Đường dẫn truy cập

Viết


Viết
Viết

<!-- IMAGE -->

Nếu như trong một bài viết gần đây có tựa đề là ‘Đọc’ mà tôi đã dịch ra từ tiếng Anh là ‘To Read’, thì trong bài này với tựa đề là ‘Viết’ thì phải được dịch ra là ‘To Write’.

Nhưng nó thật không phải thế. Tôi muốn tựa đề của bài lần này phải là ‘On Writing’. Nhưng rất tiếc tôi lại không thể dịch nó ra tiếng Việt cho khác hơn. Thôi thì đành phải chịu vậy.

Tôi muốn dùng tựa đề ‘In Writing’ là vì tôi vừa đọc xong quyển sách của nhà văn kinh dị lừng danh thế giới, Stephen King, cũng có cùng tên: On Writing. Đây là một quyển sách mà chính ông cho là nửa tự thuật (semi autobiographical) và nửa hướng dẫn cho những ai đang tập viết.

Như tôi chẳng hạn!

Và quả thật quyển sách này chứa đựng không biết bao nhiêu là kinh nghiệm, kỹ thuật viết lách mà tôi ít khi nghĩ tới. Mãi cho đến khi đọc xong những lời phân tích chi tiết, những kinh nghiệm xương máu của chính nhà văn Stephen King thì tôi mới biết được tại sao có những quyển sách luôn được bán chạy (như của nhà văn Dan Brown hoặc John Grisham) và tại sao có những người luôn muốn làm nhà văn nhưng lại không có nhiều độc giả.

Điều đầu tiên ông cho là cần thiết để thành công trong công việc viết lách là chúng ta cần phải có sự kiên trì cũng như kiên tâm trong công việc. Nếu như bạn muốn làm nhà văn thì mỗi ngày bạn phải ngồi xuống bàn viết và… tập viết. Ngay cả khi bạn không muốn viết. Hoặc không biết phải viết về vấn đề gì vì chưa tìm ra được ‘hứng’.

Bất kể. Bạn cần phải ngồi xuống và bắt đầu viết. Có thể ý tưởng sẽ đến với bạn rất chậm lúc ban đầu, bạn sẽ cảm thấy uể oải không muốn viết. Nhưng sau một lúc bạn sẽ cảm thấy khác. Như một chiếc xe, đôi lúc bạn cần rồ ga khá lâu xe mới có thể chạy bon bon trên đường phố.

Đối với ông làm nhà văn khác hoàn toàn với cách làm việc của một người nhạc sĩ. Những giai điệu, bài hát hay thường có thể hoàn chỉnh chỉ trong đôi ba phút. Khi người nhạc sĩ bỗng nhiên nổi hứng. Hoặc đang chìm đắm trong cơn say.

Nhưng ngược lại đối với một nhà văn sự cần cù siêng năng viết lách sẽ giúp rất nhiều trong việc trau dồi khả năng sáng tạo.

Điều thứ hai ông cho là cần thiết là đối với những ai muốn nổi tiếng nhờ vào tài viết lách của mình thì cần phải nhận thức được rằng đầu tiên họ phải viết về một vấn đề mà chính họ thật sự cảm thấy thích thú. Vì nếu như chính mình không thể tự làm cho mình cảm thấy thích thú thì không tài nào mình có thể chinh phục được người khác. Nếu đã biết là mình chỉ thích viết về thiên nhiên thì đừng cố gắng trở thành một nhà văn luôn nói về con người. Và một khi đã thích viết về con người, về xã hội thì đừng bày đặt tập viết tiểu thuyết…ma như ông.

Mỗi người mỗi sở trường. Nhưng điều thứ ba cũng là điều quan trọng nhất đối với tất cả những ai đang tập viết là có những kỹ năng mà ai cũng cần phải ghi nhớ.

Đó là tránh dài dòng, văn tự dùng những từ, chữ hoa mỹ, văn vẻ để chứng tỏ mình là người thấy sâu, hiểu rộng, biết được văn chương là gì. Ông nhấn mạnh nếu như lúc bạn đọc lại và cảm thấy câu này hơi thừa thải, không có chữ kia thì mọi người vẫn có thể hiểu rõ câu chuyện đang được diễn ra như thế nào thì bạn ngay lập tức nên bấm ‘delete’ và cho nó vào sọt rác.

Ông bảo viết đơn giản, ngắn gọn ai cũng sẽ hiểu. Còn nếu như để câu văn quá bóng bẩy, trau chuốt thì vô hình trung bạn đã loại ra một số đông bạn đọc không hiểu bạn đang muốn nói gì!

Cũng may là văn của tôi thường được cho là đơn giản, dễ đọc. Nhưng đấy không phải là nhờ tôi học được vài ngón nghề của Stephen King. Mà đơn giản chỉ vì vốn liếng tiếng Việt của tôi chỉ có từng đó!

XS
SM
MD
LG