Đường dẫn truy cập

Ngân sách kích thích kinh tế cắt giảm, thất nghiệp sẽ tăng


Một phúc trình mới cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng trong thị trường nhân dụng toàn cầu sẽ tệ hại hơn nữa nếu các quốc gia ngưng các chương trình kích thích kinh tế quá sớm. Bản phúc trình về tình hình công ăn việc làm trên thế giới của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) có tên là World of Work cho hay trên 40 triệu người có thể sẽ bị thải việc trừ phi các chính phủ cho áp dụng các biện pháp tạo công ăn việc làm mới. Thông tín viên Lisa Schlein từ Geneve, nơi bản phúc trình được công bố, gửi về các chi tiết sau đây.

Về phương diện kinh tế thì mọi chuyện xem ra có vẻ lạc quan. Thế giới đang cho thấy những dấu hiệu đáng khích lệ về sự hồi phục, với tiên đoán của Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế là nền kinh tế thế giới sẽ tăng hơn 3% trong năm 2010.

Nhưng còn về thị trường nhân dụng thì cuộc khủng hoảng còn lâu lắm mới kết thúc. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế thì tình trạng có thể còn tệ hại hơn. Tại 51 quốc gia mà Tổ chức này khảo sát, người ta thấy ít nhất đã mất đi 20 triệu công ăn việc làm kể từ tháng 10 năm 2008 đến nay, khi cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu.

Người đứng đầu toán khảo sát của Tổ chức Lao động Quốc tế, ông Raymond Torres, cảnh báo rằng có chừng 5 triệu công nhân đang gặp nguy cơ mất việc nếu chính phủ ngưng các chương trình trợ giúp để kích thích kinh tế hoặc sự hồi phục kinh tế không đủ mạnh.

Theo ông trừ phi các chính phủ đưa ra hành động, bằng không, theo ông, gần 43 triệu người sẽ bị mất việc.

Ông giải thích: "Đây là chuyện đã xảy ra trong các cuộc khủng hoảng trước đây. Lấy ví dụ, đầu thập niên 1990 tại Liên Hiệp Châu Âu, những người lâm vào tình cảnh thất nghiệp dài hạn tăng hơn 8%. Đây là tình huống suy thoái còn nhẹ so với cuộc khủng hoảng hiện nay. Tại các quốc gia đang phát triển, dĩ nhiên là có nguy cơ tình trạng thất nghiệp hay nhiều người phải làm những cộng việc tạm bợ trong khoảng thời gian kéo dài. Nhiều người mất những công việc tốt, chính thức, đành phải làm đỡ những việc phụ khác.”

Theo ông Torres, có một nguy cơ đáng kể về những hệ quả kinh tế và xã hội dài hạn khi giới công nhân rơi vào tình trạng thất nghiệp lâu dài hay hoàn toàn ra khỏi thị trường nhân dụng. Cũng theo ông Torres, điều tối ư quan trọng đối với những người mất việc là phải giữ họ lại trong thị trường lao động.

Ông nói: ”Khi có rất ít công ăn việc làm được gây dựng, chính sách khởi động kinh tế phải thay đổi. Tình hình này, đặc biệt, đôi khi đòi hỏi chính phủ phải cung ứng công việc được trợ cấp cho những người gặp nguy cơ mất việc, nhất là những người trẻ. Đôi khi tình thế đòi hỏi phải huấn luyện cho những người mà xảo năng chuyên môn đã bị lỗi thời. Trong tất cả mọi trường hợp, điều thật quan trọng là các cơ sở công chuyên về kiếm việc phải có đủ nhân viên để giữ liên lạc với những người đi tìm việc."

Bản phúc trình cho thấy tiếp tục các biện pháp kích thích tài chính, nếu như được chú trọng đúng mức vào thị trường nhân dụng, sẽ tăng mức công ăn việc làm lên được 7% so với tình hình nếu như chính phủ ngưng các biện pháp kích thích kinh tế sớm. Phúc trình nói rằng tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng công ăn việc làm ngay bây giờ sẽ hậu thuẫn cho mức tăng trưởng kinh tế và ngân sách về lâu về dài.

Ông Torres cho biết một số quốc gia, đáng chú ý nhất là Australia, Brazil, Đức, Jordanie và Nam Triều Tiên đã có chính sách bảo vệ công ăn việc làm bằng cách chú trọng tới thị trường nhân dụng, bảo vệ an sinh xã hội và chú trọng tới xảo năng của công nhân. Theo ông thì những biện pháp như vậy tương đối ít tốn kém và giúp cho công nhân giữ được công ăn việc làm.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG