Lời Dẫn: Đúng ngày này năm ngoái, hai hộp đêm trên hòn đảo Bali của Indonesia trở thành mục tiêu bị khủng bố. Hơn 200 người thiệt mạng, cuộc tấn công đã phá tan cái hình ảnh thơ mộng và hiền hòa của đảo Bali, một địa điểm du lịch nổi tiếng thu hút đông đảo du khách khắp nơi trên thế giới. Vụ khủng bố này, được coi như biến cố ngày 11 tháng 9 của Châu Á, đã đưa đến một số thay đổi trong khu vực. Một số các chi tiết về nguy cơ khủng bố tại Châu Á, một năm sau vụ tấn công tại Bali sẽ được trình bày trong Tiết mục Nhìn Về Á Châu do Hoài Hương phụ trách sau đây:
Thưa quý thính giả, hàng trăm người nước ngoài đã đổ về đảo Bali của Indonesia để dự lễ tưởng niệm các nạn nhân đã chết trong cuộc tấn công khủng bố xảy ra vào ngày 12 tháng 10 năm ngoái. Tại địa điểm bị tấn công, vào đúng giây phút quả bom phát nổ cách đây một năm, các giới chức, thân hào nhân sĩ tại địa phương và gia đình các nạn nhân rải hoa và im lặng trong giây phút mặc niệm.
Trong số những người đến Bali tham dự buổi lễ, có hơn 600 người Uùc, thân nhân của những nạn nhân đã bị sát hại ở Bali. Một lực lượng an ninh hùng hậu của Indonesia lên tới 5000 cảnh sát và binh sĩ đã được điều động để bảo vệ an ninh tại buổi lễ, với sự yểm trợ của một đội cảnh sát đến từ Australia. Sự hiện diện của đội ngũ cảnh sát Úc tại Bali là một bằng chứng về sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa hai nước Australia và Indonesia, từ khi xảy ra cuộc tấn công khủng bố ở Bali. Tinh thần hợp tác này bao gồm cả các quốc gia khác trong khu vực và Hoa Kỳ. Nhờ sự hợp táùc này mà trong một năm từ sau vụ tấn công Bali, các lực lượng an ninh trong khu vực và Hoa Kỳ đã đạt được một số thắng lợi trong cuộc chiến diệt trừ khủng bố. Cảnh sát khu vực đã bắt giữ hàng trăm nghi can Jemaah Islamiyah, một nhóm khủng bố Hồi giáo có liên hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaida, trên khắp Châu Á. Trong số bị bắt giữ, có những kẻ đã trực tiếp nhúng tay vào các vụ tấn công ở Bali và các nghi can trong vụ tấn công khách sạn Marriot tại Jakarta, xảy ra vào ngày 5 tháng 8 năm nay. Các cơ quan tình báo của nhiều quốc gia Đông Nam Á đã tỏ ra hữu hiệu hơn trong việc chia sẻ thông tin với các nước đối tác, với kết quả đáng khích lệ.
Hambali, còn có tên là Riduan Isamudin, nhân vật được coi là trùm khủng bố tại Đông Nam Á, đã bị bắt tại Thái Lan, sau khi các nhân viên an ninh Thái Lan và tình báo Hoa Kỳ bắt tay hành động sau khi được nhận được mật báo từ Malaysia.
Thế nhưng một năm sau biến cố Bali, theo các chuyên gia, mối đe dọa khủng bố tại Châu Á vẫn cao hơn lúc nào hết. Mặc cho những bằng cớ rõ rệt về hoạt động của Jemaah Islamiyah tại Indonesia, Jakarta vẫn chưa chính thức thừa nhận có sự hiện diện của nhóm khủng bố Hồi giáo này. Lý do, phần lớn là vì chính phủ Indonesia sợ sẽ làm phật lòng các chính đảng Hồi giáo đầy thế lực trong nước. Sự hợp tác giữa các nước, mặc dù đã được cải thiện, xong hãy còn bị cản trở bởi những hoài nghi, không hoàn toàn tin tưởng vào nhau.
Theo một số chuyên gia về khủng bố, thì nhóm Jemaah Islamiyah vẫn là một mối đe dọa nghiêm trọng trong khu vực, mặc dù một số thành phần chủ chốt trong nhóm này, như Hambali, đã bị bắt. Hambali được coi là nhân vật chịu trách nhiệm về nhiều vụ đánh bom xảy ra trên khắp Đông Nam Á. Theo tin của tạp chí Time, Hambali hiện đang bị giam cầm tại một căn cứ không quân Anh - Mỹ trên hòn đảo Diego Garcia hẻo lánh trong vùng biển Aán Độ Dương.
Dựa trên các cuộc thẩm vấn Hambali được thực hiện tại nơi này, ký giả của tạp chí Time nói rằng nhóm khủng bố Hồi giáo Jemaah Islamiyah vẫn là một mối đe dọa lớn. Jemaah Islamiyah vẫn duy trì các liên hệ chặt chẽ với mạng lưới khủng bố al-Qaida, được al-Qaida tài trợ, và ít nhất cho tới khi Hambali bị bắt, nhóm này vẫn nắm trong tay một số tiền mặt lớn, và do đó vẫn còn khả năng thực hiện thêm nhiều cuộc khủng bố khác nữa. Các nhân viên hoạt vụ của Jemaah Islamiyah vẫn được huấn luyện tại những địa điểm bí mật tại Châu Á, và điều đáng quan ngại hơn cả là nhóm khủng bố này vẫn tiếp tục thu hút đông đảo giới thanh niên Hồi giáo thuộc thành phần bất mãn, sẵn sàng giết người, và sẵn sàng dâng hiến mạng sống cho cái gọi là cuộc thánh chiến.
Một nhận xét khác của các ký giả tạp chí Time, dựa trên các cuộc thẩm vấn Hambali, thì những liên hệ giữa al-Qaida và nhóm Jemaah Islamiyah còn chặt chẽ hơn người ta tưởng. Một ví dụ được nêu lên, Hambali đã bị bắt cùng với hai tay chân thân tín người Mã Lai, Mohamad Farik Amin, còn được gọi là Zubair, và Bashir bin Lap, còn có bí danh là Lilie. Chính Hambali đã thú nhận hai đương sự không phải là thành viên của nhóm Jemaah Islamiyah mà là nhân viên hoạt vụ của al-Qaida, cả hai trước đây thuộc môt tổ cảm tử gồm 4 người, đã từng thề trước mặt Osama bin Laden, cam kết sẵn sàng chết vì cái gọi là “chính nghĩa” al-Qaida.
Hambali cho hay chính ông ta đã tuyển mộ 4 người vào tổ cảm tử này, thay mặt cho Khalid Shaikh Mohammed, chỉ huy trưởng quân sự của al-Qaida, nhân vật được coi là chủ mưu các cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 nhắm vào Hoa Kỳ.
Trong những lời khai, Hambali và hai tay chân al-Qaida là Zubair và Lilie mô tả chi tiết về thời gian nhiều tháng trời họ đã bỏ ra để tìm các mục tiêu tại Thái Lan cho các cuộc tấn công khủng bố. Trong những địa điểm được chú ý, có đại sứ quán Hoa Kỳ và Anh Quốc ở Bangkok, nhiều hộp đêm tại các khu du lịch như Phuket và Pattaya. Theo lời khai của Zubair, thì hồi tháng Ba năm nay, các đương sự đã đến quan sát phi trường Don Muang, đặc biệt quầy vé cho các chuyến bay trực chỉ Israel. Zubair cho hay quầy vé này được cảnh sát Thái Lan canh gác cẩn mật và mặc dù y trông thấy bãi đậu các phi cơ của hàng không Israel, nhưng có một hàng rào cao bảo vệ những chiếc phi cơ này, và như vậy sẽ không dễ thực hiện cuộc tấn công.
Một nhân viên tình báo Thái Lan cho hay sau đó, 3 đương sự chú ý tới khách sạn Marriot tại trung tâm thủ đô Bangkok, một nơi không được canh chừng cẩn mật, được họ coi là một mục tiêu khả thi. Nguồn tin này nói rằng có lẽ Khách sạn Marriott ở Bangkok đã may mắn không bị khủng bố tấn công, vì Hambali bị bắt.
Cũng chính Hambali đã gửi 45000 đôla sang cho Azahari bin Husin, một chuyên gia chất nổ và thành viên cao cấp của Jemaah Islamiyah, sau khi nhận được một email, trong đó chỉ viết rằng Tôi khởi sự một cơ sở làm ăn, và đang cần tiền vốn. Một phần số tiền đó đã được dùng để tài trợ cho vụ đánh bom khách sạn JW. Marriott tại Jakarta. Số tiền đã được chuyển qua một hệ thống đưa tin trải dài từ Thái Lan, qua Malaysia, sang tới Indonesia.
Theo các chuyên gia thì trong cuộc chiến diệt trừ khủng bố, khó khăn lớn nhất là cắt đứt nguồn tài trợ cho khủng bố. Đây là một thử thách mà các đối tác trong liên minh chống khủng bố đang dồn nỗ lực để đối phó.