Đường dẫn truy cập

Hệ quả của Biến đổi khí hậu


<!-- IMAGE -->

Hội nghị Liên Hiệp Quốc về vấn đề biến đổi khí hậu sẽ được tổ chức tại Copenhagen trong tuần tới với mục đích thay thế nghị định thư Kyoto sắp hết hiệu lực. Trong thời gian dẫn tới hội nghị Copenhagen, ngày càng có nhiều nhà khoa học đồng thuận với nhau về sự kiện nhiệt độ trái đất đang tăng, và có thể đo lường được tác động của hiện tượng tăng nhiệt đối với sự sống trên địa cầu. Theo một ủy ban liên chính phủ năm 2007 về biến đổi khí hậu, thì trong 12 năm qua, có 11 năm khí hậu đã tăng lên mức cao kỷ lục, so với mọi năm khác trong lịch sử. Mặc dù còn nhiều bất đồng về tầm ảnh hưởng của các hoạt động của con người đối với hiện tượng tăng nhiệt địa cầu, hầu như không còn ai tranh cãi sự kiện này, và hầu hết mọi người đồng ý rằng hệ quả lâu dài của nó đang ngày một thêm u ám. Thông tín viên Michael Bowman tường trình từ Washington.

Những cơn hạn hán cháy da. Những đợt lụt lội dữ dội chưa từng thấy. Những trận bão có sức tàn phá khủng khiếp. Các sông băng ở Bắc và Nam Cực ngày càng thu hẹp. Đó là một số các hiện tượng mà theo các nhà khoa học, đang xảy ra ngày càng thường xuyên hơn, với cường độ mạnh hơn và với tốc độ được họ mô tả là “đáng sợ”.

Tại Kenya, tình trạng không có mưa đã tàn phá lĩnh vực chăn nuôi và trồng trọt.

Một nông dân cho biết: “Nạn hạn hán gắt đến mức không ai chịu đựng được. Không có lương thực, không có nước. Hầu như chúng tôi không có cả ngày mai.”

Tại những nơi khác, thì lại có quá nhiều nước. Các trận mưa lũ ở Brazil hồi cuối năm ngoái đã gây nhiều chết chóc và đẩy hàng ngàn người vào tình trạng vô gia cư.

Một nạn nhân trong trận lụt ở Brazil nói: “Cha mẹ tôi đã sống ở đây hơn 58 năm rồi, mà họ chưa bao giờ thấy mưa trút xuống như thế này.”

Ngay cả tại các khu vực từ lâu vẫn chịu đựng các điều kiện thời tiết khắc nghiệt như Philippines, sự thường xuyên và mức độ trầm trọng của các cơn bão táp có sức tàn phá lớn cũng tăng. Hồi đầu năm nay, một loạt các trận bão đã tàn phá phần lớn Bangladesh.

Một nạn nhân bão lụt ở Bangladesh than van: “Nếu các trận bão cứ ập vào như thế này, thì sẽ không còn ai có thể sinh sống trên vùng lãnh thổ này nữa. Chúng tôi là một dân tộc nghèo khó, và sau trận bão thứ 3 này, chúng tôi chẳng còn gì trong tay.”

Những tai họa thiên nhiên ấy có phải là những diễn biến ngẫu nhiên, hay là những chỉ dấu báo trước một tương lai đen tối cho loài người lẫn loài vật? Không ai có câu trả lời chắc chắn, nhưng dường như ai cũng đã nhận ra một số chỉ dấu rõ rệt.

Từ Alaska tới Thụy Sĩ cho đến Argentina, các băng hà đã có từ thời chưa có loài người, đang thu hẹp dần ở tốc độ ngày một nhanh. Ở cả hai cực của quả địa cầu, các tảng băng cũng đang tan dần với tốc độ mà các nhà khoa học cho là đáng sợ, vì nguy cơ tiềm tàng của nó đối với nhiều chủng loài.

Theo thời gian, mực nước biển cứ tăng cao, các vùng đất cứ thu hẹp dần. Theo ước lượng, dần dà con người sẽ phải vẽ lại đường ranh của các lãnh thổ trên khắp địa cầu, trong khi một số đảo quốc hoặc các vùng đất thấp sẽ hoàn toàn bị tràn ngập dưới mực nước.

Cuộc tranh luận vẫn đang tiếp tục về liệu có nên quy toàn bộ trách nhiệm về hiện tượng biến đổi khí hậu cho các hoạt động của con người hay không, tuy đa số các nhà khoa học đều tin rằng khí thải carbon xuất phát từ các loại nhiên liệu hóa thạch là yếu tố đóng góp chủ yếu đưa đến biến đổi khí hậu.

Bất kể những nguyên nhân đưa đến hiện tượng này là gì, các chuyên gia đều khẳng định rằng chúng ta sẽ phải trả một cái giá rất đắt cho sự kiện nhiệt độ địa cầu tăng, đặc biệt tại các nước nghèo nhất, dễ bị tác động nhất.

Kinh tế gia trưởng của Ngân Hàng Thế Giới Justin Lin nói: “Theo ước lượng của chúng tôi, từ 75 đến 80% mức thiệt hại được dự phóng sẽ do các nước đang phát triển hứng chịu. Đối với các nước đang phát triển, biến đổi khí hậu là một vấn đề không thể nào được làm ngơ.”

Trong nhiều năm qua, công chúng khắp thế giới đã được nghe những lời khuyến cáo ngày càng thường xuyên và cấp bách hơn từ cộng đồng khoa học về vấn đề biến đổi khí hậu, thỉnh thoảng những lời cảnh giác này lại được nêu bật với những bằng chứng cho thấy hiện tượng trái đất nóng dần là có thực, kèm theo một số thí dụ về những hệ quả bi thảm mà hiện tượng này có thể mang lại.

Tuy nhiên những lời khuyến cáo của các nhà khoa học, và những sự kiện xảy ra mới đây vẫn chưa đủ sức thuyết phục để thế giới phát động một nỗ lực phối hợp, toàn cầu hầu có thể đương đầu với biến đổi khí hậu, như theo nhận định của cựu Phó Tổng thống Hoa Kỳ Al Gore, người đã được trao Giải Nobel Hòa Bình về những cố gắng của ông trong việc nâng cao nhận thức về hiện tượng tăng nhiệt địa cầu.

Cựu Phó Tổng Thống Al Gore phát biểu: “Mọi sự tùy thuộc vào liệu chúng ta có lắng nghe những khuyến cáo của các nhà khoa học hay không, chúng ta sẽ phản ứng như thế nào trước những lời khuyến cáo đó, và sẽ đề ra những bước hành động nào để chận bớt thiệt hại. Chúng ta đã có tất cả những gì cần có để hành động, trừ có lẽ một điều duy nhất, là ý chí chính trị.”

Thưa quý vị, cái ý chí chính trị ấy chắc chắn sẽ được thử lửa tại hội nghị về biến đổi khí hậu ở Copenhagen. Tại đây cũng như tại các buổi họp để chuẩn bị cho hội nghị Copenhagen, chắc chắn sẽ có nhiều cuộc tranh luận về liệu những nước nào phải gánh phần lớn trách nhiệm và chi ra nhiều nhất vào các nỗ lực bảo vệ quả địa cầu.

Trung Quốc đã đề nghị sẽ cắt giảm cường độ carbon, thay vì cắt giảm lượng thán khí carbon. Chúng tôi đã yêu cầu một chuyên gia về năng lượng tái tạo thuộc Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ, ông Tiến Nguyễn, giải thích rõ hơn về đề nghị của Trung Quốc.

Tiến Nguyễn: “Carbon intensity có nghĩa là số lượng thán khí - CO2 sẽ thải ra ngoài môi trường để mà sản xuất từng đó thứ. Giả sử như thế này nhé, nước Trung Hoa họ sản xuất 1 triệu cái xe hơi, cả nước chỉ sản xuất có từng đó, không sản xuất gì khác cho nó dễ tính; khi sản xuất xe hơi thì họ phải dùng thép có phải không ạ, rồi phải dùng cao su để làm bánh xe... Những nhà máy thép, những nhà máy làm các chất hóa học để làm ra cao su thì phải dùng năng lượng, mà nếu những năng lượng đó là từ than mà ra, chẳng hạn như điện, rồi là khí đá, toàn là những thứ năng lượng hóa thạch, thì khi sản xuất ra một triệu chiếc xe một năm thì giả sử họ tung ra khoảng 1000 tấn carbon một năm.

Nếu mà bây giờ thay vì dùng những loại năng lượng hóa thạch mà họ dùng thêm những cái năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng địa nhiệt này nọ vào, thì số carbon thải ra sẽ ít hơn. Họ vẫn có thể sản xuất như xưa, nhưng mà thay vì tung ra 1000 tấn thán khí thì họ chỉ tung ra 800 tấn thán khí một năm. Nhưng mà nếu mà vì kinh tế họ phát triển, mấy năm sau họ sản xuất 2 triệu chiếc xe một năm, thì tuy rằng một triệu chiếc xe hơi chỉ có 800 tấn, nhưng mà họ sản xuất gấp đôi thì nó tăng gấp đôi, thành ra 800 tấn nhân đôi có phải là 1,600 tấn không? Tức là thực sự mà nói thì cái số carbon thải ra ít đi, tức là 800 so với 1000. Cái đó là intensity, rõ ràng intensity nó có giảm đi, nhưng mà nói về tổng số carbon thải ra, khi mà họ sản xuất nhiều xe hơi hơn thì nó sẽ nhiều hơn ngày xưa.

Bởi vậy giảm cái intensity dễ hơn là giảm tổng số carbon ra. Cho nên cái nước nào mà hứa giảm tổng số carbon ra thì cái đó mới là điều khó, tuy rằng hứa giảm intensity cũng là một cái khó rồi, vì mình phải dùng nhiều năng lượng tái tạo hơn năng lượng hóa thạch.”

Tuy nhiên, tin cho biết là cả Tổng thống Hoa Kỳ lẫn Chủ tịch nước Trung Quốc đều đến dự hội nghị Copenhagen với những đề nghị cụ thể để giảm khí thải carbon cho phép chúng ta hy vọng rằng hội nghị có tầm quan trọng quyết định đến tương lai quả địa cầu - môi trường sống của chúng ta, có triển vọng đạt được kết quả.

(Ngày phát thanh: 3/12/2009)

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG