Đường dẫn truy cập

Kỷ niệm 20 năm Cách Mạng Nhung


Niềm vui xen lẫn quan tâm về căng thẳng chính trị. Hàng vạn người đã đổ ra các đường phố Praha của Cộng hòa Czech hôm thứ Ba để kỷ niệm các cuộc biểu tình rầm rộ cách nay 20 năm dẫn đến sự sụp đổ của chế độ cộng sản bấy giờ còn gọi là Tiệp Khắc. Thông tín viên VOA Stefan Bos tường trình bên cạnh các lễ hội thấp thoáng những lo âu trước tình hình chính trị.

Cách nay đúng 20 năm, hàng vạn sinh viên ở Praha đã chống lại công an, đòi chấm dứt chế độ cộng sản đã ngự trị ở đó từ mấy chục năm.

Người biểu tình được động viên trước cảnh bức tường Berlin sụp đổ một tuần trước đó.

Lúc đầu, công an Tiệp Khắc dùng bạo lực đẩy lui người biểu tình, nhưng cuộc đẩy lui càng lúc càng khó khăn vì số người biểu tình tăng lên đến cả trăm ngàn.

Người biểu tình gọi cuộc cách mạng của họ là “Cách Mạng Nhung” vì họ chỉ muốn lật đổ chế độ một cách ôn hòa.

Trong vài tuần lễ sau đó, lãnh đạo Đảng Cộng sản từ chức và nhà văn bất đồng chính kiến Vaclav Havel, từng đi tù nhiều năm, được chỉ định làm Tổng thống ngày 29 tháng 12 năm 1989.

Lên tiếng hôm thứ Ba trước Thượng Viện, ông Havel kêu gọi người dân không nên quên những ai đã góp công đưa đất nước đến tự do. Ông nói: “Các thay đổi trong năm 1989 chắc chắn đã được thực hiện bởi những người mà từ bao năm qua đã cố gắng muốn cho thế giới thấy tình huống thực sự của Tiệp Khắc”.

Nhưng rồi ông Havel cũng không giữ được đất nước thành một khối thống nhất. Năm 1993, Tiệp Khắc lẳng lặng chia thành Cộng hòa Czech và Slovakia. Cả hai đều là thành viên của NATO và EU.

Lễ kỷ niệm 20 năm xảy ra giữa lúc có những tranh luận về dân chủ đa đảng và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn dần.

Chính phủ của Thủ tướng Mirek Topolanek bị Quốc hội biểu quyết bất tin nhiệm hồi tháng 3. Bây giờ chỉ có chính phủ lâm thời trong khi chờ đợi có bầu cử lại vào tháng 5 sang năm.

Đại sứ lưu động Vaclav Bartuska, một sinh viên biểu tình trong cuộc Cách Mạng Nhung, nói trên đài phát thanh Praha các căng thẳng chính trị đã làm lu mờ các lễ hội 20 năm: “Thật là buồn cười trước tình hình hiện nay, sau 20 năm, người dân cơ bản vẫn coi thường các chính trị gia giống như trước đây, và xem họ là những kẻ bất tài, đại loại như vậy. Cùng lúc đó, người dân cũng chẳng thiết tha gì đến chuyện thay đổi. Tôi có thể nói đây là điều đáng buồn”.

Không phải một mình ông Bartuska nghĩ như vậy. Một cuộc thăm dò mới đây cho thấy 8 trong 10 người lớn tại Cộng hòa Czech tỏ ý không hài lòng với tình hình chính trị hiện nay.

Thậm chí đảng Cộng sản vẫn còn chiếm được 15% phiếu cử tri, mặc dù đa số người dân đều nghĩ rằng rất khó để Cộng hòa Czech rơi trở lại chế độ chuyên chính của quá khứ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG