Kỹ thuật siêu âm ngày càng được dùng tại nhiều quốc gia trong việc săn sóc phụ nữ thời kỳ tiền thai sản nhằm giúp bác sĩ thẩm định sức khoẻ của trẻ em. Tuy nhiên tại Ấn Độ nơi mà những truyền thống kéo dài hàng thế hệ vẫn còn được áp dụng rộng rãi, kỹ thuật mới này đang được áp dụng vì những lý do khác. Cuộc kiểm tra dân số toàn quốc năm 2001 cho thấy có một dấu hiệu đáng báo động: đó là số đàn ông đông hơn phụ nữ tại nhiều phần lãnh thổ. Lý do vì có nhiều phụ nữ mang thai sử dụng kỹ thuật siêu âm để xác định phái tính của con cái trong bào thai để rồi quyết định phá thai nếu thai nhi là con gái. Thông tín viên đài Tiếng nói Hoa Kỳ Sonja Pace tường thuật về vấn đề gây tranh cãi này từ New Delhi như sau:
Vào lúc 9 giờ sáng, bác sĩ Greeta có mặt tại một y viện ở New Delhi để sẵn sàng gặp bệnh nhân đầu tiên của bà.
Bác sĩ Greeta là một bác sĩ sản phụ, và với tư cách là một nhà chuyên nghiệp được đào tạo đúng đắn, hiện là một khuôn mẫu của sự thành công trong một xã hội nơi mà nhiều phụ nữ cảm thấy mình không ở đúng vị trí trong nấc thang kinh tế và xã hội.
Bác sĩ Greeta cũng giống như các phụ nữ Ấn Độ khác, tuy thuộc đợt sóng mới nhưng lại bị áp lực phải sống theo kỳ vọng của xã hội Aán Độ cổ truyền. Greeta không phải là tên thật của bà, tuy nhiên câu chuyện của bà lại có thật. Bà kể:
Tôi năm nay 36 tuổi. Đứa con gái lớn của tôi lên 12 tuổi rưỡi, và con trai tôi được 5 tuổi rưỡi. Tôi đã mang thai 3 lần. Lần đầu tiên tôi có bầu và đẻ ra đứa con gái, lần thứ nhì tôi mang thai và sau đó phá thai vì tôi không được phép sanh liền 2 đứa con gái, và phía thông gia của tôi thực sự muốn tôi có 1 cậu con trai.
Ước muốn có một đứa con trai là điều phổ biến trong nhiều xã hội, và chắc chắn điều này chẳng mới mẻ gì tại Ấn Độ. Người ta thích có con trai hơn phần lớn vì lý do tài chánh. Người ta hy vọng những người con trai sẽ chăm sóc cha mẹ lúc tuổi già. Ngược lại con gái có thể là một lỗ thủng lớn về tài chánh cho gia đình khi cô gái này lấy chồng, bởi vì gia đình nàng lúc đó sẽ phải trả cho gia đình chú rể một món hồi môn lớn mà đôi khi trong nhiều trường hợp vụ này đưa gia đình tới chỗ kiệt quệ về tài chánh. Bác sĩ Sharda làm việc tại một y viện khác ở New Delhi. Bà cho biết là điều mà bác sĩ Greeta làm đang xảy ra tại đây hàng ngày. Bà nói:
Thật là một điều sỉ nhục tại đây người ta nghĩ là nếu bạn không có bầu 1 đứa con trai thì bạn không được kính trọng trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Và cũng do đó mà càng ngày càng có nhiều gia đình thực hiện việc xác định phái tính của thai nhi lúc người phụ nữ mang thai, và sau đó, nếu thai nhi là con gái thì đưa ra quyết định phá thai dựa theo phái tính.
Trong nhiều trường hợp việc phá thai được coi là hợp pháp, tuy nhiên sự phá thai không được phép dựa trên phái tính. Bác sĩ Sharda Jain cho hay là khoản luật này không ngăn cản được việc phá thai phi pháp. Bà nói:
Hiện nay sau khi mọi người biết rằng làm như thế là một tội ác thì bạn cũng nhận thấy là điều đó không được thực hiện công nhiên. Các đương sự tới gặp những người thật đáng tin cậy không hé mở sự việc cho ai biết. Trước đây điều này rất công khai. Nay thì họ làm một cách kín đáo.
Ông Francois Farah là đại diện của quỹ Dân số của Liên Hiệp Quốc tại Ấn Ðộ. Ông cho hay là những tiếng chuông báo động lại vang lên khi các viên chức và những chuyên viên bắt đầu tìm hiểu con số thống kê, và nhận thức rằng có một tỷ lệ chênh lệch về giới tính.
Vấn đề lựa chọn phái tính ngày càng trở thành vấn đề quan trọng, ít nhất là trong vòng 10 năm vừa qua. Tính trung bình cứ có từ 950 tới 955 người con gái thì có 1000 con trai. Đây là mức tính chung chung. Tuy nhiên thời gian từ giữa năm 1991 và năm 2001, chúng ta thấy tại nhiều tiểu bang tình hình tỷ lệ phái tính hạ thấp từ 950 xuống tới 900 hay 850, hoặc có thể xuống tới mức 800; tại nhiều tiểu bang, con số này xuống dưới 800.
Ông Farah cho hay không có những dữ kiện chắc chắn, tuy nhiên 1 bằng chứng có tính cách giai thoại cho biết là hàng năm có tới 6 triệu vụ phá thai được thực hiện chỉ vì bào thai là con gái.
Bác sĩ Greeta nói là áp lực buộc phải có 1 cậu con trai đã khiến bà cách đây 6 năm quyết định làm 1 cuộc thử nghiệm siêu âm, và sau đó phá huỷ bào thai đứa con gái; bây giờ thì bà ân hận về quyết định đó.
Không mấy lâu sau khi tôi phá thai, tôi đã tưởng là tôi có thể bỏ qua được chuyện đó. Tuy nhiên sau đó ít lâu, tôi nghĩ không phải như vậy, điều làm đó không đúng. Tôi cảm thấy là chính ra tôi không nên quan tâm gì tới phía thông gia hoặc bất cứ ai trong xã hội. Không có ai có thể thay đổi xã hội. Một mình tôi, tôi lại càng không thể thay đổi gì cả. Dĩ nhiên trạng thái tâm lý này cần thay đổi, nhưng đó không phải là chuyện dễ.
Ômg Francois Farah thuộc Quỹ Dân số của Liên Hiệp Quốc tin là việc lựa chọn phái tính chỉ là một phần trong khó khăn xã hội lớn lao hơn. Ông nói tiếp:
Hẳn bạn biết là điều nằm đàng sau việc lựa chọn giới tính không phải là việc phá thai, nhưng chính là sự kỳ thị, kỳ thị em bé gái. Do đó, điều người ta nên biện luận là hệ thống giá trị nào không đặt nền tảng trên quyền bình đẳng thì đó là 1 hệ thống giá trị sẽ thoái hoá thành sự kỳ thị.
Có một số người tin là chính quyền phải làm nhiều hơn nữa để thực thi luật lệ hiện hành chống những vụ phá thai bất hợp pháp, và trấn áp những bác sĩ phá thai. Một số người khác lại nói là cần có thêm nỗ lực nhắm vào việc thuyết phục người Ấn Độ thuộc mọi tầng lớp xã hội và kinh tế tin rằng con gái cũng có giá trị như con trai, và cũng có những cơ hội tương tự trong cuộc sống. Tuy nhiên, hiện nay chưa có gì cho thấy sự thay đổi sẽ xảy ra trong nay mai