Một số những tỷ phú giàu nhất nước Mỹ đang dùng tài sản của họ để phục vụ cho công ích. Doanh nhân kiêm nhà đầu tư lừng danh Warren Buffett, sáng lập viên công ty điện toán Microsoft, ông Bill Gates, nhà tài chính George Soros là vài nhân vật trong số những tỷ phú đã đem phần lớn gia sản của họ để dóng góp giúp cải thiện xã hội. Trong cuốn tiểu thuyết đầu tay, một người tranh đấu cho quyền của giới tiêu thụ, ông Ralph Nader, đưa ra những ý tưởng về những điều mà các nhà tỷ phú có thể làm hơn nữa để phục vụ xã hội. Mời quý vị nghe thông tín viên Faiza Elmasry giới thiệu cuốn sách tựa đề "Only the Super Rich Can Save Us" (Chỉ có những Người Giàu Vượt Bực mới có thể Cứu Chúng Ta).
Cuốn tiểu thuyết mở đầu vào năm 2006, không lâu sau trận bão Katrina đã tàn phá vùng vịnh Mexico ở phía nam Hoa Kỳ, một trận động đất lớn đã giết hàng chục ngàn người tại Pakistan, và dịch bệnh cúm gà đã bắt đầu lây lan. Nhà tỷ phú Warren Buffett tổ chức một buổi họp tại Hawaii, mời 16 nhà tỷ phú quen biết khác đến dự.
Ông Nader cho biết: "Tôi biến 17 thức giả đứng tuổi, giàu vượt bực này thành các nhân vật trong chuyện hư cấu của tôi. Tôi đã biết khá nhiều trong số những người này từ nhiều năm nay, vì thế tôi thêm thắt vào những gì mà họ đã làm trong đời thực để nâng công lao của họ lên một tầm cỡ cao hơn rất nhiều."
Tác giả để cho nhà tỷ phú Warren Buffett bắt đầu cuộc họp bằng cách nêu rõ những vần đề cấp thiết nhất của thời đại chúng ta: "Các bạn thân mến, điều đem chúng ta lại với nhau ngày hôm nay là điềm báo trước việc khép lại một chu kỳ thảm họa chung. Thế giới trong tình trạng thật tệ hại. Tình trạng này đang vượt ra khỏi tầm kiểm soát của chúng ta. Những con người trong thế giới đó đã để cho lòng tham lam, quyền lực, ngu tối, tiền bạc, khoa học, công nghệ và tôn giáo hạ giảm thực tế, khước từ tiềm năng. Với quá trình và nền tảng tư bản, chúng ta không dễ để cho những tay tài phiệt chỉ huy kinh tế khuynh đảo để phục vụ cho lợi riêng của họ. Chúng ta biết rõ tài sản được tích lũy ra sao, tính chất các tài sản được xác định, tập trung và xếp loại như thế nào. Tại sao 450 người trong chúng ta có tài sản tương đương với tài sản của 3 tỉ người nghèo nhất thế giới."
Câu chuyện giả tưởng của ông Nader diễn tiến với một nhóm các tay chỉ huy trong ngành truyền thông, những người giàu nứt đố đổ vách ở thị trường chứng khoán Wall Street, các tổng giám đốc những công ty Internet và giới lãnh đạo các đại công ty đưa ra một sách lược để tạo một thế giới tốt đẹp, cải thiện đời sống cho những ai phải sống trong cảnh nghèo đói, tối tăm, dốt nát. Họ đã tóm tắt kế hoạch hành động của họ trong điều mà tác giả Ralph Nader gọi là 10 cột trụ của sách lược định hướng lại.
Ông Nader nói tiếp: "Cột trụ đầu tiên, giai đoạn cải thiện thứ nhất, đối phó với nạn bất bình đẳng về kinh tế. Đó là chăm sóc y tế, năng lượng tái tạo, có đủ thức ăn, và đủ nhà ở. Cột trụ thứ nhì để tái định hướng là lấy lại quyền kiểm soát quốc hội từ tay các quyền lợi thương mại và những tay vận động hành lang của các đại công ty, những thành phần này lúc nào cũng xúm đông xúm đỏ quanh Thượng và Hạ viện. Thứ ba là phải cải thiện bầu cử, phải có một nền chính trị sạch sẽ hơn và nhiều ứng cử viên ra tranh cử hơn để cử tri có nhiều lựa chọn hơn. Thứ tư là làm bất cứ chuyện gì cũng phải nhớ là cần phải gìn giữ, bảo vệ cho hậu thế, cho con cháu của chúng ta."
Những mục tiêu khác gồm kiến tạo lại truyền thông để sao cho có nhiều người hơn nữa được góp tiếng, và để mắt vào tất cả mọi ngành công nghiệp của quốc gia để họ có thể thiết lập những lề lối kinh doanh có đạo đức hơn. Tác giả Nader còn để cho những nhân vật tỷ phú của ông thành lập một đảng chính trị nhỏ và mới nữa.
Ông Nader nói: "Những đảng nhỏ thường là những đảng giữ vai trò tiên phong trong nhiều lãnh vực. Đây là những đảng đưa ra những cải tổ, và mặc dù thường thì họ chẳng đoạt thắng lợi trong một cuộc bầu cử nhưng họ có thể tạo áp lực, họ chú trọng tới những thay đổi xã hội, buộc những đảng lớn, trong nhiều trường hợp, phải chấp nhận thay đổi."
Tác giả Nader nói rằng ông chọn những người giàu vượt bực làm những nhân vật chính trong quyển tiểu thuyết của ông vì, cũng giống như trong đời sống thực tế, cải tổ xã hội cần đến tiền bạc.
Ông cho biết: "Quý vị không thể nào huy động được mọi người, cũng như các nhà tổ chức và các phương tiện truyền thông và những chuyện phải chi trả khác, không thể nào làm được mà không có nhiều tiền trong tay."
Theo tác giả, có hằng trăm những cá nhân giàu có trên khắp thế giới sẵn lòng dùng tiền bạc của họ để giúp đưa đến những thay đổi. Họ chỉ cần tạo hứng khởi và được hướng dẫn.
Ông nói: "Có một số những người giàu vượt bực trên khắp thế giới rất có lòng, như ở Châu Âu, Châu Á, Nam Mỹ, Châu Phi, nhưng thường thì họ không biết làm sao để giúp cải tạo xã hội, ngoài chuyện là đem tiền đi cho các cơ sở từ thiện. Điều đó cũng tốt, nhưng theo như sách lược được vẽ ra trong cuốn sách của ông Nader, thì tiền do các nhà tỷ phú khôn ngoan và có lòng được dùng vào việc tạo công bằng xã hội, để chuyển quyền lực sang chỗ tốt đẹp hơn, để đa số có được thêm quyền bính hơn là bây giờ. Từ thiện là điều cần thiết, nhưng chính công bằng xã hội mới ngăn chặn được tình trạng đói nghèo . Trong lúc từ thiện chỉ giúp người đói bữa ăn cho qua ngày thì chúng ta cần phải chú ý đến chuyện làm sao để cho tình trạng thiếu đói không xảy ra ở bất cứ đâu trên thế giới."
Tác giả Nader nói rằng cuốn "Chỉ có những Người Giàu Vượt Bực mới có thể Cứu Chúng Ta” đưa ra một lộ trình để tiến tới một thế giới công bằng, tốt đẹp, và ông hy vọng cuốn sách của ông sẽ làm phát sinh một cuộc tranh luận toàn quốc để làm sao thay đổi, cải thiện xã hội.
Tiểu thuyết mới đề ra phương cách để các tỷ phú cứu rỗi nhân loại

<!-- IMAGE -->
Đọc nhiều nhất
1