccompanied refugee minors, là thành phần chịu nhiều thiệt hạ, mất mát nhất về tinh thần và vật chất. Người lớn tỵ nạn ít nhất cũng có thể tự lo cho mình, và trẻ em tỵ nạn có gia đình đi theo thì cũng có cha mẹ săn sóc đùm bọc, thương yêu. Trái lại, trẻ em tỵ nạn không cha mẹ hoàn toàn cô đơn, không thể tự lo cho mình, mà lại còn bị bóc lột, khai thác và hà hiếp. Mục tiêu bảo vệ an sinh cho trẻ em tỵ nạn không cha mẹ phải được xem như trách nhiệm ưu tiên hàng đầu đối với các nhân viên và cơ quan phụ trách về tỵ nạn. Và đó là mục đích của cuốn sách này. Dĩ nhiên chúng tôi không nghĩ là có được giải pháp hòan hão cho những vấn nạn mà chúng tôi nêu ra trong cuốn sách, vì hoàn cảnh các em phải rời bỏ quê hương và sự đối xử thiếu nhân đạo mà các em nhận được tại các trại tỵ nạn.

Mối quan tâm của chúng tôi nói lên trong cuốn sách là tìm cách giới hạn càng nhiều càng tốt sự đổ vỡ trong đời sống của các em tỵ nạn không cha mẹ trên thế giới, tạo cho các em một cuộc sống mới an toàn hơn, cho các em biết rằng có người lo cho các em, giúp cho các em phương tiện thực tiễn để xây dựng lại cuộc sống mới trong tương lai, trong khi mất cha mất mẹ.

VOA: Xin cám ơn ông Nguyễn Đình Hữu đã vui lòng dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn về nhu cầu bảo vệ các quyền của trẻ em tỵ nạn, nhân dịp xuất bản cuốn sách của ông và Tiến sĩ James Freeman nhan đề “Tiếng Nói từ Các Trại: Trẻ Em Việt Nam Xin Tỵ Nạn,” và cũng nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền ra đời.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG