<!-- IMAGE -->
Tôi đến Mỹ năm 1986 sau gần 8 tháng ở trại tị nạn Bataan Phi Luật Tân. Đảo trại nhỏ nghèo nàn, thỉnh thoảng hơi rợn người khi nửa đêm thấy căn nhà chao qua chao lại như đang nằm trên võng bỗng bị một người nào đó nắm một đầu võng nghịch tay lắc qua lắc lại. Nhưng đó chỉ là những cơn động đất nhỏ, thoáng qua, chưa kịp sợ thì đâu lại vào đó. Căn nhà lại đứng yên như trước đó chưa hề có cơn rùng mình của đất trời.
Người Phi ở đảo nầy còn nghèo hơn cả dân vượt biên tị nạn. Đêm đêm nằm nhớ Sài Gòn, nghe tiếng chân những cư dân người Phi đi luồn qua trại rao bán hột vịt lộn buồn đứt ruột.
Niềm vui của dân tị nạn ở đảo là những ngày chờ thư đến. Thư sẽ cho biết tin tức bên nhà và tin tức người thân ở Pháp, Úc hay Mỹ. Nhiều người nhận thư còn vui hơn khi trong thư có những tờ đô la. Tôi cũng nôn nao chờ thư, mặc dù tôi không biết là mình chờ thư ai, và ai biết mình ở đây mà viết cho mình? Vậy mà sau những ngày trông ngóng không duyên cớ, tôi cũng nhận được một lá thư. Lá thư đầu tiên là của một người bạn, một thi sĩ mà tin đồn từ những ngày tháng Tư 1975 là anh “không còn nữa”.
Tôi ra bờ suối, ngồi đọc thư bạn. Đọc đi đọc lại nhiều lần. Thư viết ngắn xuống dòng như những câu thơ. Thư có những dấu chấm, dấu ngang, dấu chéo... Bạn tôi dắt tôi trở lại quán Cái Chùa trên đường Tự Do, trở lại con đường hẻm căn nhà ở đường Nguyễn Trãi gần rạp Quốc Thanh, căn nhà “bố già” Nguyễn Đình Vượng cho tôi ở khi tôi trong những ngày tháng mất đà giữa một Sài Gòn buồn bã,... Tôi nhớ có lần tại căn nhà trong con hẻm này bạn đưa cho tôi những bài thơ mới viết của người thi sĩ trẻ tuổi Nguyễn Tất Nhiên, và cả những bài thơ của chính bạn viết về những mối tình tuyệt vọng,....
Sau thư của Lê viết từ Cali là thư Mai Thảo, thư Thanh Nam, thư gia đình, thư những người mà hồi ở Sài Gòn tôi chỉ nghe tên nhưng chưa hề gặp... Tôi biết tôi còn sống... Bạn tôi, Du Tử Lê, đã cho tôi viên thuốc đầu tiên uống vào thấy trong những ngày lo âu có chút niềm hy vọng.
Tôi vào Mỹ, đến thành phố Falls Church, Virginia vào mùa đông. Trời lạnh. Tuyết phủ trắng đường đi. Thành phố đẹp mà buồn. Mai Thảo gửi vé máy bay bảo xuống Cali đi, còn chần chờ gì nữa. Du Tử Lê hỏi làm gì trên xứ đó? Dưới này nắng ấm. Tôi mới quen với Giang Hữu Tuyên, Ngô Vương Toại, Lê Thiệp..., tôi có một việc làm lao động chân tay của một người lao động thiếu học, nên tôi đành bỏ Falls Church xuống Bolsa.
Tôi làm báo Người Việt như một sự tình cờ. Căn nhà đầu tiên tôi thuê nằm trên đường mang tên Hazard. Con đường nguy hiểm, rủi ro... Đó là thời gian viên thuốc hy vọng Du Tử Lê cho tôi uống khi còn ở Bataan bỗng nhiên tan biến. Tôi suy sụp thấy rõ. Tôi cần một viên thuốc khác. Tôi không tin đời sống, dù tôi vẫn sống. Buổi sáng tôi ngồi ở Song Long, với Mai Thảo. Tôi nói với anh, tôi muốn đi qua một tiểu bang khác. Tôi muốn sống một đời sống khác. Mai Thảo nói “đi đâu rồi cũng thế thôi. Nếu cậu không thể sống ở đây, cậu không thể sống ở một nơi nào khác. Tôi đã thử rồi.” Anh đưa tờ Văn vừa mới in cho tôi. “Có bài thơ Du Tử Lê tặng cậu.”
Bài thơ làm tôi giật mình. Tôi ở đường Hazard [nguy hiểm, rủi ro], nhưng trong đầu cứ luôn nghĩ là Hasard, với chữ s chứ không phải z. Par hasard, ngẫu nhiên. Có phải khi viết tặng tôi bài Thơ Ở Đường Tình Cờ, Lê muốn nói đời sống chẳng qua chỉ là một ngẫu nhiên, may rủi? Tờ báo Văn có bài thơ của Du Tử Lê tặng tôi sau đó đã thất lạc, nhưng chiều nay, một buổi chiều sau trận động đất trong thành phố Milpitas, bắc Cali, nơi tôi ở gần tâm điểm của thiên tai, tôi thấy từ đống sách báo đổ dưới chân tôi rơi ra trang báo Văn bị xé rách từ thuở nào bài thơ của Du Tử Lê. Thơ ở đường tình cờ. Đời sống phải chăng chỉ là may rủi, ngẫu nhiên, tình cờ? Không ai có thể tự định cho số phận mình. Mọi cố gắng đôi khi chỉ là sự vô vọng?
Tôi muốn chép tặng ngược lại bạn tôi bài thơ này. Hy vọng, như một số bài thơ khác của thi sĩ, bị thất lạc nay có thể trở về với chủ nhân.
thơ ở đường Tình Cờ
du tử lê
gửi NXH
chân vẫn bước những dặm đường, thất lạc
sáng hôm qua tôi gõ cửa mồ
ngày thắt cổ, treo trên cành nguyệt quế
khoảng sân sau, cỏ úa tháng năm chờ
ôi hạnh phúc sớm dại tê ngọn lưỡi
tôi ở đâu? trong ký ức kẻ nào?
thơ ở Alhambra
thôi cũng đủ, nửa đời thôi cũng đủ
buồn trăm năm thổi tạt ngọn cây mù
mưa hay nắng chỉ là lời nói khác
vui với buồn thôi trả lại thiên thu.