Đường dẫn truy cập

Ðài Loan và các nàng dâu nước ngoài: Phụ nữ Việt lấy chồng Đài Loan. - 2003-10-07


Lời Dẫn: Thưa quý thính giả, trong tất cả các đám cưới tổ chức hồi năm ngoái mà chú rể là người Đài Loan, thì trong 25% trường hợp, 40 ngàn đám cưới trong năm 2002, cô dâu là người nước ngoài. Bộ Nội Vụ đảo quốc này cho hay hiện có tất cả 280 ngàn phụ nữ nước ngoài tại Đài Loan lấy chồng là công dân Đài Loan, trong số các phụ nữ này, có 40 ngàn người Việt Nam. Một số chi tiết về cuộc sống tha hương của các nàng dâu Việt Nam tại Đài Loan sẽ được trình bày trong Tiết mục Nhìn Về Á Châu sau đây.

Vào tuổi 19, Nguyễn thị Phương, một cô gái người Cần Thơ, lên xe hoa về nhà chồng. Nhưng trong câu chuyện có thực này, nhà chồng ở tận bên đảo Đài Loan, và chú rể là một người đàn ông 46 tuổi. Đối với cô gái người Việt còn trong lứa tuổi mộng mơ này, cuộc sống hôn nhân trên đất lạ đầy những thực tế phũ phàng.

Trong những bổn phận mà người vợ trẻ được ông chồng người Đài Loan giao phó, có trách nhiệm phải chăn một đàn heo lớn. Một ngày nọ, một con heo ngã chết. Theo lời cô Phương kể cho một ký giả Asia Times, thì vì cái tội lớn này, ông chồng đã cột tay và treo cô lên cho tới khi cô gần ngất xỉu. Lúc đó, cô đang mang thai.

Ba năm sau, cô Phương trở về Việt Nam, cô tả cuộc đời của cô ở Đài Loan là một địa ngục, và tuyên bố thà sống trong khắc khoải còn hơn là trở về Đài Loan để sống với người chồng độc ác trên một đất nước xa lạ. Ông chồng đồng ý để cô ra đi, nhưng không cho cô mang theo hai đứa con trai nhỏ.

Câu chuyện này vẫn chưa đi đến đoạn kết, và theo lời ký giả Trần Đình Thanh Lam, còn nhiều câu chuyện buồn tương tự, về những cuộc hôn nhân giữa phụ nữ Việt Nam lấy chồng Đài Loan.

Trong những năm gần đây, hiện tượng thiếu nữ Việt Nam lấy chồng Đài Loan ngày càng phổ biến.

Theo số liệu của Bộ Nội Vụ Đài Loan, thì hồi năm ngoái, trong tất cả các đám cưới có chú rể là người Đài Loan, 25% tức là trong 1 phần tư trường hợp, các cô dâu là người nước ngoài. Hiện nay trên lãnh thổ Đài Loan, có tất cả 280,000 người vợ nước ngoài có chồng là công dân Đài Loan. Trong số đó, 190,000 người đến từ Hoa Lục, và 90,000 người đến từ các nước Đông Nam Á, trong số vợ nước ngoài ở Đài Loan đến từ Đông Nam Á, có 10,000 người Indonesia và 40,000 người Việt.

Chắc chắn trong những cặp vợ Việt chồng người nước ngoài cũng có rất nhiều cặp sống trong hạnh phúc. Hai bên quen biết nhau qua bạn bè hoặc người quen giới thiệu, và hôn nhân là kết quả của một quan hệ chân thật.

Nhưng trong rất nhiều trường hợp, không phải tình yêu đã dẫn tới hôn nhân, đặc biệt là các cặp có chú rể là người Trung Quốc hay Đài Loan. Nhiều cuộc hôn nhân diễn ra trong khi hai bên không hề gặp gỡ nhau, dù chỉ một vài lần, các cuộc hôn nhân này hoàn toàn do những người môi giới bất hợp pháp lo liệu, với mục tiêu duy nhất là làm tiền. Đôi khi, hôn nhân được quyết định trong những cái gọi là buổi chọn vợ. Mới đây, hồi tháng Tám năm nay, công an thành phố Hồ Chí Minh đã bắt giữ 5 người đàn ông Nam Triều Tiên đi chọn vợ theo lối này tại một khách sạn nọ, trong số 125 phụ nữ Việt Nam được đưa đến khách sạn, hy vọng có thể lọt vào mắt xanh của 5 người đàn ông lớn tuổi người nước ngoài.

Tất cả đều đã được thả ra, nhưng câu chuyện này là biểu hiện của một hiện tượng xã hội rất đáng chú ý.

Nhiều phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài vì muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Theo Asia Times, nhiều thiếu nữ nhà nghèo thuộc lưu vực sông Mêkong vẫn tin rằng lấy chồng nước ngoài là cơ may duy nhất để giúp gia đình giải quyết khó khăn tài chánh, như thiếu nợ, một vụ mùa thất thu, hoặc cảnh thất nghiệp trong gia đình.

Những thiếu nữ này là thành phần rất dễ trở thành nạn nhân của những kẻ môi giới bất hợp pháp và bất lương. Rất nhiều cô lâm vào cảnh ngộ làm dâu ở Đài Loan, tương tự như trường hợp cô Nguyễn thị Phương, bị dồn vào thế kẹt trong một cuộc hôn nhân ngục tù trên một xứ sở xa lạ, hoặc bị lừa đảo đưa ra nước ngoài, để bị bán lại cho các ổ mãi dâm.

Đối với nhiều người đàn ông Đài Loan, thường lớn tuổi hơn vợ, có người bị tàn tật, bỏ tiền ra lấy vợ nước ngoài là một giải pháp tiện lợi, người vợ mới là người giúp việc nhà không lương, người chăm sóc cho chồng bị tàn tật, hoặc cho bố mẹ chồng già cả, hoặc là nguồn lao động rẻ tiền cho các cơ sở làm ăn bên gia đình chồng. Linh Mục Bruno Ciceri cai quản Trung Tâm Dịch Vụ Quốc Tế phục vụ người di dân nước ngoài ở tỉnh Kaohsiung ở miền Nam Đài Loan, cho biết là có cả những ông chồng không làm việc gì cả, và coi vợ như nguồn lợi tức duy nhất của gia đình.

Theo lời linh mục Ciceri phát biểu tại một buổi hội thảo về di dân tổ chức tại Thái Lan, thì “nhiều người vợ nước ngoài còn bị chồng và gia đình nhà chồng coi như một công cụ sinh nở, và họ phải sinh con trai, nếu không sẽ bị coi như vô dụng” .

Trong một phúc trình về cuộc nghiên cứu tại Đài Loan hồi năm ngoái, trung tâm MRSC của Việt Nam cũng đồng ý với Linh Mục Ciceri. Trung Tâm này trích dẫn lời một nhân viên làm việc cho một tổ chức phi chính phủ chuyên giúp đỡ người di dân tại Đài Loan, nói rằng “Nhiều người đàn ông bỏ tiền ra mua vợ về, để làm người ở và làm chiếc máy đẻ cho họ.” Nhân viên của tổ chức phi chính phủ này, The Migrant Worker, đã từng giúp đỡ những phụ nữ là nạn nhân bị các ông chồng bạo hành về tình dục.

Theo lời linh mục Bruno Cicero, thì những vấn đề liên quan tới các cuộc hôn nhân dị chủng ở Đài Loan- có những nguồn gốc xã hội sâu xa. Một phần của vấn đề là nhận thức của người đàn ông về cuộc hôn nhân và tình trạng thiếu một hệ thống tương trợ để giúp những người vợ nước ngoài hội nhập vào cuộc đời mới và xã hội mới. Linh mục Ciceri giải thích rằng nhiều người không lấy vợ nước ngoài vì tình, mà vì họ muốn lấy được vợ để sinh con. Trong khi đó những phụ nữ muốn lấy chồng nước ngoài vì muốn nắm lấy cơ hội, hy vọng có thể cải thiện mức sống và tiến thân cho chính mình.

Những cuộc hôn nhân không có tình yêu gắn bó, những khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ là những trở ngại mà nếu không vượt qua được, là những yếu tố đưa đến đổ vỡ. Linh mục Ciceri cho biết là một số người vợ nước ngoài ở Đài Loan bị cấm đoán không được giao du làm bạn với bất cứ ai, không được liên lạc bằng điện thoại, và không hiểu luật lệ địa phương để có thể đòi hỏi quyền lợi của mình. Những người không nói được tiến Quan Thoại hầu như không thể nào xin được giúp đỡ trong trường hợp họ bị bạo hành và ngược đãi. Hội Eden vì Thịnh Vượng tại Đài Loan đã thành lập một đường giây điện thoại khẩn để nhận điện thoại của những người vợ nước ngoài tại Đài Loan, trong khi các giới chức Đài Loan vận động mở các khóa tập huấn để giúp thành phần này học nói tiếng địa phương, và hòa nhập tốt hơn vào xã hội Đài Loan.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG