Tại Indonesia, 2 nhà hoạt động cho tổ chức môi trường Hòa Bình Xanh và 2 nhà báo đã bị trục xuất. Họ là những người chống đối nạn phá rừng tại nước này nhưng chính phủ Indonesia cho biết là họ vi phạm các quy định về sử dụng thị thực nhập cảnh. Thông Tín Viên Brian Padden của Đài VOA tường trình từ Jakarta.
Ông Tom Keunen, một nhà hoạt động người Bỉ thuộc tổ chức môi trường Hòa Bình Xanh, Greenpeace, cho biết là cảnh sát Indonesia bắt giữ ông và lúc đầu cáo buộc ông là gián điệp. Họ cũng luôn thay đổi danh xưng cơ quan họ đại diện.
Ông Keunen kể lại: “Lần đầu tiên tôi gặp cảnh sát thì họ nói là họ thuộc cơ quan di trú. Lần thứ hai tôi gặp những người này thì họ tự giới thiệu là mật vụ. Lần thứ ba tôi gặp họ thì họ lại tự giới thiệu là thuộc cơ quan cảnh sát khác. Và cuối cùng vào ngày hôm qua, họ xác nhận là thuộc bộ phận tình báo của cảnh sát quốc gia Jakarta.”
Ông Keunen nằm trong nhóm 4 người bị trục xuất khỏi Indonesia.
Tháng 10 vừa qua, nhóm Hòa Bình Xanh mời các nhà hoạt động trên khắp thế giới đến đảo Sumatra để trình bày về tác động của nạn phá rừng đối với hiện tượng cho trái đất nóng dần.
Những người này cũng xây một con đập để giúp phục hồi lại một vùng bị ảnh hưởng bởi nạn phá rừng, và họ cũng mời các nhà báo đến xem các công ty khai thác gỗ đã phá một vùng rộng lớn như thế nào.
Tuy nhiên các nhà hoạt động gặp rắc rối khi họ biểu tình phản đối những công ty mà họ cho là hủy hoại môi trường một cách đáng kể.
Thế nhưng ông Teuku Faizasyah, Người phát ngôn của bộ Ngoại giao Indonesia nói rằng những người này vi phạm những quy định về thị thực cho phép nhập cảnh.
Ông Faizasyah nói: “Chúng tôi được thông báo là một số người ngoại quốc bị trục xuất vì đã có những hành động trái ngược với giấy thị thực của họ, tức là lạm dụng giấy thị thực. Thay vì có những hoạt động doanh thương hay du lịch, họ đã dính líu đến chính trị.”
Hai nhà báo, một người từ Ấn Độ, người kia từ Ý bị cảnh sát bắt khi đang đứng nhìn một khu rừng vừa mới bị khai thác. Người phát ngôn Faizasyah cho biết là hai người này bị trục xuất vì đã không khai đúng mục đích đến Indonesia khi làm đơn xin thị thực.
Bà Nur Hidayati, đại diện của tổ chức Hòa Bình Xanh tại Indonesia nói rằng tổ chức này có liên hệ đến cuộc biểu tình.
Tuy nhiên bà nói là việc trục xuất các nhà hoạt động cũng như những nhà báo căn cứ trên lỗi kỹ thuật này càng làm cho người ta chú ý đến mục đích của họ và cho thấy là chính phủ Indonesia không có dân chủ.
Bà Hidayati nhận định:“Luật pháp không phải luôn luôn tốt đẹp. Khi luật không cho người dân có cơ hội tự do bày tỏ ý kiến thì nó chỉ chứng tỏ có áp bức nhiều hơn và tạo thành một hình ảnh không mấy tốt đẹp cho chính phủ Indonesia.”
Các chuyên gia về khí hậu cho rằng vì rừng bị đốt cháy, Indonesia đã trở thành quốc gia đứng hàng thứ ba trong việc thải khí CO2, một loại khí gây hiệu ứng nhà kính mà nhiều nhà khoa học cho rằng góp phần làm gia tăng nhiệt độ của trái đất.
Ông Faizasyah cho biết chính phủ thấy được vấn đề này và đang cố gắng hoạt động để cứu những khu rừng tại Indonesia.
Ông Faizasyah nói: “Tất cả chúng tôi đều quan tâm đến vấn đề môi trường. Chính phủ cũng rất tích cực để đảm bảo hạn chế việc phá rừng. Chúng tôi cùng đồng hành với các nước về những chiến dịch quốc tế hạn chế việc trái đất tăng nhiệt. Tuy nhiên tổ chức Hòa Bình Xanh và những nhà hoạt động nước ngoài khác cần phải hành động trong khuôn khổ của luật pháp.”
Đọc nhiều nhất
1