Đường dẫn truy cập

The Dark Side of Love (Mặt Tối của Tình Yêu) - Rafik Schami


Thưa quý vị và các bạn, trong chương trình hôm nay chúng tôi xin giới thiệu quyển tiểu thuyết The Dark Side of Love/Mặt Tối của Tình Yêu của Rafik Schami. Rafik Schami bằng một truyện tình đã dùng phương pháp khảm ghép để cho người đọc hình dung thủ đô Damacus tuyệt vời của Syria với những mảng bóng tối của hỗn loạn chính trị xã hội thù nghịch tôn giáo xen lẫn những mảng rực rỡ của tình yêu và những thành tựu lịch sử văn hóa.

Nước Syria được thế giới biết tới nhiều qua tên tuổi các thi sĩ lẫy lừng hơn là qua các nhà tiểu thuyết. Xưa nay người ta vẫn coi Ai Cập là cái nôi của tiểu thuyết Ả Rập. Gần đây nhất là Naguib Mahfouz, nhà văn được giải Nobel Văn Chương, cũng là người Ai Cập. Nhưng từ khi tiểu thuyết của nhà văn gốc Syria Rafik Schami được độc giả trên thế giới hâm mộ nhiệt tình thì quan niệm trên có vẻ không còn đứng vững, rằng truyền thống tự sự tỏa sáng của cuốn tiểu thuyết cổ điển tuyệt vời 1001 Đêm (cũng thường được gọi với tên khác là Đêm Ả Rập) sau nhiều thập kỷ chìm khuất nay lại phục hồi với sự xuất hiện của Rafik Schami trên văn đàn thế giới.

Sinh năm 1946 ở thủ đô Damacus nước Syria, cha là một người thợ làm bánh, gia đình gốc Ả Rập theo Thiên chúa giáo. Tốt nghiệp đại học ngành Hóa học và đã làm rất nhiều công việc từ lao động tay chân đến dạy học, bắt đầu viết truyện ngắn bằng tiếng Ả Rập từ năm 1965. Từ 1964 đến 1970 đồng chủ nhiệm tờ báo tường Al-Muntalak (Khởi Điểm) ở Damacus.

Năm 1971 xuất ngoại sang tỉnh Heidelberg ở Đức với tính cách lao động di dân và đã làm đủ thứ công việc như công nhân hãng xưởng, công nhân xây dựng, phục vụ nhà hàng ăn để có tiền tiếp tục học, và năm 1979 sau khi tốt nghiệp tiến-sĩ Hóa Học mới thực sự làm việc trong ngành chuyên môn này. Năm 1980 ông cùng các bạn văn lập ra nhóm Sudwind (Gió Nam) và là thành viên của phong trào PoLiKunst (Hội Văn Hóa Nghệ Thuật Đa Quốc) và từ 1982 bỏ việc làm chuyên môn để dành toàn thời gian viết văn.

Rafik Schami lấy vợ Đức, vẫn giữ song tịch Syria-Đức, có một con trai và gia đình ông hiện sinh sống ở Kirchheimbolanden. Hiện nay ông được coi là nhà văn lãnh đạo mảng văn chương di dân ở Đức vì những đóng góp đáng kể trong việc giới thiệu những nhà văn không phải gốc Đức với thế giới. Về văn hóa xã hội ông cực lực bác bỏ quan niệm “đồng hóa”, và cổ vũ chủ trương đa văn hóa. Về nghệ thuật tiểu thuyết Rafik Schami muốn tổng hợp truyền thống kể chuyện của Ả Rập với truyền thống văn chương Đức, đưa truyện thần tiên vào mô tả hiện thực cuộc sống.

Ông sáng tác bằng tiếng Ả Rập và sau đó sách được dịch sang tiếng Đức và xuất bản ở Đức. Từ những năm giữa thập niên 90s tiểu thuyết của Rafik Schami bắt đầu được dịch sang Anh văn và có lẽ quyển tiểu thuyết đồ sộ trên 800 trang Mặt Tối của Tình Yêu xuất bản năm 2004, được Anthea Bell dịch sang Anh ngữ và cho ra mắt năm 2009 được coi là tác phẩm quan trọng nhất của nhà văn này.

Quyển Mặt Tối của Tình Yêu được tác giả viết theo cấu trúc “ghép mảnh xà cừ” (mosaic) theo truyền thống kể chuyện đặc sắc của Syria với nhân vật tự sự có mặt trong tất cả các truyện chồng chất nhiều từng. Tất cả có 304 chương được xếp thành nhiều phần, mỗi phần có một tựa đề riêng chẳng hạn “Quyển Sách của Sự Cô Đơn,” “Quyển Sách của Bộ Tộc,” “Quyển Sách của Trưởng Thành,” “Sách Bướm.”

Số chương trong mỗi phần thay đổi từ một tới nhiều chương, nhưng những phần không được trình bày trọn vẹn liên tục mà một chương của phần này có thể được xếp rải rác ở các phần khác trong sách. Chẳng hạn phần “Sách Tình Yêu” được chia làm bảy chương và đặt xen kẽ suốt quyển truyện ngoại trừ hai chương được xếp liền nhau. Như vậy ta thấy mỗi chương có thể coi như một mảng xà cừ, nếu để riêng biệt nó có vẻ đẹp riêng, nhưng nếu ghép chung thì vẻ đẹp đó lại đổi khác và càng tăng lên.

Lối viết tiểu thuyết này đặt ra cho người đọc nhiều thách thức trong việc liên kết các phần các chương với nhau. Nhưng thách thức này cũng lại là sự tham dự năng động của người đọc trong quá trình sáng tạo tác phẩm văn chương, người đọc có thể được coi như đồng tác giả.

Quyển truyện này có thể được coi như một bức tranh khảm xà cừ đời sống của người Syria trong thế kỷ 20 với điểm nhấn là những thập niên 50s và 60s với những mô tả cùng khắp từ những bộ tộc ở vùng quê xa xôi hẻo lánh đến thủ đô Damacus.

Nhưng ở trung tâm truyện là chuyện tình của Farid Mushtak và Rana Shahin. Cuộc tình này trắc trở vì Farid thuộc bộ tộc Mushtak theo Thiên chúa giáo còn Raha lại thuộc bộ tộc Shahin theo Hồi giáo chính thống. Đây là hai bộ tộc mạnh nhất trong vùng và đối nghịch nhau. Cả hai bộ tộc này từ ngàn xưa tuy cùng sinh sống ở làng Mala cách thủ đô không xa nhưng lại mang mối thù truyền kiếp, kình chống chém giết nhau hoài hủy, hầu như bất cộng đái thiên từ đời này sang đời sau, không thể hòa giải.

Tuy hai người quen nhau ở Damacus từ năm 1953 khi còn nhỏ, lớn lên họ yêu nhau và muốn kết hôn nhưng trở ngại khó vượt qua là mối thù bộ tộc truyền thống này cho nên chuyên tình của họ khó bề dẫn tới hôn nhân tốt đẹp. Từ nhỏ trẻ con mỗi bộ tộc đã được dạy rằng “thà làm bạn với quỉ dữ còn hơn kết giao với một người bên bộ tộc thù địch.”

Chương thứ nhất của quyển truyện bắt đầu vào năm 1960 - khi đó Farid và Raha đã yêu nhau được mấy năm - bằng câu mở đầu Farid hỏi Raha: “Em có thực sự nghĩ rằng cuộc tình của chúng mình có một cơ hội nào không?” Câu hỏi đặt đầu truyện này như một lời báo trước truyện tình này có nhiều chuân chuyên chìm nổi, và mỗi hồi của truyện tình này sẽ không được kể xuôi chảy thẳng tuột, dù đó là mảng chính trong bức tranh khảm.

Chương kế tiếp đột ngột chuyển sang một truyện trinh thám xảy ra vào năm 1969: một xác chết bị bỏ vào trong một cái rọ được phát giác treo trên gác chuông một nhà thờ ở thủ đô, cảnh sát vào cuộc điều tra dưới sự điều khiển của Ủy viên Barudi.

Nhưng chỉ mấy trang sau truyện lại quay ngoắt lại thời điểm 1953 với cuộc tình của Farid và Raha trên cái nền tục lệ hôn nhân không đặt trên tình yêu mà đặt trên “căn cước” tôn giáo, kinh tế, địa vị, môn đăng hộ đối v.v... vì “tình yêu ở Ả Rập phụ thuộc nhiều hơn trên thông tin trong tấm thẻ căn cước hơn là trên tình cảm trong trái tim bạn.”

Từ ngàn xưa hôn nhân được sắp đặt, người nữ đặt đâu ngồi đó. Như vậy tình yêu là một mối đe dọa, người phụ nữ chống lại truyền thống yêu người không được cho phép có thể bị xử tội bằng cách bị ném đá đến chết vì đã làm mất danh dự bộ tộc.

Trong Mặt Tối của Tình Yêu tác giả kể lại khá nhiều số phận bi thảm của phụ nữ. Chẳng hạn Laila người em họ của Farid yêu Hassan Kashad thuộc giòng tộc thù nghịch đã bị đứa em trai sỉ nhục dọa giết chết cho nên Laila và người tình Hassan đã phải bỏ trốn. Nhưng sau đó hai gia đình đã chém giết nhau để trả thù.

Tác giả Rafik Schami là người hậu thuẫn nữ quyền cho nên khi kể lại những truyện tình ông luôn cho tình yêu thắng thế dù cho phải trải qua nhiều thử thách. Chẳng hạn ông cho Raha phát biểu: “Chúng ta còn trẻ, chúng ta ra đời ở nơi đây, thủ đô Damacus, chúng ta có thể làm gì được về mối thù giữa cha mẹ và giữa ông bà chúng ta?”

Tác giả cũng coi sự cấm đoán tình yêu là nguyên do dẫn đến sự thất bại của xã hội Syria. Khi kể lại cuộc đời của Farid tác giả đã dùng nhiều chất liệu lấy từ chính cuộc đời mình: vì sống trong một xã hội cấm đoán nên thanh niên đã tìm lối thoát bằng những hành động bí mật, chẳng hạn gia nhập đảng cách mạng chống chính quyền, nên cái kết thúc bi thảm là tù tội và bỏ xứ.

Rafik Schami cũng đã để ra nhiều chương truyện để nói về sự hỗn loạn chính trị ở Syria sau khi thực dân Pháp ra đi sau khi Thế chiến thứ nhất chấm dứt. Nước Syria đã triền miên trải qua những cuộc bể dâu do giới quân phiệt và giới chính trị cực đoan tạo nên, và những biến động này đã ăn mòn, hủy hoại xã hội Syria, tạo nên một địa ngục của sự hành hạ tra tấn, công an mật vụ reo rắc tai ương, con người bị biệt tích một cách bí ẩn, những vụ giết người xảy ra không có thủ phạm, người dân không được pháp luật bảo vệ, nạn tham nhũng tràn lan.

Vì bị áp chế và cảm thấy cay đắng phẫn hận, người dân Syria bình thường trở thành những con nghiện của mảng xã hội sống ngoài luồng. Nhân vật Farid đã có một thời gia nhập Đảng Cộng sản vốn là đảng bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, bị bỏ tù nên đã nếm mùi tra tấn dã man, đào thoát rồi cùng người yêu Rana trốn sang Âu Châu.

Nhưng trung tâm của quyển tiểu thuyết không phải là sự ham muốn hay tham vọng chính trị nhưng là tình yêu dành cho Damacus, cái thành phố quê hương nơi tác giả sinh trưởng và nay phải rời xa. Bức tranh khảm Damacus của Rafik Schami tuy có nhiều mảng màu tối mô tả thành phố này với những sinh hoạt hỗn loạn, tăm tối, phi pháp nhưng cũng chen lẫn không ít những mảng tươi sáng mô tả những sinh hoạt hội hè, những khu thương mại xầm uất, những tòa nhà nổi tiếng trong lịch sử và rất nhiều những thứ khác rất đáng cho người dân Syria có thể tự hào về đất nước mình.

Chương sách thứ 304 cuối cùng là mảnh chót của tấm khảm tác giả dành cho việc kể lại việc viết cuốn tiểu thuyết. Rafik Schami kể lại ông đã mất 34 năm trăn trở để viết quyển truyện này, dựa trên một câu chuyện có thực về một phụ nữ bị xử tử bằng ném đá vì đã làm mất danh dự giòng tộc khi yêu một người đàn ông không được cho phép yêu.

Về Damacus ông viết: “Trong hơn 34 năm nay, cứ khi nào tôi mở mắt thức giấc là lại nghĩ ngợi về Damacus, cái thành phố đẹp nhất thế giới này.” Cho nên ta có thể coi tiểu thuyết Mặt Tối của Tình Yêu chính là một tượng đài vinh danh Damacus.

Mời quý vị bấm vào đường dẫn bên phải để nghe chương trình này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG