Đường dẫn truy cập

Giải thưởng Nobel hòa bình năm nay cho nữ luật sư người Iran Shirin Ebadi có ảnh hưởng đến phong trào đòi thay đổi tại Iran hay không? - 2003-11-21


Liệu quyết định trao giải thưởng Nobel hòa bình năm nay cho nữ luật sư người Iran, bà Shirin Ebadi, có tạo thêm động năng cho phong trào đòi thay đổi tại Iran hay không? Một nhóm nữ học giả Iran tại Hoa Kỳ cho rằng giải thưởng này sẽ đóng góp phần nào vào công cuộc đó, nhưng họ cũng nói rằng trong 24 năm kể từ cuộc cách mạng hồi giáo tại Iran, phụ nữ đã không ngừng tranh đấu đòi cải cách chính trị và pháp lý. Phái viên Jenny Falcon của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ ghi nhận thêm chi tiết trong bài được Minh Phượng chọn làm đề tài cho Câu Chuyện Phụ Nữ kỳ này.

Khi khôi nguyên giải Nobel hòa bình Shirin Ebadi trở về Iran sau khi nhận giải thưởng, hàng chục ngàn người Iran đã xuống đuờng hoan hô bà.

Bà Ebadi sinh trưởng và đi học tại Iran. Trước cuộc cách mạng, bà là một trong những nữ thẩm phán đầu tiên trong nước. Nay bà làm luật sư và giảng dậy tại trường đại học Tehran.

Khi trao giải thưởng hòa bình cho bà Ebadi, ủy ban Nobel đã nhận định rằng mặc dù đã bị tù vì đã cộng tác trong nhiều vụ chính trị gây tranh cãi, bà vẫn kiên trì vận động cho quyền lợi của phụ nữ và trẻ em và quyền của con người và cũng đã quảng bá cho việc diễn dịch luật hồi giáo sao cho phù hợp với dân chủ.

Bà Haleh Esfandiari, giáo sư về Trung Đông học tại trung tâm học giả quốc tế Woodrow Wilson tại Washington nói rằng phụ nữ Iran có thể đồng cảm với khôi nguyên giải Nobel hòa bình.

Bà Esfandiari cho rằng nay khi bà Ebadi đoạt giải Nobel hòa bình thì cộng đồng quốc tế có thể trông đợi một sự thúc đẩy mạnh hơn đòi thay đổi từ bên trong Iran.

Phụ nữ Iran sẽ cảm thấy không những được bênh vực mà còn thấy mạnh dạn hơn và sẽ thúc đẩy mạnh hơn để đòi có những thay đổi sâu rộng hơn nữa trong các lãnh vực pháp lý, xã hội và chính trị.

Trước cuộc cách mạng hồi giáo, bà Esfandiari là một ký giả và giữ chức phó tổng giám đốc của Tổ Chức Phụ Nữ Iran. Mới đây bà đã phát biểu trong một cuộc thảo luận về phụ nữ và thay đổi xã hội tại Iran do tổ chức tư nhân Asia Society tổ chức tại thành phố New York.

Bà Esfandiari nói rằng tuy các toà án vẫn tiếp tục thiên vị nam giới, đã có một vài tiến bộ. Tuổi kết hôn của thiếu nữ đã được tăng lên từ 9 tuổi đến 15 tuổi, phụ nữ có thể xin ly dị trong một số hoàn cảnh, và họ có thể xin toà cho phép đuợc nuôi con.

Theo một diễn giả khác tại hội nghị là giáo sư trường đại học Boston, bà Shahla Haeri, phụ nữ cũng tiếp tục nuôi dưỡng các ước vọng chính trị. Trong cuộc tranh cử Tổng Thống vào năm 2001, giáo sư Haeri đã phỏng vấn phụ nữ Iran tại Tehran về hoạt động chính trị và bàn luận về tính chất mơ hồ của bản hiến pháp Iran có liên quan đến điều khoản liệu phụ nữ có thể trở thành Tổng Thống hay không.

Phụ nữ lập luận rằng họ cũng là một thành phần trong tinh hoa chính trị, vì thế, phái tính không thể là một trở ngại cho bất cứ chức vụ chính trị nào.

Bà Haeri cho biết bà đã soạn thảo một phim tài liệu, dựa vào các chuyến đi thăm Iran của bà, để cho các sinh viên Mỹ của bà thấy rõ bản chất phức tạp trong cuộc tranh đấu của phụ nữ Iran. Bà giải thích:

Hai điểm mà tôi muốn chứng minh trong cuốn băng video này là phụ nữ làm như thế nào để cố gắng chống lại bản hiến pháp và sự kiện họ trùm khăn trên đầu không có nghĩa là họ không biết suy nghĩ, và cũng không có nghĩa là họ không còn là những tác nhân trong xã hội.

Các viện sĩ tham dự cuộc thảo luận tại New York nói rằng nền điện ảnh Iran từng là một trong những lối thoát quan trọng để tranh đấu cho tình trạng của phụ nữ Iran. Một giáo sư trường đại học Princeton, bà Negin Nabavi cho rằng không những phụ nữ đã nổi tiếng trong vai trò đạo diễn mà một số phim được nhiều người ưa chuộng nhất của Iran mô tả các vai nữ chính hoặc rất ngoan cường, hoặc là nạn nhân của các hoàn cảnh áp bức. Bà Nabavi kể:

Phim ảnh Iran không những đảm nhận trách vụ công tác đả phá, mà còn trở thành tấm gương phản chiếu những diễn biến trong xã hội. Và trong một xã hội mà con số phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động ngày càng tăng, và nơi mà hơn 60% sinh viên đại học là phụ nữ, cũng như nơi một phụ nữ đầu tiên được giải Nobel, thì có lẽ sẽ không là điều lạ nếu ta thấy có thêm nhiều cuốn phim nói về phụ nữ và các vấn đề của phụ nữ trong những năm sắp tới.

Nhưng bà Elahe Sharifpour-Hicks, thuộc tổ chức tranh đấu cho nhân quyền Human Rights Watch có trụ sở tại New York và Ủy Ban nhân quyền Liên Hiệp Quốc cho rằng sự thất bại của Tổng Thống Mohammed Khatami của Iran trong việc bảo đảm các cải cách cơ chế đã gây trở ngại không riêng cho cuộc tranh đấu đòi nữ quyền mà cả cho phong trào cải cách nói chung. Bà lập luận:

Thay đổi trong mọi lãnh vực đã gặp nhiều khó khăn và vấn đề cốt lõi thường giống nhau. Nó nằm không những trong lãnh vực bình đẳng phụ nữ, là nơi ta không thấy tiến bộ, mà còn trong cả vấn đề tự do tôn giáo và tiến bộ hướng tới một chính phủ mang nhiều tính cách đại diện hơn.

Bà Sharifpour-Hicks cho rằng người Iran sẽ hiểu rằng sự thay đổi chỉ có thể diễn ra khi phụ nữ được quyền bình đẳng trong các lãnh vực như nuôi con, thừa kế gia sản, và việc truyền quốc tịch cho con cái.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG