Đường dẫn truy cập

Ngư dân Việt ở Texas chật vật ổn định đời sống sau bão Ike


Ngư dân Việt ở Texas chật vật ổn định đời sống sau bão Ike
Ngư dân Việt ở Texas chật vật ổn định đời sống sau bão Ike

Một năm sau khi cơn bão Ike đổ bộ vào khu vực duyên hải bang Texas, gây ra nhiều thiệt hại cho người dân địa phương, không ít các ngư dân gốc Việt vẫn đang chật vật khôi phục lại cuộc sống. Nguồn thu từ hải sản giảm cộng với tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế đã khiến các ngư phủ tại bang này gặp không ít khó khăn trong quá trình tái ổn định đời sống. Trong chuyên mục 'Câu chuyện Việt Nam' tuần này, Nguyễn Trung mời quý vị theo dõi đời sống của ngư dân gốc Việt ở vùng duyên hải thuộc tiểu bang Texas sau cơn bão.

Sau khi tàn phá một loạt các hòn đảo ở khu vực Ca-ri-bê, giữa tháng Chín năm 2008, cơn bão Ike đổ bộ vào khu vực duyên hải bang Texas với sức gió lên tới gần 180 km/giờ. Cơn bão mạnh này đã làm ít nhất 27 người thiệt mạng và khiến hàng nghìn người Hoa Kỳ lâm vào cảnh mất nhà, trong đó có một phần không nhỏ cộng đồng gốc Việt, nhất là các ngư dân, ở thành phố Houston và vùng duyên hải bang Texas.

Bà Cassady Lê, điều phối viên của Ủy ban Cứu người vượt biển (BPSOS) ở Houston cho hay, hơn một năm sau khi cơn bão xảy ra, cộng đồng ngư dân gốc Việt ở các vùng ven biển vẫn tiếp tục phải đối mặt với những hậu quả mà Ike để lại.

Bà Lê nói: 'Ở dưới hạt Galveston (thuộc thành phố duyên hải Dickinson - Texas), phần đông người Việt ở đây làm nghề đánh bắt cá, cua, tôm và hào. Cơn bão này gây tác động tới môi trường vì những mảnh vỡ từ nhà cửa sau khi cơn bão xảy ra vẫn còn nhiều ở trên biển, nên ảnh hưởng tới việc đánh bắt hải sản của họ. Ngoài ra, do tình hình kinh tế năm nay khủng hoảng, nên họ không kiếm được tiền như trước'.

Nữ điều phối viên cho biết thêm: 'Sau cơn bão đó, những ai không có tiền sửa nhà, họ dời đi nơi khác sinh sống. Những nhà không có bảo hiểm thì một là họ bỏ, không sử dụng, hai là vẫn ở tại đó trong tình trạng nhà bị hư hỏng. Nếu ngói bị vỡ, họ chỉ dán lại, hoặc nền sập thì họ chỉ lấy ván gỗ lót tạm để đi lại. Ở dưới đó, họ sống trong các trailer (nhà lưu động rất nhiều)'.

Ông Phan Sang, một ngư dân gốc Việt ở Texas, cho biết, sau khi cơn bão tàn phá, ông ngừng đi biển cho tới tháng Hai năm nay. Ông cho VOA Việt Ngữ hay rằng ông đã nhận được hỗ trợ vật chất ‘nhưng không nhiều’.

Ông nói: 'Chính quyền hỗ trợ tôi bộ sofa và tủ lạnh, ngoài ra không có gì khác. Tàu tôi bị hư, sửa hết tám nghìn đôla. Đó là tiền mua đồ sửa chữa. Đấy là còn chưa nói tới tiền công của ba anh em tôi. Nhưng chưa được hưởng tiền gì của chính phủ. Tôi phải mượn tiền của ngân hàng để sửa rồi sau này đi làm được sẽ trả lại'.

Theo BPSOS, Ike được coi là một trong những cơn bão gây thiệt hại lớn nhất ở Hoa Kỳ trong vòng hơn một trăm năm qua. Bà Lê cho hay việc phục hồi và trợ cấp cộng đồng người Việt sau bão Ike kéo dài do ‘phần thủ tục mất thời gian’.

Bà Lê nói: 'Sau cơn bão, FEMA (Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp liên bang Hoa Kỳ) năm nay chỉ cấp cho mỗi hộ cao nhất là 28.800 đôla sau khi họ xuống coi xét nhà. Có nhiều hộ được cấp số tiền đó, có nhiều hộ không. Có hộ nhận khoản tiền ít hơn, tùy vào mức độ hư hại của căn nhà. Như vậy, họ không có đủ tiền để sửa toàn bộ ngôi nhà, mà họ chỉ sửa chữa những gì cần thiết nhất. Nhiều khi, họ dùng số tiền đó để sửa những cái khác, ví dụ như cửa tiệm hoặc tàu bè, vì FEMA không cho tiền để sửa tàu bè'.

Cho tới nay, BPSOS đã giúp đỡ hơn 1.600 người gốc Việt phục hồi cuộc sống sau bão Ike. Ông Sang cho hay, sau vài tháng đi biển trở lại, ông tạm ngừng ra khơi đánh bắt hải sản kể từ tháng Bảy năm nay.

Ông nói: 'Phải nói là không có hải sản chứ không phải không bắt được nhiều. Không hiểu nước ô nhiễm như thế nào mà không có tôm. Ngoài ra, rác rưởi làm rách lưới quá nhiều. Tôi đi bốn chuyến biển. Hai chuyến được thì được vài nghìn đôla, hai chuyến thì lỗ một nghìn rưởi đôla'.

Ngư dân Phan Sang kể tiếp: 'Bây giờ tôi không biết làm gì nữa, giờ chỉ dựa vào mấy cái thẻ (tín dụng) để tôi xoay xở hàng ngày thôi. Tôi mượn cái kia, tôi trả cái nọ và xoay vòng thẻ. Chỉ biết cố gắng thôi vì tôi không nghĩ chính phủ cho được cái gì. Tự mình phải lo lấy thôi, còn chừng nào khó khăn quá mới phải tính tiếp thôi'.

Nữ điều phối viên Cassady Lê cho biết cộng đồng người Việt ở vùng duyên hải Texas sống co cụm với nhau và ít hòa nhập với các sắc dân khác. Ngoài nghề đánh bắt hải sản, các ngư dân gốc Việt không có kỹ năng và kinh nghiệm làm các công việc khác. Điều này khiến những người này gặp khó khăn hơn trong việc ổn định cuộc sống sau bão.

Bà Lê cho hay: 'Điều quan trọng nhất là làm sao để họ có thể trở lại cuộc sống ngày xưa. Khi bão xong, tàu bè của họ bị hư hỏng hết, nhất là hỏng máy, mà việc sửa chữa, hoặc mua mới phải mất ít nhất 10 nghìn đôla trở lên. Họ không có tiền để thực hiện điều này, nên rất khó cho họ trở lại cuộc sống bình thường vì họ không có việc làm. Đối với những hộ gia đình này, công việc họ biết làm chỉ là đánh cá mà thôi. Bây giờ nếu nói họ đi kiếm một công việc khác cũng rất là khó. Thế nên, họ nhờ hoặc vay mượn bạn bè để sửa tạm tàu để ra khơi, nhưng ít có hộ gia đình nào làm được như vậy. Tới giờ, cả năm sau, những gia đình mà BPSOS đã giúp, mới có thể bắt đầu ra khơi trở lại kiếm sống từ tháng Tám, tháng Chín năm nay. Đó là đàn ông. Còn các phụ nữ thì họ đi làm nail (sơn sửa móng tay), nhưng cũng mất nhiều khách vì có nhiều người đã chuyển khỏi khu vực đó’.

Hiện chưa có thống kê cụ thể bao nhiêu ngư dân gốc Việt sinh sống và làm ăn ở khu vực thành phố duyên hải Dickinson thuộc hạt Galveston. Nhưng bà Lê ước tính con số này lên tới ‘hàng trăm’ và nhiều người trong số đó đã sống ở nơi này hàng chục năm qua.

Đó cũng chính là lý do nhiều hộ gia đình này vẫn bám trụ ở nơi đây, dù gặp khó khăn trong cuộc sống sau trận bão Ike.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG