Đường dẫn truy cập

Các nước đang phát triển đạt sự đồng thuận về khí hậu biến đổi


Trung Quốc nói đã đạt được một sự đồng thuận về vấn đề biến đổi khí hậu với các nước đang phát triển cho rằng các quốc gia đã phát triển phải chịu phần lớn gánh nặng về việc giảm thiểu khí thải có hiệu ứng nhà kính. Từ Bắc Kinh, thông tín viên VOA Stephanie Ho gửi về bài tường thuật sau đây.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương hôm nay tuyên bố các nước đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi, coi vấn đề biến đổi khí hậu rất nghiêm trọng. Đây là vấn đề chính tại một hội nghị do Bắc Kinh tổ chức hôm thứ Bảy vừa qua.

Ông Tần Cương nói rằng tại cuộc họp, các nước đang phát triển đã đạt được điều ông mô tả là “một sự đồng thuận quan trọng” phản ánh các mối quan ngại của họ về sự biến đổi khí hậu và xứng đáng được sự chú ý của các nước đã phát triển.

Ông Tần Cương nói rằng các nước đang phát triển sẵn sàng hợp tác với các nước đã phát triển để thúc đẩy cho sự thành công tại các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu ở Copenhagen.

Nhưng ông nhắc lại lập trường cho rằng các nước đã phát triển có trách nhiệm nhiều hơn trong việc giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu, bởi vì họ đã gây ra 80% lượng khí thải có hiệu ứng nhà kính. Nhiều khoa học gia tin rằng các loại khí có hiệu ứng nhà kính như carbon dioxide góp phần vào hiện tượng tăng nhiệt toàn cầu. Nhiều loại khí này được thải ra do việc đốt các nhiên liệu như dầu và than đá.

Ông Tần Cương hối thúc các quốc gia đã phát triển hãy tiến hành các biện pháp để đề ra một kế hoạch giảm thiểu lượng khí thải này. Ông cũng kêu gọi họ cung cấp sự hỗ trợ tài chính, chuyển nhượng kỹ thuật và viện trợ để giúp các nước đang phát triển thích nghi với tình trạng tăng nhiệt toàn cầu và giảm thiểu tai hại do tình trạng này gây ra.

Ông đã nhiều lần nói rằng Trung Quốc sẽ ủng hộ một kết quả của hội nghị Copenhagen theo đúng Công ước Kyoto về biến đổi khí hậu. Văn kiện này định ra các mục tiêu bắt buộc cho các nước công nghiệp hóa để giảm thiểu khí thải có hiệu ứng nhà kính, nhưng không đòi hỏi các nền kinh tế đang phát triển phải làm như vậy.

Trung Quốc và Hoa Kỳ là hai nước đứng đầu trên thế giới về việc thải các khí có hiệu ứng nhà kính, và các nhà lãnh đạo của cả hai nước đều đi dự hội nghị Copenhagen.

Tuần trước, Trung Quốc loan báo một chỉ tiêu tự nguyện cắt giảm mức carbon lên tới 45% trước năm 2020, so với mức của năm 2005. Cường độ của carbon không giống như khí thải carbon, mà là lượng khí carbon dioxide do mỗi đơn vị sản lượng kinh tế thải ra.

Hoa Kỳ hứa cắt giảm 17% khí thải carbon trước năm 2020 so với mức thải carbon trong năm 2005.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG