Đường dẫn truy cập

Cháy rừng ở Indonesia 'đe dọa thế giới'


Trong khi nhiên liệu hóa thạch được coi là thủ phạm chính do con người gây ra làm tăng nhiệt toàn cầu, việc phá rừng cũng đóng một vai trò lớn. Các chuyên gia về khí hậu nói rằng việc phá rừng chiếm tới 20% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn thế giới. Các nhà hoạt động môi trường nói rằng để giảm tình trạng trái đất nóng lên, cộng đồng quốc tế phải hỗ trợ các nước như Indonesia, Brazil và Congo để bảo vệ các khu rừng nhiệt đới. Thông tín viên đài VOA Brian Padden cùng với các nhà hoạt động của tổ chức Greenpeace (Hòa bình xanh) tới tỉnh Riau trên đảo Sumatra của Indonesia để chứng kiến xem việc phá rừng đe dọa thế giới như thế nào.

Đốt rừng lấy đất trồng trọt từ lâu đã là một hoạt động mang lại nhiều lợi nhuận ở Indonesia. Agus Nata là một nông dân sản xuất dầu cọ và hiện sở hữu 8 hectare đất. Nhiều năm trước, ông đã chặt hạ và bán bất kỳ loại cây nào có giá trị trên vùng đất của mình. Sau đó đốt những thứ còn lại.

Ông nói đốt các cánh đồng là cách dễ nhất và rẻ tiền nhất để dọn dẹp sạch đất.

Nhu cầu về quả cọ (có thể đùng để sản xuất nhiên liệu sinh học) trên thị trường quốc tế đang gia tăng. Các công ty nông nghiệp lớn cũng dọn đất và đốt những khu rừng lớn. Trong vòng 50 năm qua, hơn 72 triệu hectare rừng của Indonesia đã bị phá hoại.

Đối với một số cộng đồng ở Indonesia, quá trình phá hoại rừng nhanh chóng như vậy đe dọa tới lối sống truyền thống của họ.

Pelli, một ngư dân trên dòng sông Kerumutan, hôm nay cảm thấy hài lòng vì ông đánh bắt được năm cân cá lóc. Gia đình của ông đã sống bên dòng sông này nhiều đời nay và phụ thuộc vào rừng để lấy gỗ xây nhà, dựng thuyền và làm lưới. Ông lo lắng về những gì có thể xảy ra khi vùng đất gần dòng sông này được khai hoang.

Ông nói đó là điều nguy hiểm và đe dọa tới đời sống của người dân. Ngoài ra ông cũng tự hỏi là liệu gia đình ông có thể còn gỗ để làm những gì gia đình ông cần hay không.

Việc phá rừng cũng gây tác hại tới khu vực. Khói bụi từ các đám cháy rừng lớn ở Indonesia và Malaysia đã lan tới cả Singapore và các nước ở Đông Nam Á.

Phá rừng cũng làm mất cây hấp thụ khí gây hiệu ứng nhà kính, như khí CO2. Nhiều chuyên gia về khí hậu nói rằng CO2 và các loại khí gây hiệu ứng nhà kính khác, phần lớn là do việc đốt nhiên liệu hóa thạch gây ra, góp phần vào tiến trình làm trái đất nóng lên.

Tại Sumatra, vấn đề lại càng rắc rối hơn nữa bởi lẽ mặt đất trong các khu rừng già bị bao phủ bằng một lớp cây cỏ mục. Trong lớp cây cỏ mục nát này chứa những lượng khí carbondioxide vô cùng to lớn.

Các tổ chức bảo vệ môi trường như Greepeace cho biết trong khi lớp cây cỏ mục nát này khô đi và bốc cháy sẽ phát tán khí carbondioxide vào trong bầu không khí. Vì nạn phá rừng, giờ đây Indonesia là quốc gia thải khí gây hiệu ứng nhà kính đứng hàng thứ ba trên thế giới, sau Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Những tình nguyện viên thuộc tổ chức Greepeace đang xây một đập nước tại Sumatra để tập trung vào các giải pháp cho vấn đề trên bình diện địa phương lẫn quốc tế. Đập nước này sẽ tái tạo một khu vực rừng với lớp cây cỏ mục rã bao phủ mặt đất từng bị nạn phá rừng tiêu hủy.

Tổ chức Greepeace đang dùng dự án này để khuyến khích những tình nguyện viên Indonesia, như sinh viên Joni Heriadi tại địa phương, hãy dấn thân nhiều hơn vào việc bảo vệ môi trường tại địa phương.

Anh Heriadi nói rằng anh muốn tham gia vào tổ chức Greepeace vì anh đã chứng kiến quá nhiều rừng cây bị tàn phá.

Tổ chức Greepeace cũng đưa các nhà báo đến tận nơi để đích thân chứng kiến cảnh rừng cây bị hủy hoại.

Ông Bustar Maitar, một người lãnh đạo của Greenpeace tại Indonesia, nói rằng những hoạt động này nằm trong khuôn khổ của chiến dịch vận động toàn cầu hối thúc các quốc gia giàu có cung cấp tài chính để khích lệ các quốc gia đang phát triển hãy ngưng hủy hoại rừng cây.

Ông Maitar nói: “Một trong những đòi hỏi của chúng ta là yêu cầu các quốc gia đã phát triển ít nhất hãy ủng hộ tài chính, ít nhất là 44 tỉ đô la để giúp cho những quốc gia như Indonesia, có nhiều rừng cây, để cứu vãn chúng khỏi nạn phá rừng, hầu giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu biến đổi, là vấn nạn mà chúng ta phải đối phó hiện nay. Không có những trợ giúp đó, chúng tôi không thể tin tưởng là chúng tôi có khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu biến đổi.”

Vấn đề sẽ được đưa ra thảo luận tại hội nghị toàn cầu về khí hậu sắp khai diễn ở Copenhagen, Đan Mạch.

Các quốc gia sẽ họp để cố gắng tìm ra một giải pháp nhắm hạ giảm lượng khí thải từ cả các hoạt động công nghiệp tại các quốc gia đã phát triển lẫn nạn phá rừng từ các quốc gia đang phát triển.

Một cơ chế đang được cứu xét sẽ cho phép ngành công nghiệp gây ô nhiễm chi trả cho một doanh nghiệp khác hay chính phủ để giảm bớt khí thải, bằng cách sử dụng khoản tiền đó chi trả cho các quốc gia để họ bảo tồn rừng cây.

Tuy nhiên người ta không rõ là sẽ có đạt tới được một thỏa thuận hay không tại Copenhagen, vì một số các nước đã phát triển, trong số này có cả Hoa Kỳ, nói rằng họ muốn những quốc gia lớn đang phát triển bắt buộc cam kết hạ giảm khí thải. Biện pháp này bị các quốc gia như Trung Quốc bác bỏ.

Ông Maitar nói rằng nếu không có sự trợ giúp của quốc tế thì sẽ chẳng làm được gì mấy để ngăn chặn các nhà thầu xây cất phá rừng để kiếm lợi trước mắt mà gây thiệt hại lâu dài cho môi trường.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG