Các loại nước uống có nhiều đường đã trở thành những món khó thiếu trong các bữa ăn của nước giàu lẫn nước nghèo. Một bài tham luận mới công bố cho thấy phụ nữ mang thai có nhiều rủi ro mắc bệnh tiểu đường nếu dùng nhiều nước ngọt.
Tại Hoa Kỳ, các loại thức uống cung cấp gần 20% số calo mà người Mỹ dùng hằng ngày. Nghiên cứu cho thấy trung bình đa số calo này đến từ nước có chất đường.
Nhà nghiên cứu Liwei Chen của trường đại học Louisiana nói rằng đường góp phần làm người ta mập phì và dẫn đến những bệnh về tim mạch hoặc tiểu đường.
Bà Chen nghi phụ nữ nào có thói quen uống nhiều nước có chất đường trong lúc mang thai có nhiều rủi ro mắc bệnh tiểu đường.
Bà Chen giải thích: “Tiểu đường trong lúc mang thai dễ xảy ra đối với phụ nữ không có tiểu đường loại 2 trước khi mang thai, nhưng không dung chấp được chất glucose trong thời kỳ mang thai.”
Không thể xử lý chất đường một cách bình thường không phải chỉ riêng phụ nữ mang thai mới gặp. Hiện tượng này cũng tạo vấn đề cho thai nhi. Đó là một trong nhưng lý do quan trọng nhất gây ra biến chứng trước và sau khi sinh.
Bà Chen đã xét dữ liệu của hơn 13 ngàn phụ nữ. Các bà này được hỏi đã uống gì và ăn gì. Sau khi mang thai, các nhà nghiên cứu theo dõi sức khỏe của các bà thêm khoảng 10 năm.
Bà Chen cho biết: “Chúng tôi nhận thấy các phụ nữ có thói quen uống loại nước có nhiều chất đường có nhiều rủi ro mắc bệnh tiểu đường trong lúc mang thai hơn các phụ nữ uống ít nước có chất đường”.
Chỉ cần uống 5 chai nước ngọt trong một tuần, chưa tới một chai một ngày, cũng đủ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Do đó một số phụ nữ trước lúc mang thai trông rất khỏe mạnh, nhưng đến khi mang thai lại vướng vào tiểu đường.
Bà Chen kết luận thay đổi cách thức ăn uống có thể giúp phụ nữ khỏe mạnh trong khi mang thai.
Bài khảo cứu của bà Chen được đăng trong tập san Diabetes Care.