Trong tuần qua một cuộc mít tinh để tưởng nhớ bài diễn văn hùng hồn trong thời kỳ cao điểm của cuộc tranh đấu cho dân quyền đã được tổ chức tại thủ đô Washington. Lá Thư Mỹ Quốc sẽ ghi lại sơ lược diễn biến này và câu chuyện về tân giám đốc của Học Viện Quốc Gia Nghiên Cứu về Vấn Đề Nghiện Ngập.
Thứ Bảy tuần trước Thủ đô Hoa Kỳ đã chứng kiến một cuộc mít tinh ghi dấu 40 năm ngày mục sư Martin Luther King đọc bài diễn văn để đời khi cuộc tranh đấu cho dân quyền của người da đen lên tới cao điểm của nó. Cũng tại nơi này 40 năm xưa, mục sư Martin Luther King đã đứng trước một rừng người bừng bừng khí thế tụ hội về đây tranh đấu cho quyền của người da đen với câu nói bất hủ “I have a dream ..” Tôi mang một giấc mơ, ông mơ về một nước Mỹ nơi người da trắng và da mầu cùng chung sống hài hòa trong bình đẳng. Ngày đó cuộc tranh đấu chỉ do những tổ chức dân quyền, các tổ chức tôn giáo và lao động đứng ra điều phối. Nhưng trong cuộc mít tinh tuần qua, đã có đến hơn 40 diễn giả thuộc nhiều đoàn thể tranh đấu khác nhau lên tiếng, phản ánh sự đa dạng của những vấn đề liên quan đến dân quyền đi theo bước chân của cuộc tranh đấu 40 năm về trước đã giành được thắng lợi trong thập niên 60.
Trong dịp này người ta nghe thấy cả nhiều tiếng nói của lãnh tụ tổ chức của giới đồng tính luyến ái và của người Mỹ gốc Ả Rập
Đám đông tại cuộc mít tinh năm nay có một mục tiêu tranh đấu là: đòi công bằng xã hội và tìm cách đánh bại tổng thống Bush trong cuộc bầu cử kỳ tới.
Tuy cũng khá đông người tham dự nhưng số nguời hiện diện năm nay kém xa dịp kỷ niệm 20 năm là 250 ngàn người và năm thứ 30 với 75 ngàn người.
Cũng trong tuần qua, giới truyền thông được biết đến tên tuổi tân giám đốc của Học Viện Quốc gia Nghiên Cứu vấn đề Nghiện Ngập, bác sỹ Nora D.Volkow, đã được giao phó chức vụ này từ tháng 5 vừa qua. Đây là lần đầu tiên một phụ nữ được bổ nhiệm vào chức vụ quan trọng này.
Theo tờ Washington Post, bác sỹ Nora Volkow là một chuyên gia lỗi lạc, có nhiều ý tưởng cách mạng trong lãnh vực nghiên cứu khoa học. Kể từ lúc mới bước chân vào trường y khoa, bà đã dành nhiều thời giờ cho công cuộc khảo cứu về ảnh hưởng của ma túy. Tốt nghiệp đại học y khoa Mexico, bà hoàn tất chương trình khảo cứu hậu đại học tại trường y khoa đại học New York về ngành tâm trí bệnh học, theo đuổi các chương trình nghiên cứu tại phòng thí nghiệm quốc gia Brookhaven. Bà cũng từng là giáo sư về ngành tâm trí bệnh học cho đại học Stony Brooke thuộc đại học NewYork và từng làm việc cho trường y khoa đại học Texas và bệnh viện tâm thần Saint Anne tại Paris, nước Pháp.
Bà rất thích nghiên cứu về tiến trình suy nghĩ và chính điều này đã đưa bà đến việc trở thành một trong những người đi tiên phong sử dụng kỹ thuật định vị não, dùng hình ảnh 3 chiều để theo dõi tác động của các hóa chất xem chúng hoạt động ra sao trong não bộ. Bà là người đầu tiên gợi ý rằng bệnh nhân chứng tâm thần phân liệt được chữa trị lâu dài bằng thuốc thì mô thức suy nghĩ và xúc cảm của họ sẽ bị thay đổi cho dù thuốc giúp làm giảm bớt những ảo giác nơi nguời bệnh.
Trong các công trình khảo cưú bà cũng là người đầu tiên nhận thấy rằng nghiện ngập Cocaine có thể gây stroke nhẹ nơi não bộ, và cocain là chất độc, một ý tưởng quá mới mẻ vào lúc đó, khiến phải mất 3 năm bài khảo cứu của bà mới được một tờ tạp chí chuyên môn cho đăng tải. Và mới đây nhất chính bà là người đã gợi ý rằng những trung tâm gây cảm giác thoải mái, sung sướng tại não bộ, gọi là những điểm nhận dopamine, một hóa chất trong cơ thể gây cảm giác vui vẻ, hưng phấn thì nơi người nghiện ngập lại ít hơn so với nguời bình thường, chính vì vậy mà những người này đã phải tìm đến ma túy, hoặc rượu để kích thích cảm giác hưng phấn mà người bình thường lại không cần ma túy vẫn có được.
Nhờ công trình khảo cứu xuất sắc với tổng cộng chừng 275 bài đã được cho đăng tải cùng 3 cuốn sách đã được duyệt và nhiều tài liệu đã được soạn cùng nhiều giải thưởng khoa học, bà đã được chọn làm thành viên của Học Viện Nghiên Cứu Y Khoa thuộc Hàn Lâm Viện Khoa HọÏc Quốc Gia và năm 2000 bà đã được tờ tạp chí U.S News And World Report bầu làm “nhân vật cách tân trong năm” Innovator of the Year).
Trong chức vụ giám đốc Viện Khảo Cứu vấn đề Nghiện Ngập, giờ đây bác sỹ Nora D. Volkow còn phải điều hành ngân khoản của chính phủ dành cho các cuộc khảo cứu về ma túy và vấn đề nghiện ngập. Bên cạnh công việc hành chính bề bộn, bác sỹ Volkow, năm nay 47 tuổi, cho biết bà cũng vẫn sẽ tiếp tục các công trình khảo cứu mà bà theo đuổi từ trước đến nay.
Nhân vật được coi là đầy ý tưởng sáng tạo và cách mạng trong công trình khảo cứu khoa học này có lẽ đã mang sẵn dòng máu cách mạng: Bác sỹ Nora D.Volkow là cháu hai đời của nhà cách mạng cộng sản Leon Trotsky. Thời thơ ấu bà đã sống trong ngôi nhà của ông cố tại Mexico City sau khi ông bị người cộng sản Stalin tại Nga triệt hạ và phải trốn sang Mehico. Cũng trong ngôi nhà này Leon Trotsky đã bị thủ hạ của Stalin tìm đến ám sát. Thân phụ của bác sỹ Nora Volkow hoàn toàn không muốn nhắc nhở gì đến cái quá khứ hắc ám trong lịch sử này và trong thời thơ ấu của bà, thân phụ bà đã giữ kín tất cả những bí ẩn đó. Ngày nay căn nhà mà bác sỹ Nora Volkow sống thời thơ ấu đã được chính phủ Mexico tiếp quản và trở thành bảo tàng viện Trotsky.
Bác sỹ Nora Volkow, dòng giống cách mạng nhưng thiên tư cách mạng của bà đã được dành hết cho khoa học thay vì chính trị.