Báo The Wall Street Journal gọi chuyến đi của Phó Thủ Tướng Vũ Khoan là một chuyến biểu diễn lưu động được quảng cáo ồn ào, mà sự thành công hay thất bại của nó có thể tác động nhiều đến tương lai kinh tế Việt Nam.
Chuyến đi 9 ngày với một phái đoàn hùng hậu, trong đó có một Bộ Trưởng, nhiều Thứ Trưởng, và nhiều lãnh đạo ban ngành, sẽ đưa ông đến nhiều thành phố quan trọng, như Washington, Chicago, Houston, Los Angeles và San Francisco. Chuyến đi rất quan trọng cho các kế hoạch của Việt Nam, muốn hòa nhập vào nền kinh tế toàn cầu, và thuyết phục các nhà đầu tư Hoa Kỳ nên nhìn xa bên ngoài Trung Quốc để xem Việt Nam cũng là một căn cứ địa tốt cho những nhà sản xuất thành phẩm.
Trong khi gặp Ngoại Trưởng Colin Powell và các giới chức khác trong chính phủ Hoa Kỳ, Phó Thủ Tướng Vũ Khoan muốn nhấn mạnh ý định của Việt Nam là sẽ gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới trước năm 2005, và mở rộng trao đổi thương mại với Hoa Kỳ. Nếu Hà Nội không đáp ứng được thời hạn 2005, sẽ có nhiều công ăn việc làm bị mất, nhất là trong ngành dệt may.
Trong một cuộc phỏng vấn Ông Khoan cho hay ông hài lòng khi thấy năm nay Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, vượt cả Nhật Bản. Trong 9 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ 3 tỉ 600 triệu đôla, tăng gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm có hàng dệt may và bàn ghế bằng gỗ.
Nhưng ông Khoan cũng tỏ ý thất vọng về tiến độ chậm chạp của các nhà đầu tư Hoa Kỳ, dù đã có Hiệp Định Thương Mại Song Phương cách nay 2 năm. Ông nói rằng lẽ ra Hoa Kỳ phải là nước đầu tư số 1 tại Việt Nam. Và để thay đổi cái hiện tượng này, phái đoàn của ông Khoan sẽ trình bày cho các công ty Mỹ thấy rằng Việt Nam là một địa điểm tốt cho đầu tư và thương mại.
Theo chương trình thì ông sẽ gặp các các công ty Intel và Oracle (chuyên về máy tính), công ty J.C. Penney và Wal-Mart (là những hệ thống cửa hàng bách hóa lớn), công ty Boeing đang muốn bán thêm máy bay cho Việt Nam, và công ty Lockheed Martin, đang dạm bán cho Việt Nam một vệ tinh viễn thông đầu tiên.
Người ta trông đợi ông Khoan cũng đi tìm vốn liếng và kinh nghiệm của Hoa Kỳ để giúp Việt Nam xây dựng các cơ sở hạ tầng trị giá 60 tỉ đôla trong 10 năm tới.
Hiện vẫn chưa rõ chuyến đi của ông Khoan có thay đổi được hình ảnh tiêu cực về khung cảnh đầu tư tại Việt Nam hay không, khung cảnh này đang bị hoen ố vì nạn tham nhũng, luật pháp yếu kém, quyền làm chủ đất đai bị giới hạn, dành cho quan chức nhiều đặc quyền đặc lợi, và những người có chức có quyền thường đưa ra những quyết định thiếu trong sáng.
Trước mắt, trong chuyến đi này, Phó Thủ Tướng của Việt Nam phải trả lời một số điểm lấn cấn do phía Hoa Kỳ đặt ra. Ví dụ như chuyện mới đây Hanoi đã tăng thuế thật mạnh vào các món phụ tùng xe hơi nhập khẩu, bất chấp sự chống đối của công ty Ford của Mỹ và các công ty nước ngoài đang lắp ráp xe hơi tại Việt Nam.
Một vấn đề gai góc khác là Hiệp Hội nuôi tôm Hoa Kỳ dọa sẽ kiện Việt Nam và các nước khác đang bán phá giá tôm vào Hoa Kỳ. Năm ngoái Việt Nam xuất khẩu 466 triệu đôla tôm sang Hoa Kỳ. Ông Khoan nói rằng trong khi cộng đồng quốc tế đang đổ vào hàng trăm triệu đôla để giúp Việt Nam giảm nghèo, thì chỉ cần một vụ kiện phá giá tôm như thế cũng đủ xóa sạch toàn bộ nỗ lực đó.
Vấn đề quan trọng nữa, là vấn đề nhân quyền, mà hiện nay Việt Nam đang bị Quốc Hội Hoa Kỳ chỉ trích rất mạnh. Ông Raymond Burghardt, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nói rằng mặc dù quan hệ 2 nước nói chung là đang phát triển tốt, nhưng các quan tâm tại Hoa Kỳ về nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam là đám mây đen đang bao phủ tất cả tiến bộ đó.