Thông tín viên VOA Kurt Achin ghi nhận các diễn biến quan trọng tại Bắc Triều Tiên trong năm vừa qua.
Năm 2009 bắt đầu bằng một câu hỏi lớn: tình hình sức khỏe của lãnh tụ Kim Jong Il thực sự ra sao?
Ông Kim vắng mặt trong một số dịp quan trọng, kể cả dịp phóng thử loại rocket tầm xa mà cả thế giới lấy làm bực bội.
Vài ngày sau khi có vụ phóng rocket này, ông Kim xuất hiện tại một phiên họp Quốc hội, trông có vẻ ốm yếu hơn. Đa số các chuyên gia tin ông ta đã bị tai biến mạch máu não.
Yang Moo-Jin, chuyên gia tại viện Nghiên cứu Bắc Triều Tiên tại trường đại học Seoul nói: “Bộ máy tuyên truyền của Bắc Triều Tiên giải thích với nhân dân ông Kim trông như vậy không phải vì sức khỏe yếu kém, mà vì phải làm việc ngày đêm cho nhân dân, phải đi tham quan hết nơi này đến nơi khác, đại loại là như vậy”.
Bắc Triều Tiên tiếp tục biện minh cho chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tiến hành một vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ nhì. Theo giáo sư Koh Yu-Hwan của trường đại học Donguk ở Nam Triều Tiên, cuộc thử nghiệm này nhằm gây sức ép để Hoa Kỳ hoặc là đàm phán trực tiếp với Bình Nhưỡng, hoặc là sẽ thấy Bắc Triều Tiên phổ biến vũ khí hạt nhân.
Vài tháng sau đó, cựu Tổng thống Nam Triều Tiên Kim Dae-jung từ trần, tạo cơ hội để hai miền Nam Bắc xích lại gần nhau. Miền Bắc gửi sứ giả đến phúng điếu và tiếp xúc với Tổng thống Lee Myung-bak, người đã bị báo chí nhà nước Bắc Triều Tiên gọi là “kẻ phản bội” vì đã đưa ra những chính sách cứng rắn đối với miền Bắc.
Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, phu quân của Ngoại trưởng Hillary Clinton, đến Bình Nhưỡng tháng 8 để tiếp quản hai nhà báo Mỹ bị bắt. Chuyên gia Yang Moo-Jin nhận định: “Dù mục đích của chuyến đi chủ yếu có liên quan đến hai nhà báo nữ, nhưng nói cho rộng ra, chuyến đi đó có lợi cho cả hai nước. Nó có thể được xem là dấu mốc giúp mang lại chuyện đàm phán song phương giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên”.
Tổng thống Obama đến Nam Triều Tiên tháng 11, tại đây ông nhắc nhở Bắc Triều Tiên con đường đối thoại vẫn còn mở.
Vài tuần lễ sau đó, một sứ giả của Hoa Kỳ đến Bình Nhưỡng, sau đó cho biết Bình Nhưỡng muốn quay lại bàn đàm phán 6 bên. Giáo sư Koh Yu-Hwan nhận định: “Tôi cho rằng Bắc Triều Tiên đang ở vào thời điểm hoặc là tham gia với cộng đồng quốc tế, bước vào nền kinh tế toàn cầu một cách an toàn; hoặc là sẽ sụp đổ vì cuộc khủng hoảng kinh tế của họ ngày càng lan rộng”.
Các giới chức trong chính phủ Nam Triều Tiên nói rằng năm 2010 có thể mở ra với một viễn ảnh lạc quan là cuộc đàm phán 6 bên có thể mở lại vào tháng Giêng.
<!-- IMAGE -->
Đọc nhiều nhất
1