Đường dẫn truy cập

Đọc thơ: "Nắng mới"


Bài “Nắng mới” của Lưu Trọng Lư khá ngắn, chỉ gồm 12 câu như sau:

1. Mỗi lần nắng mới hắt bên song,
2. Xao xác gà trưa gáy não nùng;
3. Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng,
4. Chập chờn sống lại những ngày không.

5. Tôi nhớ Me tôi thuở thiếu thời,
6. Lúc Người còn sống, tôi lên mười;
7. Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội,
8. Áo đỏ Người đưa trước giậu phơi.

9. Hình dáng Me tôi chửa xoá mờ
10. Hãy còn mường tượng lúc vào ra:
11. Nét cười đen nhánh sau tay áo
12. Trong ánh trưa hè, trước giậu thưa.

Đây là một bài thơ giản dị, trong sáng và rất dễ hiểu. Ngỡ như ai cũng diễn dịch giống nhau.
Mà không phải.

Theo Vũ Quần Phương, giống như cách hiểu quen thuộc của nhiều người, bài thơ thể hiện nỗi buồn nhớ mẹ, một nỗi buồn “không còn ở cung bậc vò xé”, nó đã “lắng lại, đã thành tiếng thổn thức, tiếng nấc thầm của cơn đau đã qua”. Cơn đau đã qua, đã quen và cơ hồ đã quên ấy, chỉ “tấy lên khi có lý do gợi nhớ. Ở đây, nắng mới là lý do đó”. Khi tấy lên lại, nỗi đau không còn là nỗi đau nữa, mà chỉ là một “nỗi buồn không rõ nét, nhưng mênh mông, xa vắng, hiu quạnh”.(1)

Đặng Tiến, nhạy bén và sâu sắc hơn, phân tích từng câu, từng chữ, thậm chí từng vần, từng âm, phát hiện ra ý nghĩa của bài thơ không những là một nỗi nhớ mà còn là “một niềm đau đau đáu. Dường như đã cũ. Bất chợt, nhức nhối; nhưng dịu nhẹ, thoáng qua”. Niềm đau ấy gắn liền với một cảm thức về sự đối lập giữa dĩ vãng và hiện tại, giữa không gian trong nhà và ngoài sân, giữa ‘ánh trưa hè’ và ‘nắng mới’.”(2)

Tôi đề nghị một cách hiểu khác.

Bắt đầu từ hai chữ “nắng mới”, tựa đề của bài thơ.

“Nắng mới” là gì?

Vũ Quần Phương cho đó là “nắng đầu mùa”, nhưng lại mâu thuẫn khi viết tiếp “mỗi năm chỉ có một lần”.(3) Đã là “đầu mùa” tại sao lại chỉ có một lần một năm? Sự nghịch lý này rất dễ giải thích: tự trong tiềm thức, ông đã đinh ninh nắng mới là nắng đầu xuân.

Đặng Tiến, không nói rõ, nhưng dường như cũng hiểu như vậy, cho nên khi nhắc đến câu Trong ánh trưa hè, trước giậu thưa, ông viết: “Ánh sáng bỗng chói chang, rực rỡ, bài thơ chuyển màu và chuyển mùa, từ xuân sang hạ: nội tâm vốn không có thời gian”.(4)

Với Lưu Trọng Lư, tác giả bài thơ, không chừng lại khác: với ông, nắng mới có vẻ như là bất cứ thứ nắng nào xuất hiện sau một chuỗi ngày âm u, ướt lạnh, không nhất thiết phải gắn liền với mùa nào. Trong hồi ký Chiếc cáng xanh, ông viết:

Tôi tưởng như còn diễn lại trước mắt tôi một cảnh tượng hằng ngày: giữa những hôm mưa lạnh, ẩm ướt, bỗng rớt vào một ngày nắng ráo, mẹ tôi thường mở rương ra lấy cái bộ áo - vâng - chính cái bộ áo cổ y ấy để phơi trên một hàng giậu.(5)

Tính chất hàm hồ ấy xuất phát từ bản thân từ “nắng mới” vốn là một kết hợp khá mới mẻ và còn tự do, chưa định thức và chưa có một ý nghĩa rõ ràng, cố định.

Về phương diện cấu trúc ngữ nghĩa, “nắng mới” khác với những cụm từ thông thường chúng ta hay dùng: nắng sớm, nắng trưa, nắng chiều, nắng vàng, nắng hanh, nắng nhạt, nắng gắt, nắng ấm v.v... Trong tất cả những cụm từ này, từ phía sau bao giờ cũng có chức năng hạn định ý nghĩa của từ “nắng” phía trước: hạn định màu sắc, cường độ, tính chất và nhất là hạn định về thời gian. Đó không phải là cái nắng chung chung, muôn thuở. Đã đành. Đó cũng khó có thể là cái nắng của một ngày, một khoảng thời gian quá dài cho bao nhiêu thay đổi trong dáng hình của nắng.

Trường hợp “nắng mới” rõ ràng là khác. Dù hiểu theo nghĩa nào, là nắng đầu xuân, đầu hè hoặc nắng của một ngày ráo tạnh rớt vào giữa chuỗi ngày mưa gió, “nắng mới” tuy vẫn là cái nắng trong một thời điểm cụ thể song nó lại được đặt trong mối tương quan với một khoảng thời gian dài, đối lập với những ngày tháng trước đó.

Hơn nữa, bản thân khái niệm “nắng mới” còn gợi ra tính chất chu kỳ: cứ mỗi dịp chuyển mùa hay chuyển thời tiết là một lần nắng mới. Đều đặn. Nhịp nhàng.

Hai đặc điểm này làm cho cụm từ “nắng mới” có một hàm nghĩa đặc biệt: nó bao gồm cả ý niệm về không gian lẫn ý niệm về thời gian.

Bài thơ “Nắng mới”, do đó, theo tôi, không phải là một bài thơ mô tả nỗi niềm nhớ mẹ. Nó chỉ nhằm thể hiện mối quan hệ giữa tâm sự thương nhớ của con người với không gian và thời gian họ sống. Điều này giải thích lý do tại sao ngay cả khi mẹ chúng ta còn sống, chúng ta vẫn thích và thường ngâm nga bài “Nắng mới”. Chỉ cần trong lòng dậy lên niềm nhớ nhung xa xôi nào đó.

Về cấu trúc bề mặt, bài thơ chia thành ba khổ, mỗi khổ bốn câu.

Nhưng về cấu trúc bề sâu, bài thơ thật ra chỉ có hai đoạn; mỗi đoạn sáu câu: đoạn đầu từ câu 1 đến câu 5; đoạn sau từ câu 6 đến câu 12.

Cả hai đều được bắt đầu bằng một điệp ngữ mỗi lần nắng mới. Nắng mới trong đoạn đầu là nắng trong hiện tại, lúc mẹ đã mất, cái nắng buồn bã, hắt hiu. Nắng mới trong đoạn sau là nắng trong quá khứ, lúc mẹ còn sống, cái nắng reo vui, lấp lánh, ấm áp.

Cái nắng trong đoạn đầu, mặc dù rất thực, lại được mô tả như một cái ảo: nó không có màu sắc, không có gì cả.

Cái nắng trong đoạn sau, mặc dù chỉ là một cái ảo, trong hoài niệm, song lại được mô tả như một cái thực, trước mắt, với rất nhiều chi tiết cụ thể và sinh động.

Tuy nhiên, giữa hai đoạn không phải chỉ có sự khác nhau trong hình ảnh của nắng, cũng không phải từ cách hoặc nơi nhà thơ nhìn ánh nắng. Còn sự khác biệt nữa, căn bản hơn và sâu xa hơn.

Ở đoạn đầu, từ câu 1 đến câu 5, để ý một chút, chúng ta sẽ thấy dày đặc những từ chỉ thời gian:

mỗi lần
trưa
thời dĩ vãng
những ngày (không)
thuở thiếu thời
lúc (Người còn sống)
lên mười

Ngược lại, ở đoạn sau, từ câu 6 đến câu 12, trừ chữ “mỗi lần” vốn lặp lại từ câu thứ nhất, và chữ “trưa hè” chỉ đóng vai trò phụ, làm bổ ngữ cho chữ “ánh” phía trước, chỉ có mỗi một chữ “lúc” (vào ra), còn lại toàn là những từ chỉ không gian:

ngoài (nội)
trước (giậu)
sau (tay áo)
trong (ánh trưa hè)
trước (giậu thưa)

Đi kèm với những từ chỉ không gian là những từ chỉ màu sắc: đỏ, đen nhánh, những từ chỉ hình nét: áo, tay áo, giậu, hình dáng, nét cười, ánh trưa hè, và đặc biệt những từ chỉ động tác: reo, đưa, phơi, xoá mờ, vào ra...

Có thể nói, ở đoạn đầu, tức trong hiện thực, nhà thơ chỉ sống với ý niệm về thời gian trong khi ở đoạn sau, tức trong ký ức, chỉ có ý niệm về không gian.

Bình thường, con người vừa sống trong không gian vừa sống trong thời gian. Nhưng trong tâm trạng thương nhớ, thế quân bình này bị lệch hẳn: hiện tại chỉ còn là những ngày tháng đằng đẵng, lê thê, ngày qua ngày lại qua ngày (Nguyễn Bính); con người dường như bị ly dị, bị cắt lìa ra khỏi cuộc đời và không gian chung quanh.

Hơn ai hết, những người lưu vong rất dễ cảm nhận điều ấy. Sống ở Pháp, ở Úc, ở Mỹ…, nhất là những năm đầu tiên, chúng ta hầu như hoàn toàn hờ hững với cảnh đẹp của nước người. Con đường thơ mộng, với chúng ta, phải là con đường ở Sài Gòn. Dòng sông nên thơ, với chúng ta, phải là dòng sông ở Huế. Ngay cả mưa cả nắng cũng chỉ dịu dàng khi là mưa là nắng ở quê hương. Không gian của người tị nạn tự dưng trở thành tù túng, khép kín, chông chênh như hình ảnh căn nhà trong thơ Cao Tần: Nhà tôi ở toòng teng đỉnh đồi.

Có thể nói, một cách khái quát hơn, hoài niệm là một trạng thái tâm lý từ khước không gian. Thơ bà huyện Thanh Quan là một ví dụ. Đắm chìm trong nỗi nhớ không khuây một quá khứ xa xôi nào đó, bà huyện Thanh Quan đặc biệt nhạy cảm trước thời gian mà lại hoàn toàn hờ hững trước không gian: không gian, với bà, chỉ đơn giản là những chứng tích của thời gian. Do đó, mặc dù chỉ còn lại sáu bài thơ, trong đó có một bài bị ngờ vực là của Hồ Xuân Hương, những câu tả cảnh của bà huyện Thanh Quan cứ lặp đi lặp lại và rất sáo, không chứng tỏ một khả năng hoặc ít nhất, một nỗ lực quan sát nào cả. Ở bài này là Ngàn mai lác đác chim về tổ, ở bài khác lại là Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi, ở bài này là Dặm liễu sương sa khách bước dồn, ở bài khác lại là Dặm liễu sương sa khách nhớ nhà, v.v...

Tính chất mất quân bình trong tâm lý nhớ thương làm cho bài “Nắng mới “có cái gì như bị nghiêng, bị lệch: hệ thống vần trong toàn bộ bài thơ là vần thông (khuôn âm na ná với nhau chứ không giống hẳn như loại vần chính): /ong/ /ùng/ /ông/ (khổ thứ nhất); /ời/ /ười/ /ơi/ (khổ thứ hai), /ờ/ /a/ /ưa/ (khổ thứ ba).

So sánh với các bài thơ khác của Lưu Trọng Lư trong tập Tiếng thu, chúng ta thấy ngay tần số xuất hiện vần thông như thế là điều lạ, rất lạ: khác với nhiều nhà thơ khác trong phong trào Thơ Mới, mặc dù là một trong những người tiên phong nhưng ông lại sớm già, sớm cũ, thường tuân thủ những quy luật nghiêm ngặt về niêm, về vần, ít dám tìm tòi, thí nghiệm những cái mới về phương diện cảm hứng cũng như kỹ thuật.

Chú thích:

(1) Vũ Quần Phương (1990), “Nắng Mới” trong tập Thơ và lời bình, nxb Giáo Dục, Hà Nội; in lại trong Lưu Trọng Lư và Thế Lữ (Tủ sách Phê bình, bình luận văn học) do Vũ Tiến Quỳnh sưu tập, nxb Tổng Hợp, Khánh Hoà, 1991, tr. 88-90.
(2) Đặng Tiến (1992), “Nụ hôn đầu”, bài đã dẫn.
(3) Vũ Quần Phương (1990), sđd.
(4) Đặng Tiến (1992), bđd.
(5) Dẫn theo Đặng Tiến, bđd, tr. 206-207.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG