Lễ Lao động Mỹ là ngày báo hiệu mùa hè chấm dứt và niên học mới bắt đầu. Ngày lễ này đã xuất hiện từ khoảng cuối thế kỷ thứ 19 với mục đích dành một ngày nghỉ ngơi cho công nhân phải lao động cực khổ trong các xưởng thợ vất vả nhọc nhằn của thời kỳ ngành công nghiệp Mỹ vừa phôi thai. Sau đó các quốc gia khác đã theo chân Hoa Kỳ dành ra một ngày lễ như thế cho công nhân trong nước họ.
Truyền thống làm việc vất vả, siêng năng, cần mẫn của thế hệ tiền bối tạo dựng nên đất nước Hoa Kỳ vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay để Hoa Kỳ trở thành quốc gia có nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới.
Giới công nhân Hoa Kỳ hiện nay làm việc nhiều giờ nhất so với các quốc gia công nghiệp khác. Họ làm nhiều hơn dân Châu Âu 300 giờ một năm và nhiều hơn dân Nhật, vốn cũng đã nổi tiếng là siêng năng cần mẫn, 100 giờ đồng hồ mỗi năm. Giai cấp trung lưu của những công nhân chiếm đa số trong xã hội đã ra đời vì thế hệ cha ông muốn như thế hầu bảo đảm cho con cháu sau này một đời sống tốt đẹp hơn. Với truyền thống làm việc như vậy người Mỹ bị coi là quá mê công việc đến nỗi không còn biết hưởng thú vui gì khác. Trong lúc chính phủ ở nhiều quốc gia khác phải ra lệnh cho giới chủ nhân phải cho công nhân được hưởng nhiều ngày nghỉ hơn thì lại có một số người tại Hoa Kỳ không dùng hết những ngày nghỉ phép của họ vì quá bận rộn.
Tuy nhiên, một số người lại cho rằng sự siêng năng cần mẫn lại có một cái giá phải trả. Làm việc quá nhiều giờ ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Không có đủ thời giờ để ngủ cơ thể sẽ mệt mỏi, dễ gây tai nạn xe cộ. Các công nhân làm việc quá nhiều giờ còn có thể dễ bị tai nạn và thương tích nơi làm việc. Thế rồi không có thời giờ tập thể dục, cũng chẳng muốn nấu nướng, người dân Mỹ quay sang các tiệm ăn dọn nhanh cho tiện, nhưng những thức ăn của các cửa hàng này là loại đầy dầu mỡ và đầy calorie gây chứng phì mập. Những áp lực do công việc đem lại và tình trạng bão hòa không chịu nổi công việc của nhiều công nhân viên gây thiệt hại cho nền kinh tế đến 200 tỉ đô la mỗi năm.
Đời sống gia đình của những người cứ vùi đầu vào công việc cũng bị ảnh hưởng không tốt. Người công nhân làm quá nhiều giờ không còn có thời giờ cho vợ hay chồng, con cái và cha mẹ.
Cả cộng đồng cũng phải chịu thiệt hại. Đi làm đầu tắt mặt tối, một số đông nguời Mỹ không còn thời giờ để qua lại với xóm giềng, không có thời giờ để mắt vào bọn trẻ trong khu phố và cũng không còn thời giờ để làm những chuyện tình nguyện phục vụ cho cộng đồng. Nhiều người cũng không có thời giờ theo dõi các ứng viên vận động tranh cử và ngay cả đi bầu nữa. Vì công việc đã chiếm hết thời giờ, những công nhân làm việc bận rộn không còn thời giờ cho sự phát triển cá nhân của họ hay là việc thăng tiến tinh thần. Ngoài ra vì bận rộn, người Mỹ thường mua những vật dụng dùng xong một lần rồi bỏ, thức ăn thì đóng hộp, những thứ phế bỏ này sẽ tích lũy lại làm hại cho môi sinh.
Ý thức được chuyện này một số người đã đứng ra tổ chức ngày được đặt tên là Take Back Your Time day, ngày Lấy Lại Thời Giờ Cho Bạn, vào 24 tháng 10 năm nay, để hô hào mọi người nên ý thức đến sự quân bình giữa công việc với đời sống gia đình. Sau lễ Lao động hôm thứ Hai vừa rồi, trẻ em Mỹ đã trở lại trường học trong khi các học khu của hầu hết 50 tiểu bang đều đang phải vất vả đối phó với rất nhiều khó khăn.
Trước hết là mặc dù đã được khuyến cáo chích ngừa cho con em trước ngày nhập học, một số học sinh không có đủ giấy tờ chứng minh đã chích ngừa đầy đủ và nhà trường vùng thủ đô Washington đã phải cho mở các trạm chích ngừa miễn phí cho học sinh.
Tại quận Fairfax, một quận hạt trù phú thuộc phía Bắc của bang Virginia, niên học mới bắt đầu với 4 trường học mới xây được khai trương đón nhận học sinh cấp 1.
Hầu hết các học khu đều dang phải đối phó với tình trạng thiếu hụt ngân sách , số giáo chức giảm bớt vì học khu thiếu tiền, nhưng sỉ số học sinh lại tăng cao hơn niên khóa trước. Những trách nhiệm này đặt nặng trên vai các trưởng khu học chính của từng địa phương. Họ phải làm thế nào để giữ cho số học sinh trong mỗi lớp ở mức thấp, không quá đông, và phải nâng cao trình độ của học sinh, và đồng thời các dịch vụ như xe buýt đưa đón học sinh phải đầy đủ và hữu hiệu.
Một thí dụ điển hình là trường trung học cấp 3 Canby tại bang Oregon bị lâm vào tình trạng thiếu hụt tài chính. Năm ngoái trường này đã bị đánh giá là không đạt tiến bộ đủ trong niên khóa 2002 - 2003. Ý thức được điều này, nữ chủ tịch của ban chấp hành học khu Canby, bà Sandy Ricksger một mặt kêu gọi dân trong vùng hãy tình nguyện tiếp tay cho các trường học trong học khu của bà, một mặt đặt kế hoạch để cử các điều phối viên coi sóc những người tình nguyện viên làm việc giúp cho các trường học. Chương trình huy động những người tình nguyện làm việc cho 7 trường trong khu học chính Sanby được bắt đầu từ 3 năm nay và hiện có có 85 người lớn và 40 học sinh trung học tham gia. Chương trình sử dụng các tình nguyện viên này để bù đắp vào ngân khoản 1 triệu đô la bị chính quyền bang Oregon cắt giảm.