Đường dẫn truy cập

Cộng tác viên Vân Trang tường trình từ Praha về đường lối quân sự mới của Âu Châu. - 2003-12-11


Những bất đồng trong thời gian gần đây giữa Hoa Kỳ và Âu châu đã làm cho các chính khách Âu châu nhận thấy cần phải đưa ra một đường lối tác chiến riêng để dựa vào đó mà lý luận với Hoa Kỳ.

Mới đây Hoa Kỳ có ra quyết định chỉ cho phép những công ty thuộc các quốc gia liên quân đấu thầu tái thiết Iraq, vậy các quốc gia Âu châu phản ứng ra sao trước việc này?

Quyết định của Hoa Kỳ về việc ngăn cản một số công ty của Tây Âu đấu thầu tại Iraq về những lãnh vực như dầu mỏ thông tin, nhà ở hay nước là một quyết định làm cho Tây Âu khá bất ngờ. Ba quốc gia lớn tại Âu châu là Pháp, Đức và Nga không nằm trong danh sách Liên quân nên cũng không có mặt trong những vụ đấu thầu các hợp đồng lên tới gần 20 tỷ đô la này. Âu châu nhìn đây như là một hành động trả đũa của Hoa kỳ trong việc các quốc gia này đã không ủng hộ Liên quân trong vấn đề chiến tranh tại Iraq.

Người phát ngôn của chính phủ Đức tại Berlin là ông Bela Anda đã lên tiếng rằng quyết định này với nước Đức là không thể chấp nhận được. Mặc dù có bất đồng nhưng Hoa kỳ và Đức đã từng thỏa thuận là nên nhìn về tương lai chứ không nên ngoái lại quá khứ.

Ngoại trưởng Nga ông Ivanov cũng lên tiếng rằng quyết định này đi ngược lại với những lời nói của tổng thống Bush, và phía Nga sẽ bàn thảo lại với Hoa kì về vụ việc này. Nga cũng nói thêm là sẽ xem xét lại việc xóa 8 tỷ nợ cho Iraq nếu như không cò lợi nhuận gì từ quốc gia này. Phía Pháp thì đe dọa sẽ dựa vào Tổ chức thương mại thế giới để phản đối quyết định này của Hoa kỳ.

Còn giới chuyên môn như thương mại hay luật pháp thì có bình luận gì không?

Giới thương mại thì nhìn đây như là một cuộc cạnh tranh muôn thuở giữa Hoa kỳ và Âu châu nhất là sau khi Hoa kỳ, dưới sức ép của Tổ chức thương mại thế giới đã phải bãi bỏ thuế thép nhập khẩu. Đây là một thắng lợi lớn cho phía Âu châu và vì vậy Hoa kỳ sẽ phải có biện pháp để cho cán cân kinh tế và kinh doanh sẽ được cân bằng lại. Trong khi đó giới luật gia thì bình luận rằng, lý do là nhằm bảo đảm lợi ích an ninh của Hoa kỳ do Mỹ đưa ra để ngăn chặn cạnh tranh, là thiếu thuyết phục.

Các giới chuyên môn khác thì kẻ ủng hộ người chống đối. Có chính kiến cho rằng ngày nay nên để cho tất cả các quốc gia tham gia tái thiết Iraq, càng nhiều càng tốt. Thế nhưng cũng có ý kiến cho rằng Hoa kỳ làm như vậy là đúng đắn. Người ta lập luận, cho tới nay mới chỉ thấy có người Mĩ, người Ý, người Tây ban nha bỏ mạng tại Iraq chứ chưa thấy có người Pháp, Đức hay Nga nào thiệt mạng tại đó cả, vậy thì tại sao những người thiệt mạng lại phải để cho quốc gia khác hưởng lợi?

Thế nhưng mới đây Liên hiệp Âu châu đã ra một kế hoạch bảo vệ an ninh trong đó nói sẽ hợp tác chặt chẽ với Hoa kỳ kia mà?

Có thể nói đây là kế hoạch tác chiến bảo vệ an ninh đầu tiên của Aâu châu do các bộ trưởng mới thông qua tuần này. Tài liệu này do người đứng đầu về ngoại giao của Liên hiệp Âu châu là ông Javier Solan soạn thảo. Oâng Solana đã có thời từng làm tổng thư kí NATO nên việc kết hợp quân sự giữa Âu châu với Hoa kỳ thì ông là người biết rõ hơn ai hết. Trong kế hoạch tác chiến này những nguy cơ chủ yếu của thế giới cũng như Âu châu đều được nhấn mạnh đến. Đó là khủng bố, vũ khí hủy diệt hàng loạt, chiến tranh trong vùng, tôi phạm có tổ chức quốc tế và thậm chí cả những quốc gia phá sản kiểu như Somali, Libie hay Afghanistan thời Taliban cũng là những mối đe dọa đáng kể. Chiến lược tác chiến này sẽ mang lại hòa bình, ổn định và tiễu trừ nạn khủng bố tại Âu châu. Các nhà chính khách hi vọng như vậy.

Nhưng từ trước đến nay Âu châu vẫn khá ổn định nhờ NATO?

Điều này thì đúng. Thế nhưng những bất đồng trong thời gian gần đây giữa Hoa kỳ và Âu châu đã làm cho các chính khách Âu châu nhận thấy cần phải đưa ra một đường lối tác chiến riêng để dựa vào đó mà lí luận với Hoa kỳ. Việc Âu châu và Hoa kỳ cạnh tranh về kinh tế nhưng lại hợp tác về quân sự thì từ xưa tới nay vẫn là lẽ thường tình thế nhưng lúc này vai trò của Liên hợp quốc không còn nổi bật và Âu châu với 25 quốc gia và 450 triệu dân số nay đã trở thành một tay chơi có tính chất toàn cầu hơn trong cục diện thế giới.

Trong đường lối tác chiến bảo vệ an ninh của mình, Âu châu vẫn đặt nặng quan hệ với Hoa kỳ và Trung quốc. Một tiến bộ khác nữa rằng các quốc gia Âu châu cũng đồng ý sẽ có những hành động tác chiến mang tính chất phòng ngừa. Các quốc gia Âu châu cũng đồng ý là trong trường hợp cần thiết sẽ xử dụng vũ lực nếu như các con đường ngoại giao thất bại. Đây là điều từ trước tới nay Âu châu vẫn cố né tránh. Các nhà bình luận cho rằng đây là một cử chỉ để Âu châu và Hoa kỳ có thế tiến lại gần nhau hơn sau những bắt đồng cả về quân sự, chính trị lẫn kinh tế.

Thế nhưng Âu châu cũng bắt đầu xây dựng một cơ cấu quân sự riêng?

Bước đầu tiên Âu châu sẽ thành lập một hội đồng quân sự đóng trụ sở tại Vương quốc Bỉ. Tạm thời ba quốc gia là Đức, Pháp và Anh đã đồng ý với nhau như vậy sau nhiều hồi tranh cãi. Thông qua cơ cấu này, Âu châu có thể có những tin tức từ NATO để có kế hoạch cũng như kịp thời hành động nếu như có nguy hiểm. Tuy vậy không có nghĩa là trong tương lai gần Âu châu đã có thể đảm đương một cuộc chiến nào đó một mình mà cơ cấu này tạm thời dùng để chỉ huy những hoạt động mang tính chất gìn giữ hòa bình hay cứu hộ mà thôi.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG