Đường dẫn truy cập

LHQ: Thế giới phải thích nghi với biến đổi khí hậu


Liên Hiệp Quốc nói giảm bớt nguy cơ xảy ra tai họa có liên quan tới thời tiết, chẳng hạn như lụt lội và hạn hán, có thể giúp thế giới thích nghi với biến đổi khí hậu. Từ Genève, thông tín viên Lisa Schlein tường trình rằng Liên Hiệp Quốc đang hối thúc các nước nên hành động quyết liệt hơn để giảm thiểu nguy cơ tai họa do thời tiết mang lại, đồng thời giải quyết những nhược điểm bằng các biện pháp như báo động sớm. Mời quý vị theo dõi thêm chi tiết.

Các nhà khoa học tiên đoán tình trạng tăng nhiệt toàn cầu sẽ dẫn tới những thiên tai với cường độ mạnh hơn, và xảy ra thường xuyên hơn, chẳng hạn như bão tố, mưa lũ, lụt lội, hạn hán và các đợt thời tiết oi bức.

Giới khoa học lưu ý rằng các nước nghèo nhất và người nghèo tại các quốc gia giầu có sẽ là thành phần đầu tiên chịu tác động của hiện tượng này, và cũng là thành phần bị ảnh hưởng nhiều nhất. Lý do là vì họ không có phương tiện để thích nghi với những tai họa ngày càng xảy ra thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu gây ra.

Bà Margareta Wahlstrom là đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc đặc trách Giảm thiểu Nguy cơ Tai họa. Bà nói các nước sẽ phạm một sai lầm nghiêm trọng, nếu không cấp bách hành động.

Bà Wahlstrom cho biết: “Tai họa đang xảy ra. Và sẽ xảy ra nhiều tai họa hơn. Nhiều người hơn nữa sẽ bị ảnh hưởng, và như thế tổn hại tài chính cũng tăng theo. Các tai họa sẽ có tác động lâu dài hơn đối với nạn nghèo đói và khả năng của người dân xoay sở để tích lũy một tài sản tối thiểu hầu có thể cải thiện cuộc sống của họ.”

Lấy bất cứ năm nào ra làm thí dụ, bà Wahlstrom nhận định rằng ít nhất 70% các trận thiên tai xảy ra trong năm ấy cũng đều do khí hậu và thời tiết gây ra. Bà nói thí dụ, quá nhiều nước sẽ gây lụt lội, quá ít nước sẽ gây hạn hán, và điều đó có nghĩa là tai họa sẽ đến với hàng triệu người trên khắp thế giới.

Bà lưu ý rằng 1 tỉ người hiện đang sống dưới mức nghèo đói. Bà viện dẫn các cuộc nghiên cứu cho thấy là nhiệt độ địa cầu tăng lên hơn 2 độ, có thể đẩy thêm 400 triệu người khác vào tình trạng nghèo đói trong vòng từ 20 đến 30 năm tới.

Bà nói: “Nếu chúng ta không làm gì để đương đầu với hiện tượng tăng nhiệt toàn cầu, thì sản lượng nông nghiệp tại nhiều nước sẽ giảm sút. Sản lượng này có thể giảm đến 25% tại một số khu vực chủ yếu trồng lúa mì và lúa gạo... Và như thế nó gây ác động khủng khiếp cho kế sinh nhai, sự no đủ và các vấn đề an toàn lương thực.”

Tất cả các khu vực trên thế giới sẽ đều bị tác động bởi hiện tượng tăng nhiệt toàn cầu. Liên Hiệp Quốc báo cáo rằng Châu Phi là một trong các châu lục dễ bị tác hại nhất vì biến đổi khí hậu, và có ít khả năng nhất để thích nghi với các thiên tai trong tương lai. Liên Hiệp Quốc nói nạn hạn hán sẽ là vấn đề chính đối với Châu Phi.

Tại Châu Á, một trong những vấn đề lớn nhất trong tương lai sẽ là làm thế nào kiếm được nguồn nước sạch. Tại Bắc Mỹ, các khoa học gia tiên đoán nhiệt độ địa cầu tăng sẽ giảm số lượng tuyết trên các ngọn núi, và đẩy nhanh tiến trình bay hơi, làm thay đổi lượng nước vẫn có theo mùa.

Bà Wahlstrom lưu ý rằng có những giải pháp cụ thể cho phép các quốc gia thích nghi với biến đổi khí hậu. Thí dụ, bà nói nên đưa ra các biện pháp để tiết kiệm nước trong nông nghiệp. Bà giải thích thêm về điểm này như sau:

“Có nhiều phương pháp đã được thử nghiệm cẩn thận để tiết kiệm nước trong nông nghiệp. Chẳng hạn như phương pháp tưới cây nhỏ giọt, hoặc các chương trình quản trị lưu vực sông. Hoặc dùng nước tái sử dụng thay vì tiêu thụ thêm nước... Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu cũng là một lĩnh vực cần được chú ý. Chúng ta cần hiểu rõ môi trường sinh sống của mình. Nếu trong một năm, chiếc cầu ở địa phương chúng ta bị nước lụt cuốn trôi thì ta có thể đoán chắc rằng điều đó sẽ lại xảy ra, vì thế không nên xây một chiếc cầu mới tại địa điểm cũ.”

Hồi tháng Giêng năm 2005, đại diện của 168 chính phủ đã họp ở thành phố Kobe, Nhật Bản. Họ thỏa thuận với nhau về một kế hoạch hành động 10 năm để giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai họa. Kế hoạch đó bao gồm hành động để giảm nguy cơ liên quan tới khí hậu, và giảm bớt những sơ hở bằng cách báo động sớm, và các chương trình giáo dục, nâng cao nhận thức trong công chúng, đi kèm với các biện pháp kế hoạch hóa việc sử dụng đất đai tại các khu thị tứ.

Bà Wahlstrom nói kế hoạch này đồng thời kêu gọi hội nhập các chiến lược giảm nguy cơ và thích nghi với biến đổi khí hậu.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG