Đường dẫn truy cập

Anh chủ trì cuộc họp về khủng bố Yemen


<!-- IMAGE -->

Các Ngoại trưởng cùng những đại diện khác từ Hoa Kỳ, Châu Âu, các nước vùng vịnh và những nơi khác sẽ cùng gặp nhau tại Anh vào thứ Tư để bàn thảo về mối đe dọa khủng bố tại Yemen. Theo tường trình của thông tín viên của VOA Sonja Pace từ Luân Đôn, thì cuộc họp đã được xúc tiến nhanh chóng chính vì âm mưu gây nổ một máy bay Mỹ vào dịp lễ Giáng Sinh vừa qua.

Chủ nghĩa cực đoan bạo động tại Yemen, cùng phương cách tốt nhất để đối phó với nó là trọng điểm hàng đầu của cuộc họp tại Luân Đôn. Nhưng chính âm mưu toan cho nổ máy bay dân sự Mỹ hôm Giáng Sinh khi phi cơ này sắp hạ cánh tại Detroit đã là nguyên do cuộc họp.

Một người Nigeria tên Umar Farouk Abdulmutallab đã bị cáo buộc âm mưu cho nổ máy bay, nhưng có nhiều nghi vấn hơn là giải đáp liên quan đến vụ việc. Một trong những câu hỏi là làm thế nào mà thanh niên Nigeria đó, dù có tên trên danh sách canh chừng khủng bố của Mỹ, lại nhận được chiếu khán nhập cảnh và lách qua được hàng rào an ninh?

Ngay sau vụ này, Tổng thống Barack Obama nói rằng hệ thống tình báo quả đã thất bại.

Ông nói: "Tóm lại đó là điều đáng tiếc."

Và còn có những câu hỏi đại để như là làm thế nào một thanh niên từ một gia đình khá giả, sống và học tập tại nước ngoài, lại trở nên cực đoan đến độ muốn trở thành một tay đánh bom tự sát.

Cuộc điều tra Abdulmutallab đã cho thấy anh ta đã sống từ năm 2005 tới năm 2009 tại Luân Đôn trong lúc theo học ngành kỹ sư tại đại học ở đây.

Ông Malcolm Grant, giám đốc trường Đại học Luân Đôn nói với thông tín viên của VOA rằng, trong thời gian theo học, Abdulmutallab không hề có dấu hiệu sẽ trở thành một phần tử cực đoan.

Ông Grant cho biết: "Theo như lời các vị thầy của anh ta kể lại, thì anh ta là một thanh niên trầm lặng, lễ phép, siêng năng, không hề có thái độ gì khác lạ, và chắc chắn không có hành vi, cử chỉ gì làm người ta lo lắng."

Thời kỳ Abdulmutallab làm chủ tịch hội sinh viên Hồi giáo trong trường cũng làm nhiều người thắc mắc. Anh ta đã tổ chức những cuộc thảo luận chỉ trích cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan. Ông Grant nói rằng điều này cũng không có gì là bất thường.

Ông nói: "Thật sự đó là một hoạt động khá bình thường. Tôi sẽ thất vọng nếu như các đoàn thể sinh viên của trường chúng tôi không tổ chức các cuộc hội thảo gây tranh cãi. Tôi muốn nói rằng là sinh viên thì người ta nên tổ chức và tham gia các cuộc hổi thảo như vậy."

Việc Abdulmutallab lui tới Trung Tâm Hồi giáo và Đền thờ Hồi giáo đông Luân Đôn càng làm phát sinh nhiều nghi vấn hơn. Ông Shaynul Khan Phó Giám đốc Đại học Luân Đôn nói rất có thể thanh niên Nigeria này đã đến cầu nguyện tại nơi này, nhưng ông bác bỏ ý tưởng cho rằng điều đó đóng vai trò hình thành những quan điểm cực đoan của anh ta.

Nói chuyện với VOA, ông Khan nói rằng những bè bạn mà Abdulmutallab gặp bên ngoài trường đại học hay là đền thờ Hồi giáo có thể là nguồn gốc tạo nên thái độ cực đoan của anh ta. Ông cho rằng có lẽ một người nào đó mà anh ta đã biết qua Internet.

Ông nói: "Một trong những nguy hại của Internet là bất cứ ai và tất cả mọi người đều có thể đưa những quan điểm của họ lên đó. Một trong những điều tôi luôn luôn muốn khuyến cáo mọi người là đừng dựa vào Internet như một chỗ để học hỏi. Tốt hơn nên dựa vào những cá nhân đã có tiếng tăm đứng đắn, có thể biểu dương cho thế giới Hồi giáo theo cách thức tốt nhất."

Abdulmutallab cũng đã đến Yemen với mục đích học tiếng Ả Rập và là nơi được coi là anh ta đã móc nối với các phần tử khủng bố có liên hệ với al-Qaida. Dường như khi nói chuyện với gia đình, anh ta đã làm cho người cha phải lo lắng và gấp rút tiếp xúc với Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Abuja, tỏ ý lo ngại rằng con trai ông có thể đã trở thành một phần tử cực đoan.

Những ý tưởng cấp tiến, cực đoan không phải là điều bất thường đối với người trẻ, nhưng hầu hết chỉ là ý tưởng chứ họ không tham gia một nhóm khủng bố nào. Đó là nhận định của nhà xã hội học Marat Shterin, một chuyên gia về tôn giáo và bạo động tại trường King’s College ở Luân Đôn.

Chuyên gia này nói: "Người ta thường nghĩ rằng họ gia nhập một đoàn thể để được cho thấy một đường hướng đích thực trong cuộc đời, chân lý về thế giới, và để đổi thay thế giới đó sao cho tốt đẹp hơn. Tôi có thể chấp nhận khái niệm rằng anh ta thật sự là một người theo đuổi lý tưởng. Không có gì sai khi trở nên một người cấp tiến. Vấn đề là khi sự cấp tiến đó trở thành cực đoan, nhất là cực đoan bạo động."

Mặc dù trọng điểm của hội nghị Luân Đôn là Yemen, nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng chủ nghĩa khủng bố có thể lan đến hoặc xuất phát từ bất kỳ nơi nào, cho dù đó là Châu Á, Trung Đông, Châu Phi, Châu Mỹ hoặc Châu Âu.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG