Đường dẫn truy cập

Hội thảo biến đổi khí hậu tác động lên sông Mêkong


Hội thảo biến đổi khí hậu tác động lên sông Mêkong
Hội thảo biến đổi khí hậu tác động lên sông Mêkong
<!-- IMAGE -->

Trong hai ngày 10 và 11 tháng 12 vừa qua, trường đại học Cần Thơ đã hợp tác với Cơ quan Khảo sát Ðịa chất Hoa Kỳ USGS tổ chức hội thảo tại thành phố Cần Thơ về đề tài “Nhận thức tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng ở lưu vực sông Cửu Long và Mississippi: Chương trình dự báo Mekong”. Cuộc hội thảo này nhằm mục đích rút kinh nghiệm của Hoa Kỳ trong việc giảm thiểu những tác hại của biến đổi khí hậu tại khu vực sông Mississippi để áp dụng cho vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hà Vũ đã trao đổi với Tiến sĩ Dương Văn Ni, giám đốc Trung tâm Sinh thái Hòa An, trường đại học Cần Thơ, người đã tham dự cuộc hội thảo này, mời quý vị theo dõi.

VOA: Thưa Tiến sĩ đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Mississippi có những điểm khác biệt và tương đồng như thế nào?

Tiến sĩ Dương Văn Ni:
Đồng bằng sông Mississippi và đồng bằng sông Cửu Long có nhiều điểm giống nhau. Giống nhau về đất đai, giống nhau về địa hình, đặc biệt là giống nhau về cách phát triển. Trong nhiều thập niên qua, đồng bằng sông Mississippi cũng chịu nhiều áp lực do những hoạt động phát triển trên thượng nguồn như các đập thủy điện, những hồ chứa, những đê ven sông, đê bao chống lũ lụt...Những thay đổi đó làm cho dòng chảy của dòng sông bị thay đổi, cụ thể nhất làm cho sự phân bố lượng phù sa trong dòng sông thay đổi rất đáng kể. Điều này làm cho diện mạo đồng bằng sông Mississippi thay đổi và đã được các nhà khoa học Hoa Kỳ nhận biết rất rõ sau khi hai cơn cuồng phong Katrina và Rita đổ bộ vào đồng bằng sông Mississippi trong thời gian qua. Các nhà khoa học đã ngồi duyệt xét lại và thấy rằng có nhiều cái vài chục năm trước mình nghĩ là tốt nhưng bây giờ lại chưa phù hợp lắm. Do đó họ có những chỉnh sửa rất quan trọng. Hiểu được vấn đề đó của đồng bằng sông Mississippi và so sánh với đồng bằng sông Cửu Long, chúng tôi thấy có rất nhiều điểm tương đồng. Ví dụ đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam nằm cuối nguồn một con sông dài nhất là sông Cửu Long. Trên dòng sông cũng có nhiều quốc gia đang đẩy mạnh thủy điện, khai thác rừng cho đất nông nghiệp… Tất cả những điều đó làm thay đổi chế độ dòng chảy của đồng bằng sông Cửu Long rất lớn. Cộng với việc tại đồng bằng sông Cửu Long của phía Việt Nam, trong nhiều thập niên qua do áp lực lương thực, dân số tăng cao, Việt Nam cũng có nhiều công trình như đê bao chống lũ, kênh thoát lũ ra biển…Tất cả những cái này cũng làm thay đổi dòng chảy sông Mêkong cũng như dòng chảy tại đồng bằng sông Cửu Long.

VOA: Thưa Tiến sĩ những thay đổi do con người gây nên như vậy mang đến những hậu quả như thế nào?

Tiến sĩ Dương Văn Ni: Hiện nay nó đang tạo ra những hệ lụy là làm cho nước sinh hoạt của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam có lúc nhiều quá, có lúc ít quá. Thứ hai là chất lượng nước trong mùa khô cũng thay đổi. Cụ thể là trong năm 2008, nước biển xâm nhập vào sâu trong đất liền hơn 60 kilômét. Nước biển xâm nhập một phần do tác động của nước biển dâng nhưng phần khác do lượng nước bị giữ lại trong dòng sông không đủ để đẩy nước mặn ra khỏi đồng bằng. Ðó là một nguyên nhân đáng kể để chúng ta xem xét. Thứ hai nữa là sự xói mòn của bờ biển vùng đồng bằng sông Cửu Long rất trầm trọng. Một trong những lý do đó là có nhiều kinh đào dẫn nước ra biển. Những kênh đào này tạo thành những khe hở để nước biển len vào đồng bằng. Những điều này và những bài học ở đồng bằng sông Mississippi giúp cho những người tham dự sau 2 ngày hội thảo 10 và 11 tháng 12 ở Cần Thơ nhận diện được những điều đang phát triển ở đồng bằng này để có cách ứng xử cho đúng chừng mực.

VOA: Thưa Tiến sĩ, phía Cơ quan Khảo sát Ðịa chất Mỹ có đưa ra những khuyến nghị gì không?

Tiến sĩ Dương Văn Ni: Thực ra trong hội thảo đó chủ đề là chúng tôi muốn chia sẻ thông tin của những người làm công tác nghiên cứu ở phía Mỹ và những người làm công tác nghiên cứu ở khu vực sông Mêkong chứ không phải chỉ có ở Việt Nam. Trong hội thảo đó, chúng tôi có đại biểu từ Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Kampuchia và các tỉnh của đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Các đại biểu đến đây thứ nhất là nhằm chia sẻ hiểu biết lẫn nhau. Thứ hai nữa là nhắm tới khả năng hợp tác để chia sẻ thông tin trong cả lưu vực sông Mêkong. Đối với sông Mississippi, dòng sông chảy qua 9, 10 tiểu bang của Mỹ, còn ở sông Mêkong thì dòng sông chảy qua 6 nước. Do có sự khác biệt về ngôn ngữ, luật lệ, thói quen nên cần phải bắt đầu bằng chuyện hiểu nhau trước đã rồi từ đó sẽ xây dựng ít nhất một khung hợp tác giữa các nước trong lưu vực để chia sẻ thông tin.

VOA: Thưa Tiến sĩ sông Mêkong chảy qua nhiếu quốc gia có nhiều khác biệt như Tiến sĩ vừa nêu thì sự chia sẻ thông tin có gặp khó khăn gì không?

Tiến sĩ Dương Văn Ni: Thực ra cái khó của việc chia sẻ thông tin ngay trong nội bộ một quốc gia cũng đã xuất hiện rồi. Chuyện chia sẻ thông tin trong các cơ quan của một quốc gia đôi khi cũng là một thách thức lớn. Vấn đề nằm ở chỗ là mục đích chia sẻ thông tin là cái gì. Nếu mục đích đó nhằm thỏa mãn ích lợi của các phía thì vấn đề không khó. Cái khó là làm sao chọn những thông tin giúp cho mọi người đều hưởng lợi thì sự đồng thuận dễ hơn. Do đó trước mắt chúng tôi dự định xây dựng dự báo những chuyện đơn giản thôi như dự báo về mực nước, lũ lụt, thay đổi chất lượng nước, lượng phù sa trên toàn bộ lưu vực sông Mêkong. Những loại dự báo như vậy quốc gia nào cũng cần cả, không phải chỉ có người dân Việt Nam cần mà người dân Trung Quốc, Thái Lan không cần. Quan trọng là mọi quốc gia đều có lợi. Tôi kỳ vọng chuyện hợp tác đó có thể làm được trên cơ sở từ năm 2002 chúng tôi đã thành lập mạng lưới các viện, trường trong lưu vực sông Mêkong. Cho đến nay mạng lưới này đã lên đến 18 viện, trường.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG