Liên Hiệp Quốc cho rằng sự không khoan dung, định kiến, phân biệt đối xử là những vi phạm nhân quyền lớn. Đánh dấu ngày Nhân quyền năm nay, Liên Hiệp Quốc kêu gọi các chính phủ và người dân trên thế giới tuân thủ các tiêu chuẩn và luật pháp quốc tế hiện có nhằm bảo vệ nhân quyền. Thông tín viên Lisa Schlein tường thuật cho VOA từ Geneva.
Bản thân Cao Ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Navi Pillay thừa nhận rằng đôi khi bà cảm thấy tội lỗi vì kỳ thị người khác: 'Tôi phải thú nhận điều đó, trong cuộc đời tôi, lúc tôi đã trưởng thành, những đứa con nhỏ của tôi đã chỉ ra rằng, mẹ là người phân biệt chủng tộc'.
Bà Pillay nói rằng lớn lên ở Nam Phi dưới thời phân chủng (apartheid), cung cách phân biệt đối xử khiến những người da đen và các nhóm thiểu số khác cho rằng người da trắng là những kẻ đàn áp: 'Bản thân tôi, kể cả khi còn bé và lúc thiếu thời, đã trải qua mặc cảm tự ti. Với màu da đen, ngừơi ta mang mặc cảm và nghĩ rằng mình không hay và không tự tin'.
Pillay là người gốc Tamil và lớn lên tại một khu vực nghèo khó ở Durban. Bà đã khắc phục được tình cảnh bị phân biệt chủng tộc thời apartheid để trở thành nữ thẩm phán không phải người da trắng đầu tiên tại Tòa Thượng Thẩm Nam Phi.
Nhưng bà nói rằng có hàng trăm triệu người trên khắp thế giới không thể vượt qua được tình cảnh bị phân biệt đối xử vẫn tiếp tục tước đoạt nhân quyền của họ.
Trong số các nạn nhân chính, Liên Hiệp Quốc cho rằng phụ nữ và các trẻ gái bị phân biệt đối xử với nhiều cấp độ trong tất cả mọi xã hội. Tổ chức này cho rằng người thiểu số vấp phải những đe dọa, phân biệt đối xử và kỳ thị chủng tộc nghiêm trọng. Những người bản địa thường bị đặt ra ngoài lề và bị tước đoạt các quyền cơ bản.
Bà Pillay nói rằng không một quốc gia nào hoàn toàn không có tình trạng vi phạm nhân quyền. Tuy nhiên, bà nói rằng phần lớn các quốc gia phát triển có các định chế dân chủ, và bởi thế họ giải quyết các vấn đề vi phạm nhân quyền hữu hiệu hơn các nước đang phát triển.
Bà nói bà đặc biệt quan ngại về việc đối xử với người nhập cư. Theo bà, cho dù đây là vấn đề toàn cầu, nó là vấn đề thường xảy ra tại các nước phát triển: 'Tôi quan ngại vì châu Âu chưa phê chuẩn Công ước bảo vệ người nhập cư và gia đình của họ. Chúng tôi đã ghi nhận các trường hợp hình sự hóa người nhập cư trái phép; việc lưu giữ người nhập cư và con cái họ trong một thời gian dài và hành động cưỡng bách trục xuất họ. Họ đối xử với các thuyền nhân và người vượt biên như thể rác thải độc hại'.
Bà Pillay nói không có sự phân biệt rõ ràng nào giữa người nhập cư là những người tị nạn cần quốc tế bảo vệ, và người nhập cư sang nước khác vì lý do kinh tế.
Theo bà, chính sách của các quốc gia dường như chỉ la để ngăn chặn người nhập cư. Bà cho rằng đây là điều thiển cận vì người nhập cư có các kỹ năng có thể đóng góp nhiều cho xã hội.