Đường dẫn truy cập

Tương lai của chương trình thám hiểm không gian Hoa Kỳ. - 2003-12-11


Từ tháng 8 năm nay, nhóm công tác liên ngành của Hoa Kỳ do Tòa Bạch Ốc trực tiếp chỉ đạo đã bắt đầu soạn thảo một kế hoạch cho việc thực hiện các chuyến bay liên hành tinh có người lái trong vòng 20 hay 30 năm tới để giao phó cho Cơ quan Không gian Hoa Kỳ, thường gọi tắt là NASA, một sứ mạng mới, sau khi xảy ra tai nạn phi thuyền con thoi Columbia. Nguyễn Lê xin dành câu chuyện “Khoa học Không gian” kỳ này để trình bày với quý thính giả một số ý kiến của các chuyên gia về kế hoạch chưa được chính thức loan báo này của chính phủ Hoa Kỳ.

Chính quyền Tổng thống Bush có tiếng là rất giỏi giữ bí mật. Việc Tòa Bạch ốc duyệt lại những phương cách để làm sống lại chương trình đưa người lên không gian là một hoạt động thuộc loại được giữ rất kín. Ngay cả một chuyên viên phân tích nổi tiếng về các chính sách không gian thuộc Đại học George Washington ở thủ đô Washington là ông John Logsdon cũng không nhận được thông tin nào về việc xét duyệt này. Ông là một thành viên của hội đồng các chuyên gia có nhiệm vụ điều tra về tai nạn phi thuyền con thoi Columbia xảy ra vào tháng 2 năm nay. Ông Logsdon cho biết như sau:

Việc này được giữ rất kín trong chính phủ, vì thế những người bên ngoài như chúng tôi không được thông báo gì về những lựa chọn của chính phủ.

Nhưng theo ông Logsdon thì có một điều chắc chắn: Lý do thúc đẫy cho việc duyệt lại chính sách là vụ nỗ phi thuyền Columbia, một thảm họa đã làm thiệt mạng 7 phi hành gia không gian và làm cho cho các phi vụ của phi thuyền con thoi phải bị đình chỉ ít nhất là cho đến cuối năm tới. Ông Logsdon cho biết tiếp:

Theo tôi nghĩ thì đó là hậu quả của tai nạn phi thuyền Columbia, và cũng là hậu quả của những lời chỉ trích trong phúc trình của hội đồng Điều tra Tại nạn Phi thuyền Columbia nói rằng Hoa Kỳ đã tiến hành các chuyến bay vào không gian mà không có một mục đích rõ ràng hay một phương hướng cụ thể nào trong 30 năm qua. Quốc hội đã kêu gọi tổng thống nên xác định một phương hướng nhiệm vụ, và tôi nghĩ rằng Tòa Bạch ốc đã quyết định là đã đến lúc phải làm chuyện đó.

Các đại biểu Quốc hội giám sát chính sách không gian của Hoa Kỳ đã được nghe nhiều ý kiến của giới chuyên môn đả kích chương trình đưa người lên không gian của NASA. Mục đích chính của chương trình này là hoàn tất việc xây dựng và điều hành trạm không gian quốc tế, một phòng thí nghiệm nghiên cứu trên quỹ đạo để tiến hành nhiều cuộc thí nghiệm nhằm mục đích xác định xem con người có thể sống như thế nào trong một thời gian dài trong điều kiện vô trọng lực trong không gian. Người ta cần có hiểu biết này dể giúp các phi hành gia không gian chịu đựng những chuyến bay dài ngày vào thái dương hệ.

Ông Wesley Huntress, cựu chủ nhiệm ngành khoa học không gian của NASA, trình bày với một ủy ban của huợng viện Quốc hội mới đây rằng chương trình không gian hiện nay của Hoa kỳ không kích thích được trí tưởng tượng của nhân dân Mỹ. Ông giải thích:

Tôi tin rằng công chúng Mỹ muốn có một chương trình không gian có tính cách mạo hiểm để đi tới những nơi chốn đầy hấp dẫn trong thái dương hệ, nhưng họ không thấy có một chương trình như vậy. Chúng ta bị kẹt cứng trong một quỹ đạo thấp của Trái Đất, trong khi sự thách thức đối với chúng ta là phải vượt ra khỏi quỹ đạo đó để tiến tới những địa điểm mới lạ trong thái đương hệ, nơi mà chúng ta đã có những hình ảnh đầy cuốn hút do chương trình thám hiểm bằng người máy của chúng ta thu được.

Những tin tức mới đây nói rằng các trợ lý của Tổng thống Bush đang xem xét một chương trình mới cho việc thám hiểm mặt trăng. Có người suy đoán rằng sẽ có một chuyến bay có người lên Sao Hỏa. Năm 1989, thân phụ của đương kim tổng thống là cựu tổng thống George H. Bush ũng hộ cả hai chương trình đó nhân dịp kỹ niệm 20 năm ngày người Mỹ đầu tiên đổ bộ xuống Mặt Trăng, nhưng về sau không có chương trình nào được thực hiện.

Ông John Logsdon nói rằng việc đưa người lên Sao Hỏa và lên Mặt Trăng không tương khắc với nhau. Ông nhận định:

Lên Mặt Trăng trở lại lần này để thiết lập một trạm quan sát khoa học là điều hữu lý. Mặt Trăng tương đối ở gần chúng ta và có một số chương trình khoa học thú vị có thể được thực hiện trên thiên thể này, cộng thêm với việc thử nghiệm các hệ thống thiết bị để đi đến những thiên thể khác xa hơn, đặc biệt là Sao Hỏa.

Nhưng mới đây, chủ tịch của Hội Sao Hỏa của Hoa Kỳ, ông Robert Zubrin, trình bày với các Thượng nghị sĩ rằng ông và các chuyên gia khác muốn Hoa Kỳ đừng lên lại Mặt Trăng mà phải đi xa hơn nữa. Ông Zubrin nói:

Mục tiêu phải là gì? Như Tiến sĩ Huntress đã nói, đó là phải đưa người lên Sao Hỏa. Sao Hỏa là nơi để thực hiện nhiều công trình nghiên cứu về khoa học. Sao Hỏa là nơi đang đặt ra những thách thức cho chúng ta. Sao Hỏa là tương lai. Tuy nhiên, người ta không nên chờ thêm 50 năm nữa để đưa người lên Sao Hỏa. Phải đưa người lên Sao Hỏa trong vòng 10 năm tới.

Bất cứ chính quyền Tổng thống Bush quyết định như thế nào, Tòa Bạch Ốc dường như không vội vã lắm trong việc thực hiện việc duyệt xét chương trình thám hiểm không gian của Hoa Kỳ. Phát ngôn viên Scott McClellan của Tòa Bạch Ốc đã bác bỏ các suy đoán của giới báo chí cho rằng Tổng thống Bush sẽ loan báo về vấn đề này trong một buổi lễ ở bang North Carolina vào ngày 17 tháng này nhân địp kỷ niệm 100 năm ngày anh em ông Wright thực hiện chuyến bay đầu tiên. Ông McClellan nói:

Việc duyệt xét đó hiện nay vẫn đang tiến hành. Tổng thống không có kế hoạch nào để loan báo một chính sách về chương trình không gian của chúng ta trong bất cứ một bài diễn văn nào sắp tới của ông.

Mặc dù trong một thập niên qua rất giới khoa học cũng như quần chúng đã tập trung chú ý vào việc thăm dò Sao Hỏa, các giới chức thuộc NASA nói rằng cơ quan này dường như đang chuyển trọng tâm sang việc đưa người trở lại Mặt Trăng trước.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG