Đường dẫn truy cập

Kỳ Thị


Kỳ Thị
Kỳ Thị

<!-- IMAGE -->

Bước sang thế kỷ 21 này có lẽ ở nơi đâu con người cũng được nhắc nhở kỳ thị là một điều xấu mà ai cũng cần phải lên án hoặc từ bỏ nếu lỡ phải… có máu kỳ thị. Ở những nước đã phát triển như Anh, Mỹ thì kỳ thị về bất kỳ vấn đề gì cũng đều được cho là phạm luật. Kỳ thị chủng tộc. Kỳ thị giới tính. Ngay cả kỳ thị về tình dục cũng là một tội hình sự.

Ở những nước chưa được phát triển cho lắm như Việt Nam chẳng hạn, nếu như luật lệ chưa ban hành thì nhìn chung những hành động hoặc thái độ bị cho là kỳ thị cũng thường bị chê bai, hoặc nếu tệ lắm thì cũng bị cho là thiếu văn minh. Như kỳ thị Bắc Nam. Kỳ thị người thất học. Kỳ thị người đồng tính. Hoặc lưỡng tính. Thậm chí cái nhìn đối với người nghèo hiện nay trong xã hội Việt Nam cũng có những biến chuyển tích cực đáng khen ngợi.

Thế nhưng trong tháng vừa qua lại có tin là hiện nay ở Pháp, Đức, Hà Lan, Thụy Sĩ và các nước Bắc Âu, tòa án có quyền phạt tiền những ai lái xe quá nhanh tùy vào… tài sản của người phạm pháp. Có ít tiền, phạt ít. Có nhiều, phạt nhiều. Như một anh triệu phú mới đây ở Thụy Sĩ vừa bị phạt đến 290 ngàn đô (203,000 Euro) vì đã chạy nhanh quá mức quy định.

Quả là quá kỳ thị phải không các bạn?

Thế nhưng xem như có vẻ không có nhiều người phàn nàn về vấn đề này. Ngoại trừ những ông bà triệu phú.

Một số cho là điều này cũng công bằng vì số tiền phạt thật ra cũng không lớn gì mấy đối với những đại gia tầm cỡ như anh bạn triệu phú vừa phạm tội. Theo tòa án cho biết tài sản cá nhân của anh lên đến trên 20 triệu Euro và trong những năm vừa qua anh đã bị phạt rất nhiều lần nhưng hoàn toàn không có chứng minh gì cho thấy là anh… ngán. Từ vài trăm lên đến vài ngàn nhưng lần nào anh nhận ticket xong cũng trả đủ. Để rồi tiếp tục đạp ga lên chiếc Ferrari mới toanh của anh để vọt tiếp.

Vì vậy lần này quan tòa đã quyết định phạt anh sơ sơ 290 ngàn đô. Và đấy không phải là mức phạt cao nhất mà tòa có thể áp dụng.

Theo tin tức cho biết thì luật lệ hiện hành ở Thụy Sĩ cho phép quan tòa ra án lệnh phạt đến 1 triệu đô. Và số tiền đó cũng chẳng nhầm nhò gì nếu so ra với con số tối đa mà tòa án ở Đức có thể áp dụng: 16 triệu Euro. Một tấm vé phạt mà vừa nghe qua chưa kịp làm gì thì đã thấy rụng rời tay chân. Sức còn đâu để mà còn tỉnh táo lái xe phạm luật.

Bởi thế đôi khi tôi cũng có cảm giác là thật ra kỳ thị nó cũng tùy vào trường hợp cá nhân của mỗi người. Và thường thì người giàu không được nhiều người có thiện cảm như người nghèo. Nhất là ở những đất nước văn minh, giàu có. Oái ăm là ở chỗ đó.

Không biết tôi nghĩ như vậy có đúng không?

XS
SM
MD
LG