Đường dẫn truy cập

Nhạc Jazz Latinh. - 2003-09-02


Nhạc Jazz ra đời tại New Orleans vào khoảng năm 1900 khi những nhạc sĩ người Mỹ gốc Phi bắt đầu đảo nhịp giai điệu của những bài hát phổ biến thời bấy giờ. Thay vì nhấn đúng nhịp—1-2-3-4, 1-2-3-4— họ lại nhấn lệch nhịp theo kiểu: 1 VÀ 2 VÀ 3 VÀ 4 VÀ. Kể từ đó, nhiều kiểu đảo phách mới đã trở thành một phần của nhạc Jazz và có thể được tìm thấy trong dòng nhạc Jazz Latinh, dòng nhạc kết hợp các cung điệu của Jazz, các hợp âm và ứng tác ngẫu hứng với giai điệu của các vũ khúc bắt nguồn từ những nước châu Mỹ Latinh như Cuba và Brazil. Trong âm thanh rộn rã lôi cuốn của trống Conga, trống vỗ bongo và những nhạc khí gõ, nhạc Jazz Latinh khiến bạn dường như muốn chuyển mình theo điệu nhạc.

Mặc dù dòng nhạc khiêu vũ Latinh và dòng nhạc Jazz Latinh chia sẻ nhiều điểm chung nhưng giữa chúng vẫn có một sự khác biệt lớn. Điều quan trọng nhất đối với bất kì loại nhạc khiêu vũ nào chính là nhịp điệu đều đặn làm nền cho người khiêu vũ. Trong khi đó, yếu tố quan trọng nhất của nhạc Jazz chính là sự ngẫu hứng – ứng tác nhạc trong khi biểu diễn. Do các nghệ sĩ nhạc Jazz thường biến tấu và kéo dài các nhịp nên nhạc Jazz thích hợp với việc nghe hơn là khiêu vũ.

Quá trình kết hợp phong cách ứng tác của nhạc Jazz và các giai điệu nhạc khiêu vũ Latinh bắt đầu khoảng 100 năm trước đây. Những năm đầu của thế kỉ 20, nghệ sĩ dương cầm Jelly Roll Morton đã đề cập đến “sắc thái Tây Ban Nha” trong âm nhạc của mình, có nghĩa là các tác phẩm Jazz của ông có các sắc màu của các giai điệu Latinh. Tuy nhiên, phải đến tận năm 1931 khi người Mỹ lần đầu tiên nghe bài hát Cuba mang tên Người bán lạc rong (The Peanut Vendor) thì các giai điệu Latinh mới thực sự được ưa chuộng một cách cuồng nhiệt. Bài hát này đã mở đường cho rất nhiều sáng tác mới của cả dòng nhạc khiêu vũ Latinh lẫn nhạc Jazz Latinh trong suốt hơn 70 năm sau đó. Bắt đầu từ những năm 1940, các nhạc sĩ như Machito, Dizzy Gillespie, Stan Kenton và Tito Puente đã sáng tạo ra những âm điệu Jazz Latinh độc đáo. Vào những năm 1960, Stan Getz đã mang điệu Bossa Nova của Brazil đến với Jazz khi thu thanh tác phẩm Cô gái đến từ Ipanema (The Girl from Ipanema) của Antonio Carlos Jobim. Vào những năm 1970, Miles Davis đã thêm các nhạc khí gõ của Brazil khi kết hợp nhạc rock và nhạc Jazz mà ông gọi là sự hoà trộn. Ngày nay, các nhạc sĩ như Chucho Valdes, Eliane Elias và ban nhạc Câu lạc bộ xã hội Buena Vista đang trong quá trình sáng tạo ra những giai điệu Jazz Latinh mới của chính mình.

KLAH-vay

Một trong những giai điệu Latinh phổ biển nhất là giai điệu bắt nguồn từ châu Phi mang tên clave (KLAH-vay). Hãy thực hiện những bước hướng dẫn sau để nắm được cách chơi điệu clave:

1. Hãy đếm đi đếm lại “1 VÀ 2 VÀ 3 VÀ 4” cho đến khi bạn có thể giữ thật đều nhịp.

2. Tiếp đó, chỉ đếm to những âm tiết được in đậm. Bạn có thể đếm thầm những âm tiết không được in đậm nhưng không phát âm chúng: “1 VÀ 2 VÀ 3 VÀ 4 VÀ 1 VÀ 2 VÀ 3 VÀ 4 VÀ”

Chương trình Sứ giả nhạc Jazz 2003 do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Trung tâm Kennedy thực hiện

Trung tâm Nghệ thuật biểu diễn John F. Kennedy tại Washington, D.C. là cơ quan lên kế hoạch và giám sát quá trình tuyển chọn cho chương trình Sứ giả nhạc Jazz do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ. Trước khi bắt đầu chương trình biểu diễn, mỗi ban nhạc được lựa chọn tham gia chương trình sẽ có một buổi biểu diễn miễn phí tại Sân khấu Thiên niên kỉ của Trung tâm Kennedy. Những buổi biểu diễn này là một phần của chương trình Sân khấu Thiên niên kỉ vào lúc 6 giờ chiều hàng ngày của Trung tâm và cũng được giới thiệu với khán thính giả trên toàn thế giới qua mạng Internet. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chi trả cho các nhóm tứ tấu chi phí đi lại quốc tế và một khoản thù lao vừa phải. Các chuyến lưu diễn thường kéo dài từ bốn đến sáu tuần và được dành riêng cho những nước ít có các ban nhạc Mỹ đến biểu diễn. Ngoài các buổi biểu diễn hoà nhạc dành cho công chúng, các Sứ giả nhạc Jazz cũng có những buổi lên lớp và biểu diễn mẫu cho các nghệ sĩ của nước sở tại.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG