Mấy hôm nay tôi bận bù đầu. Bận việc làm hằng ngày ở văn phòng. Bận việc cùng tổ chức với nữ xướng ngôn viên truyền hình Leyna Nguyễn và anh Nam Lộc hai buổi văn nghệ gây quỹ ở Washington D.C. và Denver vào ngày 18 & 19 tháng 12 sắp tới. Bận viết bài mỗi đêm cho VOA. Và nhất là bận lo cho buổi trực tiếp thâu hình lần thứ… 99 cho một trung tâm văn nghệ ở quận Cam với chủ đề:
‘Tôi Là Người Việt Nam’
Dĩ nhiên trong chương trình này, nhiệm vụ của tôi cũng chỉ sẽ liên quan đến những công việc mà tôi đã từng làm trong những năm gần đây, đó là được giao trọn gói phần tìm kiếm và thực hiện những phân đoạn video clip ngắn giới thiệu những gương mặt người ngoại quốc gốc Việt xuất sắc nhất trên thế giới.
Trời. Tôi có là ai đâu mà biết được hết những người này. Họ ở đâu? Nổi tiếng ở lĩnh vực nào? Làm sao mà tôi tìm được họ? Quan trọng hơn nữa, tìm được họ rồi chưa chắc là họ sẽ đồng ý xuất hiện trong chương trình. Bởi lẽ nếu họ đã nổi tiếng trên xứ người, đã thành công vang dội ngay cả đối với những người bản xứ thì chắc chắn một điều là họ rất bận. Và một tấm vé máy bay khứ hồi cộng nơi ăn chốn ở thường không đủ để thuyết phục họ.
Vậy thì tôi chỉ còn có cách là nói cho họ biết về chủ đề và lý do tại sao họ nên xuất hiện trên chương trình để có thể trực tiếp gặp gỡ khán giả Việt Nam. Nói cho khán giả biết điều gì đã đưa họ đến thành công. Cũng như chia sẻ những khó khăn họ đã gặp phải lúc ban đầu.
Nhưng ai bảo họ cần đến khán giả Việt Nam? Nếu họ đã thành công vượt bực trên xứ người thì chắc chắn một điều là đối với họ, cộng đồng Việt Nam chỉ là một cộng đồng thiểu số như hàng chục cộng đồng khác đang có mặt trong xã hội mà họ đang sống.
Đấy là tôi chưa kể đến những trường hợp họ không nghĩ họ là người Việt hay có gốc Việt. Mặc dù chỉ cần đọc thấy họ tên thì chúng ta cũng biết là họ có liên quan đến hai chữ Việt Nam.
Nhưng tôi thông cảm cho họ. Bởi có những người tôi biết tuy họ tên là vậy nhưng vì gốc cha mẹ của họ là người Hoa, hoặc chỉ có cha hoặc mẹ là người gốc Việt nên đến đời họ thì hầu như họ hoàn toàn chẳng cảm thấy có dính dáng gì đến hai chữ Việt Nam. Ngay chính tôi đây cũng thấy có một điều gì đó khá ‘lấn cấn’ khi biết được chủ đề của chương trình là ‘Tôi Là Người Việt Nam’.
Một câu thoạt đầu nghe rất đơn giản và dễ hiểu phải không? Nhưng các bạn đoán thử xem, đối với trên 3 triệu người gốc Việt hiện đang sinh sống ở hải ngoại, có bao nhiêu phần trăm có thể sẵn sàng đồng ý với câu nói này 100%. Nhất là đối với thế hệ thứ hai, thứ ba được sinh ra và lớn lên ở hải ngoại.
Đúng. Như tôi đây luôn cho mình là người Việt Nam. Nhưng một phần trong tôi sẽ mãi mãi thuộc về nước Úc. Nghe một câu chuyện về người Úc, tôi thích thú hơn. Mỗi khi trở lại nước Úc trước khi máy bay sắp đáp xuống phi trường, tôi có cảm giác như mình vừa được trở về nhà.
Đôi khi tôi còn tự làm khó mình và thử đặt một câu hỏi không kém phần xa vời, thiếu thực tế là nếu như giữa Việt Nam và Úc xảy ra chiến tranh thì tôi sẽ chọn bên nào?
Chắc có lẽ là tôi chẳng chọn bên nào cả.
Thế còn nếu như có một trận bóng đá tranh tài giữa Việt Nam & Úc thì tôi sẽ ủng hộ ai? Thành thật mà nói tôi cũng chẳng biết mình sẽ ủng hộ ai.
Riêng bạn thì sao? Câu nói ‘Tôi Là Người Việt Nam’ có ý nghĩa gì đối với bạn?
Và cần thiết hơn nữa là bạn có thể cho tôi biết tôi cần liên lạc với ai không?