Đường dẫn truy cập

Thẩm phán di trú Mỹ dễ bị khủng hoảng tâm lý


Trong hơn 1 triệu di dân đến Hoa Kỳ hàng năm, có một tỉ lệ rất nhỏ xin được tị nạn chính trị. Theo luật pháp người xin tị nạn chính trị phải chứng minh sẽ bị ngược đãi, bị nguy hiểm nếu ở lại quê hương của họ. Theo tường thuật của Thông tín viên đài VOA Lonny Shavelson thì chính các thẩm phán liên bang xét các trường hợp tị nạn chính trị, trực tiếp nghe những trải nghiệm kinh hoàng mà những người này thường chịu, cũng bị chấn động tinh thần vì hàng ngày phải nghe những câu chuyện khủng khiếp nhất của nhân loại. Một vài chuyên gia lo ngại rằng điều này có thể ảnh hưởng đến phán đoán của các thẩm phán.

Trong một cuộc nghiên cứu các Thẩm phán đặc trách về tị nạn chính trị được yêu cầu viết về công việc của họ một cách ẩn danh.

Một thẩm phán viết, “Tôi phải nghe những điều tệ hại nhất xảy ra cho con người. Tôi đã nghe những chứng nhân nói về những biện pháp tra tấn mà tôi không bao giờ muốn nghe, và tôi ước gì tôi chưa hề nghe điều đó.”

Bác sĩ Stuart Lustig, trưởng nhóm nghiên cứu, là một giáo sư về tâm thần học thuộc Đại học California ở San Francisco, UCSF. Ông nói rằng chính các thẩm phán này cũng bị chấn thương.

Bác sĩ Lustig nói: “Nhiều vị trong số này rõ ràng là bị chấn động về tâm lý vì phải nghe các câu chuyện như vậy hết ngày này sang ngày khác.”

Ông cho biết các thẩm phán cứu xét đơn tị nạn chính trị biểu lộ một số triệu chứng khác nhau về rối loạn tâm thần sau chấn thương tâm lý, PTSD, trong đó có tâm trạng kinh hãi về đêm, những hồi tưởng chợt xuất hiện và những cơn hoảng loạn. Nguyên nhân của chứng PTSD thường do bị chấn thương tinh thần trực tiếp, tuy nhiên theo bác sĩ Lustig thì các thẩm phán bị chứng rối loạn tâm thần sau chấn thương thứ cấp “secondary PTSD.”

Bác sĩ Lustig nói: “Chính các thẩm phán bắt đầu có một số triệu chứng về tâm lý trong hình thức tư tưởng mà họ không thể nào gạt bỏ được, hay thậm chí bị những cơn ác mộng. Điều đó khiến cho họ khó làm việc một cách hữu hiệu và sáng suốt, khi lại tiếp tục ngồi nghe người xin tị nạn chính trị kế tiếp với thêm một câu chuyện gây chấn thương và tàn bạo khác.”

Bà Dana Leigh Marks, Chủ tịch hội các thẩm phán chuyên về di dân: “Bất cứ một người nào có lòng nhân cũng đều bị xúc động, và các thẩm phán không phải là ngoại lệ.”

Chính bà Marks cũng là một thẩm phán về di dân. Bà lo ngại rằng số lượng những trường hợp mà bà và các đồng nghiệp bắt buộc phải nghe, là từ 3 đến 4 trường hợp một ngày, đang làm cho tình hình trở nên tệ hơn.

Bà Marks nói: “Phòng xử của chúng tôi cũng giống như phòng xử các vi phạm luật giao thông, nhưng quyết định của chúng tôi lại tương tự như quyết định cho một bản án từ hình. Nếu thẩm phán phạm sai lầm, thì cá nhân liên hệ có thể sẽ bị đe dọa đến sinh mạng.”

Cô Miriam Bravo, một di dân người Guatemala, đệ đơn xin được tị nạn chính trị ở Mỹ, nói chuyện với Thông tín viên VOA tại một nhà thờ ở Berkeley rằng cô không muốn nói lại những gì đã xảy ra cho cô ở quê hương cô. Cô nói một vài điều xảy ra cho cô không có tên. Đó là những nỗi đau mà cô không muốn nhớ đến.

Cô Bravo quả đã có kể câu chuyện cho vị thẩm phán xét đơn xin tị nạn của cô. Những ông không cho cô qui chế tị nạn chính trị. Cô thắc mắc có phải là vì ông phải xét quá nhiều trường hợp hay không.

Cô Bravo nói: “Tôi là người thứ tư hay thứ năm, và họ đã mệt, và sau đó lại thêm người khác, với câu chuyện còn tệ hơn, và rồi lại thêm câu chuyện khác nữa, hết ngày ngày sang ngày khác, cứ như vậy.”

Cô Bravo cho rằng có lẽ vị thẩm phán đã không thực sự lắng nghe câu chuyện của cô. Cô khẳng định, rằng nếu quả ông có nghe, ông sẽ cho cô tị nạn chính trị.

Bác sĩ Lustig gợi ý rằng sự căng thẳng thần kinh mà các thẩm phán ghi lại trong cuộc nghiên cứu cũng có thể đã khiến cho một số vị không còn chú tâm được nữa.

Bác sĩ Lustig nói: “Tôi tự hỏi với các thẩm phán của chúng ta chẳng hạn làm thế nào họ có thể an tâm sau câu chuyện rất khó nghe như vậy.”

Tuy nhiên bác sĩ Lustig nói rằng ông cũng thắc mắc liệu có thể xảy ra sự kiện trái ngược là các thẩm phán trong tình trạng chấn động tâm lý có thể trở nên quá nhạy cảm đến nỗi họ có thể cấp qui chế tị nạn dễ hơn hay không.

Bác sĩ Lustig nói: “Họ có thể trở nên quá đồng cảm với người ngồi trước họ. Như vậy cả 2 giả thuyết đều có thể xảy ra. Quí vị có thể quá mỏi mệt đến nỗi phản ứng như một cơ chế tự vệ, không chấp nhận nữa hay không nghe nữa những gì làm căng thẳng tinh thần và chúng ta chỉ đơn giản bác bỏ chúng? Hay quí vị sẽ bị đánh bại và cứ việc cấp phát bất ký thứ gì thay vì giải quyết những yếu tố phức tap của một trường hợp thực sự? Đó là câu hỏi quan trọng, và vào lúc này chúng ta chưa có lời giải đáp.

Thẩm phán Dana Marks, đồng tác giả bản phúc trình nói rằng trong những năm qua bà đã phải quyết định hơn 16 ngàn trường hợp xin tị nạn chính trị.

Thẩm phán Marks nói: “Một thẩm phán cùng lúc sẽ phải hội cả 2 yếu tố là thông cảm và giữ tinh thần trung lập. Đó là động tác tung hứng khá tinh tế. Và trách nhiệm lại rất lớn.”

Thẩm phán Marks thừa nhận bà sẽ không ngạc nhiên nếu một thẩm phán bị ảnh hưởng vì cứ phải nghe mãi những câu chuyện gây chấn động tinh thần. Tuy nhiên bà không thể nói một cách chắc chắn về việc này. Bà nói rằng điều đó cần được giải quyết trong một công trình nghiên cứu khác trong tương lai.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG