Đường dẫn truy cập

Cải cách Hệ thống Chăm sóc Y tế Mỹ - Giai đoạn quyết định (Phần 2)


Cải cách Hệ thống Chăm sóc Y tế Mỹ - Giai đoạn quyết định (Phần 2)
Cải cách Hệ thống Chăm sóc Y tế Mỹ - Giai đoạn quyết định (Phần 2)

<!-- IMAGE -->

Thưa quý vị, Ủy ban Tài chính Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua một dự luật cải cách y tế, và qua động thái này, đã gạt sang bên chướng ngại chủ yếu cản trở các nỗ lực của Tổng thống Obama trong mục tiêu của ông nhằm cải cách hệ thống chăm sóc sức khỏe tại Hoa Kỳ. Ông Obama hy vọng hệ thống y tế được cải cách sẽ giúp hàng chục triệu người Mỹ hiện không có bảo hiểm y tế. Trong bài thứ nhì của loạt bài phân tích cuộc tranh luận xoay quanh các nỗ lực cải cách hệ thống chăm sóc sức khỏe của Hoa Kỳ, Hoài Hương cập nhật các chi tiết xoay quanh cuộc tranh luận về đề tài này, dựa trên tường trình của các thông tín viên Cindy Saine và Jim Malone.

Sau nhiều tháng tranh luận về kế hoạch cải cách hệ thống chăm sóc y tế Mỹ, Ủy ban Tài chính Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua dự luật cải cách hệ thống y tế với 14 phiếu thuận và 9 phiếu chống. Tất cả 13 thành viên Đảng Dân Chủ trong ủy ban biểu quyết ủng hộ dự luật cải cách do Tổng Thống Obama đề xướng.

Lên tiếng tại Vườn Hồng của Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Obama nói dự luật mới được sự ủng hộ của lưỡng đảng, mặc dù chỉ có Thượng nghị sĩ Olympia Snowe, là nghị sĩ Đảng Cộng Hòa duy nhất, biểu quyết thuận.

Ông Obama nói: "Sau khi cân nhắc hàng chục điểm tu chính, Ủy ban Tài chính Thượng viện đã tổng hợp ý kiến của cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa, nhờ đó ủy ban được sự hậu thuẫn của các thành viên của cả hai đảng. Tôi xin đặc biệt cảm tạ nghị sĩ Olympia Snowe về sự quả quyết của bà trong việc đeo đuổi mục tiêu và sự can đảm chính trị mà bà đã chứng tỏ trong suốt tiến trình vừa rồi.

Thượng nghị sĩ Snowe giải thích lý do bà rời bỏ hàng ngũ để về phe với Đảng Dân Chủ trong cuộc biểu quyết:

"Đây có phải là một dự luật đáp ứng hoàn toàn nguyện vọng của tôi hay không? Xin trả lời là không. Dự luật này có phải là dự luật lý tưởng không? Không. Nhưng khi lịch sử kêu gọi, chúng ta phải lên tiếng hồi đáp. Tôi tin rằng không làm gì cả trong lúc này sẽ đưa đến những hệ quả nghiêm trọng, và đó chính là yếu tố hối thúc Quốc hội phải nắm lấy cơ hội để chứng tỏ khả năng có thể giải quyết những vấn đề hệ trọng trong thời đại chúng ta.

<!-- IMAGE -->

Dự luật được thông qua được gọi là dự luật Baucus, theo tên của Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Max Baucus. Thượng nghị sĩ Snowe cảnh giác rằng lá phiếu của bà ủng hộ dự luật ấy không có nghĩa bà sẽ tự động ủng hộ dự luật chung kết của Thượng viện sau các cuộc tranh luận tại diễn đàn này.

Tổng thống Obama thừa nhận đây là một thành công nhất thời, và cuộc vận động của ông nhằm cải cách toàn diện hệ thống chăm sóc sức khỏe Mỹ, vẫn tiếp tục được đẩy mạnh.

Ông nói: "Hơn lúc nào hết, chúng ta đang tiến đến gần hơn đến mục tiêu là thông qua đạo luật cải cách hệ thống y tế, nhưng chúng ta chưa đạt tới mục tiêu đã đề ra. Bây giờ không phải là lúc nên tự mãn, không phải lúc nên chúc mừng nhau, mà là lúc để làm việc cật lực hơn nữa để thực hiện cho được mục tiêu."

Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Max Baucus cũng ra sức vận động để dự luật được thông qua. Ông nói rằng dự luật này có nhiều điểm tương nhượng, đủ để có thể chiếm được 60 phiếu cần thiết để được phê chuẩn tại phiên họp khoáng đại Thượng viện.

Ông nói: "Đây là lúc chúng ta nên hoàn tất công tác trước mắt. Chúng ta hãy chấp thuận kế hoạch cải cách cân bằng và hợp lý này để cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe của chúng ta. Phải cải cách để kiểm soát y phí và bảo phí, đồng thời tạo điều kiện để mọi công dân Mỹ được hưởng các dịch vụ chăm sóc y tế."

Về phía Đảng Cộng hòa, Thượng nghị sĩ Chuck Grassley không đồng ý với Chủ tịch Ủy ban Tài chính Baucus. Ông nói Đảng Cộng hòa cũng muốn cải cách hệ thống y tế, tuy nhiên, kế hoạch này quá tốn kém và không tôn trọng đời tư của các công dân Mỹ.

Ông cho biết: "Dần dà mọi người sẽ thấy rõ là dự luật này tiến dần đến chỗ chính quyền ngày càng kiểm soát chặt chẽ hơn lĩnh vực chăm sóc y tế."

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Snowe, đại diện cho bang Maine, ủng hộ dự luật cải cách là một trường hợp ngoại lệ. Tất cả các nhân vật Cộng hòa trong Ủy ban Tài chính đều giữ lập trường mạnh mẽ chống đối dự luật cải cách y tế. Thượng nghị sĩ John Cornyn, đại diện bang Texas, phản ứng trước lập luận cho rằng dự luật mới được thông qua được sự tán thành của lưỡng đảng.

Ông Cornyn cho biết: "Thay vì tìm sự đồng thuận của các bên, phe cải cách đã có thái độ bất chấp. Thật là đáng tiếc vì làm như thế sẽ phương hại đến các dịch vụ chăm sóc y tế mà nhiều người đang được hưởng, và làm cho tình thế càng thêm xấu đi, chứ không tốt hơn."

Dự luật Baucus đòi hỏi hầu hết người Mỹ phải mua bảo hiểm y tế, nếu không sẽ chịu phạt. Mặt khác, dự luật này sẽ áp dụng các quy định gắt gao hơn đối với các công ty bảo hiểm sức khỏe, kể cả biện pháp cấm các công ty này không được từ chối cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho bất cứ thân chủ nào, vì bệnh trạng sẵn có.

Dự luật Baucus giờ đây sẽ được nhập chung với một dự luật đã được Ủy ban Y tế Thượng viện Hoa Kỳ thông qua, trước khi được mang ra tranh luận trước Thượng viện. Nếu được thông qua tại diễn đàn này, dự luật mới sẽ được đưa lên Hạ Viện, nơi mà Đảng Dân Chủ là thành phần chiếm đa số, nhiều người ủng hộ biện pháp hỗ trợ cho những người hiện không có bảo hiểm y tế, và muốn thiết lập một chương trình bảo hiểm y tế thay thế, cạnh tranh với các công ty bảo hiểm y tế tư nhân.

Các cuộc đôi co chính trị xoay quanh kế hoạch cải cách hệ thống chăm sóc sức khỏe tại Hoa Kỳ sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới đây.

Trong một bài diễn văn được coi là quan trọng nhất kể từ khi ông lên nhậm chức, đọc trước Lưỡng viện Quốc hội và được trình chiếu trên toàn quốc hồi tháng 9, Tổng thống Obama nói:

"Tôi biết rằng muốn đảm bảo an toàn chính trị thì điều nên làm là hãy cứ hoãn lại chương trình cải cách, thêm một năm nữa, một cuộc bầu cử nữa, hoặc thêm một nhiệm kỳ Tổng thống nữa. Thế nhưng đây là thời điểm phải hành động. Tôi không có mặt ở nơi này để trì hoãn những quyết định khó khăn. Chúng tôi có mặt ở đây để sợ hãi tương lai, mà đến đây để uốn nắn tương lai. Tôi tin rằng chúng ta có thể hành động, ngay cả trong những tình huống khó khăn."

Trong khi đó, giới chỉ trích trong đảng Cộng hòa mạnh mẽ chống đối kế hoạch của Tổng thống Obama.

Thủ lãnh phe Cộng hòa tại Hạ viện, Nghị sĩ John Boehner nhận định:

"Người Mỹ cảm thấy bực bội, phẫn nộ là đàng khác, và quan trọng hơn hết, họ cảm thấy hoảng sợ. Họ sợ đất nước của thế hệ con cháu họ không còn là đất nước nơi họ đã từng lớn lên nữa."

Nhà phân tích Norman Orstein nói cải cách hệ thống chăm sóc y tế là ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Obama về mặt đối nội, chỉ đứng sau ưu tiên phục hồi kinh tế. Ông cảnh giác về hệ quả đối với Đảng Dân chủ nếu Tổng thống Obama thất bại trong nỗ lực cải cách.

Ông nói: "Thất bại trong việc cải cách hệ thống y tế sẽ đánh đi một dấu hiệu cho thấy chính phủ đa số mà chúng ta đã bầu lên để hành động, đã không hành động. Và như thế các chính khách thuộc Đảng Dân chủ của ông Obama tại Quốc hội sẽ phải nhận lãnh hậu quả."

Phân tích gia Norman Orstein khuyến cáo nếu chính quyền Tổng thống Obama không thành công trong nỗ lực cải cách hệ thống chăm sóc sức khỏe Mỹ, thì các ứng cử viên Đảng Dân chủ sẽ thất bại trong các cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ.

(Ngày phát sóng: 15/10/2009)

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG