Đường dẫn truy cập

Hơi chữ (Kỳ ba)


Sinh ở Huế. Trước 1975, viết văn, viết báo, đi lính, dạy học. Cộng tác với các tạp chí văn học Văn, Vấn Đề, Khởi Hành, Bách Khoa, Tân Văn, Đối Diện.Sau tháng 4/1975, ở tù cho đến năm 1981. Năm 1993, định cư tại Hoa Kỳ. Hiện cùng gia đình sinh sống tại Worcester, bang Massachusetts, làm việc cho Sở Giáo Dục Thành Phố. Bắt đầu viết lại và cộng tác với nhiều tạp chí văn học và website hải ngoại như Văn Học, Văn, Hợp Lưu, Việt, Thế Kỷ 21, Phố Văn, Talawas, Da Màu. Các tác phẩm đã xuất bản: Vết xước đầu đời (tập truyện ngắn); Căn phòng thao thức (tập truyện ngắn); Viết và Đọc (tiểu luận văn học); Loanh quanh những nẻo đường (ký và tùy bút); Dặm trường (truyện dài); Tác giả tác phẩm và sự kiện (tiểu luận văn học); Từ ảo đến thực (tạp bút)

(đọc là một lặng lẽ tỏa đầy hơi)

Kỳ 3

9.

Nhà cô Thiền Pha nằm trên một con đường phố trung tâm Hồ Chí Minh City. Tôi nhấn mạnh HCM city. Mới lắm chuyện huyền ảo.

(…) Đêm nay trời đẹp. Trăng sáng rỡ. Thiền Pha ngồi trên lầu nhìn xuống quãng phố rộng. Phía cuối đường một tòa cao ốc đèn từng ô nổi trôi trong khoảng trăng mông mênh. Cô mơ mộng.

Trong mơ, một cơn lốc xoáy, thành tiếng gầm rú. Một tiếng ầm khô khốc ngay dưới đường. Rồi một thân cây bốc lên cao. Thân cây đập xuống mặt đường quay lông lốc.

Mùi xăng từ thùng xăng bị vỡ làm cô tỉnh lại. Đúng là cảnh sát, người bao quanh, xe cộ đông vầy.

Một chiếc xe gắn máy gãy làm đôi. Hai xác người đẫm máu văng ra hai nơi rất xa nhau. Cây trụ điện gãy bể một mảng. Người ta không thể không rùng mình vì sao hai cậu trai trẻ mà máu nhiều trên mặt đường đến vậy.

Rất khuya, trời đổ cơn mưa lớn. Lớn nhất từ đầu mùa. Thiền Pha không sao ngủ được. Cô cứ thấy cái đầu máu me dập sọ não lẫn lộn trong chăn. Sờ đâu cô tuồng như chạm phải thịt vụn bầy nhầy.

Gần về sáng, nhìn từ ban công, đại lộ sau cơn mưa cuồng, đã biến ra một con sông ngập vàng ánh trăng.

Có một hồi trống và tiếng kinh mõ vẳng lại từ ngôi chùa Phật gần nhà.
Con sông trăng về sáng vắng lặng. Sông không trôi. Như mặt hồ chỗ thiên thai. Phía xa kia có một người dắt và một người đẩy một chiếc xe hai bánh chết máy, lội qua. Một chiếc thuyền lạ lẫm. Trong một thành phố tưởng như thân quen. Một thành phố sạch trơn. Như ai nấy chết trọi rồi.

Bọn chúng, là bọn trụ điện lẻ loi, bọn thừa ra, bọn lỗi thời vẫn đứng giữa dòng chảy. Cái bóng nó nghiêng. Nó gầy lắm.

Thiền Pha buồn nghĩ:

“Làm sao hai chàng trai trẻ có thể treo linh hồn mình nơi môt thân cây không lá chẳng cành như vậy nhỉ”
(Cung Tích Biền/Chỗ treo linh hồn)

Truyện của Cung Tích Biền mang dấu ấn nặng nề của hiện thực. Đọc ông, ta tìm thấy ngay những mảnh cuộc sống đâu đó, rất gần gũi, rất chân xác, ai cũng có thể tự mình nhận ra. Có điều, hiện thực đó thường được che chắn bởi một lớp sương mỏng, khiến nó bỗng trở nên lung linh, hư ảo. Truyện của ông đứng dạng chân giữa hai bờ hư/thực. Ông điều động con chữ nhuần nhuyễn và thông minh. Rất dụng công mà lại tưởng chừng như không hề sử dụng nội lực. Khéo biến chúng thành những hình ảnh chờn vờn, lập lờ, đa nghĩa. Thoắt bên này, thoắt bên kia. Tưởng như đang nghe chuyện thực, bỗng hơi văn đột ngột lung linh, chập chờn đưa ta vào cơn mơ. Có lúc, tưởng đang mơ, thì những con chữ nhảy chồm ra ngoài đụng vào người, va vào vật, trở nên hiện thực một cách bất ngờ.

Chữ, trong Cung Tích Biền, phải chăng là hồn ma bóng quế giữa cuộc đời đầy nghịch đảo?


10.

Tôi đã đi như thế trong bao nhiêu buổi sáng của đời mình, không biết bao nhiêu lần, không nhớ rõ rệt những chỗ mình đã đi, ở thành phố nào xa lắc xa lơ. Trong mấy chục năm làm người đã bao lần rời đổi, mỗi nơi một cảnh vật, những dòng sông, những dẫy núi, những ngôi nhà, những hàng rào, những hàng cây cao, những bụi hoa thấp, tất cả khác nhau và chắc chắn đời sống khác nhau. Nhưng hình như cái cảm giác đi trong buổi sáng tinh mơ lại rất giống nhau. Có một cái gì tinh khôi, trong trẻo, lạ lẫm và quyến rũ của đầu ngày. Như khuôn mặt vừa thức dậy, còn lơ mơ giữa tỉnh thức, môi chưa chạm son, tóc chưa chạm lược, như một khúc lụa chưa cắt thành áo, cứ giũ tung ra rồi lại cuộn vào, như một mối tình chưa đi đến hôn nhân, cứ ửng đỏ dần dần.

(…) Những hàng cây hai bên không còn là những mảng mầu tối của một bức tranh, chúng bắt đầu khoe những đường gân lá, như một thanh niên mới lớn nhìn xuống cánh tay mình. Những bụi hoa nhỏ như những đứa bé vừa ngủ dậy, chúng mở từng cánh, như những con mắt trẻ thơ sau một giấc ngủ ngon. Những cánh cửa cũng lần lượt theo nhau mở ra. Trẻ con, người lớn mỗi người đem một mảnh đời ra khỏi ngôi nhà thả vào con đường trước mặt. Bao nhiêu hy vọng trải đưới ánh mặt trời, tiếng cười, tiếng khóc cùng theo nhau vỡ òa. Trái tim chưa biết yêu, đẩy cánh cửa bước ra, đi tìm tình yêu trong vũng ánh sáng đầu ngày lấp lánh. Ngày bắt đầu rất nồng nàn như cô thiếu nữ vội tô son, chải tóc, mang khúc lụa thời gian ra may cắt, sợ buổi chiều sẽ ập đến xóa mất tuổi xuân.
(Trần Mộng Tú/Tinh sương)

Văn của Trần Mộng Tú nói chung thường phất phơ, nhẹ nhàng - kể cả khi chi nói về nỗi đau, về bất hạnh, về tuyệt vọng. Những con chữ của chị bao giờ cũng mềm mại, uyển chuyển và mở, dẫn đến những hình ảnh hồn nhiên, linh hoạt của cuộc sống. Chị có những ví von tinh tế, đậm nét hồn nhiên, tươi tắn, đôi khi đượm chút trẻ thơ. Những ‘bụi hoa nhỏ” buổi sáng được ví với những “đôi mắt trẻ thơ” mở ra sau giấc ngủ ngon; người ta mở cửa đi ra ngoài được hình dung là đem “mảnh đời “ mình “thả vào” con đường trước mặt. Đọc chị, thấy chữ có khi nhảy nhót, reo vui, nghịch ngợm. Có khi mang mang thế sự. Có khi sâu lắng. Nhưng hơi văn luôn đầm ấm, thân tình, tràn trề tình yêu và tình người. Nhiều trang chữ của chị nghe trong, thơm, và ngọt. Có khi ngọt lịm!

11.


Cuối cùng, xin đọc vài đoạn trong một bài thơ lạ:

Mồng bốn Tết năm 2002 tôi trở lại Đà lạt
sau 15 năm. Tôi không thấy Đà lạt nữa
tôi thấy một con bửa củi lật ngửa những cái chân
thông xơ xác chĩa lên trời ngọ nguậy.
Tôi quầy quả lên đồi Cù nhưng nó đã thành một cái vú
cho thương gia Đài Loan trèo lên bóp mỗi ngày.
(…) Đà lạt bây giờ phát phì kiểu một người ăn tạp
Các con đường giãn giây thun, nhà xây
theo bản nháp. Xe gắn máy ăn cắp yên tĩnh ban mai
ngày đầy bọn đàn ông thô bạo đến từ xứ sở
đói nghèo trấn lột than thể xốp thiếu nữ,
trấn lột ngôn ngữ dịu dàng, trấn lột đất.
Thế giới đầy những con tốt bị xua qua sông bởi khẩu hiệu và súng.

Tôi uống nước đóng chai tôi trú trong khách sạn tên
Global Trek kề dinh Bảo Đại. Qua cửa sổ mờ sương tôi thấy người
đàn bà gánh hai chiếc thúng.
Tôi không biết bà gánh gì nhưng
tôi biết sức nặng cuộc đời không ra khỏi được thung lũng.

(Phan Nhiên Hạo/Đà Lạt: 1989-2002)

Đây là một bài thơ xuôi với một cấu trúc chữ hoàn toàn mới. Không có vần đã đành, mà cách sử dụng chữ cũng khác lạ. Những con chữ chắc, khỏe, cụ thể, trực tiếp. Nhiều nhịp chỏi. Cách mô tả sự vật cực kỳ hình tượng. Hiện thực là ẩn dụ. Mà ẩn dụ cũng chính là hiện thực. Bài thơ cho ta hình ảnh của một Đà Lạt mới đầy “bể dâu”, một Đà Lạt đã bị vặt hết lông hết cánh, chỉ còn trơ ra một thành phố trần truồng, vô hồn và tuyệt vọng. Vẫn là Đà Lạt nhưng không là Đà Lạt. Hơi thơ nặng nề, bức bối. Và bỗng trầm xuống bất ngờ ở cuối:

Tôi không biết bà gánh gì nhưng/Tôi biết sức nặng cuộc đời không ra khỏi thung lũng.
!!! :-(
Nghe cay cay như khói chữ xông vào mắt.

Xin được tạm ngưng nơi đây. Thế giới văn chương mênh mông, người viết tiếc là không thể đưa thêm nhiều trích đoạn nữa!

Cũng là những con chữ đó - những ký hiệu vô tội vạ - ai cũng có thể viết, có thể sắp xuôi, sắp ngược theo ý mình (miễn làm sao cho chúng có nghĩa), ấy thế mà, mỗi cách hành văn lại có một lối sắp xếp khác nhau, đưa đến những cấu trúc khác nhau và toát ra hơi chữ khác nhau. Nhiều cách sắp xếp mới mẻ, bất ngờ khiến cho khi đọc tưởng mình lạc vào một vùng đất nguyên sinh. Và bỗng nhiên chạm đến một vùng tinh khôi, tươi mới y như chưa từng biết đến bao giờ.

Văn chương, lạ thật!

Trần Doãn Nho
(10/2009)

Ghi chú: Có thể vào xem các truyện trên ở các đường nối sau:

- Cung Tích Biền, Chỗ treo linh hồn, http://damau.org/archives/376
- Cung Tích Biền, Dị Mộng, http://krfilm.net/f/viewthread.php?tid=20002
- Trần Mộng Tú, Tinh sương

Ngoài ra, xem ở:
- Mai Thảo, Luân, tạp chí Hợp Lưu (California) số 100, tháng 5 & 6/2008
- Y Uyên, Tuyển truyện thời chiến, nxb Thư Ấn Quán, New Jersey, Hoa Kỳ
- Phan Nhiên Hạo, Đà lạt: 1989-2002, trong “Chế tạo thơ ca 99-04”, tập thơ, nxb Văn, San Jose, Hoa Kỳ 2004.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG