Đường dẫn truy cập

Con đường gập ghềnh tới hội nghị khí hậu Copenhagen


Còn gần một tháng nữa, các nguyên thủ quốc gia và các bộ trưởng môi trường từ 192 quốc gia sẽ tới Copenhagen để bàn thảo về một hiệp ước khí hậu thay thế Nghị định thư Kyoto. Thỏa thuận Kyoto được ký năm 1997 đặt mục tiêu cắt giảm khí thải nhà kính đối với các quốc gia công nghệp. Nhưng như thông tín viên Rosanne Skirble tường thuật, nhiều quốc gia cho rằng bất kỳ thỏa thuận mới nào phải cân bằng cam kết cắt giảm phát thải từ cả các quốc gia giàu và lẫn nghèo.

Một sự đồng thuận mang tính toàn cầu sau quá trình bàn thảo về khí hậu do Liên Hiệp Quốc bảo trợ kéo dài hai năm tại nhiều nơi trên thế giới là nhất quyết không để cho cuộc họp ở Copenhagen thất bại.

'Xét về các cảnh báo khoa học và những thay đổi mà chúng ta đã trải nghiệm, chúng ta một lần nữa thấy rằng các nước nghèo trên thế giới bị ảnh hưởng đầu tiên và mạnh mẽ nhất. Cũng khó mà tưởng tượng tình hình sẽ như thế nào nếu thiếu sự quyết tâm hoặc dũng khí mang tính chính trị'.

Đó là tuyên bố của bà Margot Wallstrom, Phó Chủ tịch của Ủy ban châu Âu, một cơ quan của Liên minh châu Âu chịu trách nhiệm đề xuất và triển khai các điều luật. Bà nói tiếp: 'Việc tiếp tục tình trạng này sẽ dẫn chúng ta tới tình hình biến đổi khí hậu không suy giảm với các kết quả khủng khiếp cho các nền kinh tế của chúng ta cũng như hàng triệu người. Chúng ta không thể để lại hậu quả cho hàng triệu người đó cùng các thế hệ sau này'.

Các nhà khoa học cho rằng để chăn chặn thảm họa như vậy, nhiệt độ không được phép tăng hơn 2 độ C. Các nước giàu chỉ chiếm 20% dân số thế giới, nhưng thải tới 80% lượng khí thải toàn cầu. Theo Nghị định thư Kyoto, họ đã đồng ý cắt giảm lượng khí thải xuống ít nhất 5% dưới mức năm 1990 vào năm 2012.

Theo các ước tính tốt nhất, bà Wallstrom cho rằng trước năm 2012, các nước phát triển phải cam kết hành động mạnh mẽ hơn nữa nhằm đạt mức 20 hoặc thậm chí 45% dưới mức của những năm 90.

Bà nói: 'Toàn bộ các đối tác của chúng ta tại các quốc gia phát triển đã đặt ra mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, nhưng vẫn còn tụt xa so với mức yêu cầu. Cho tới nay, mức cắt giảm chung của các nước này nằm trong khoảng từ 9 – 15% dưới mức của những năm 90 vào năm 2020. Trong khi việc cắt giảm này vẫn còn xa so với mục tiêu ngăn chặn tình trạng ấm nóng dưới mức nguy hiểm 2 độ C, các mục tiêu này thậm chí sẽ khiến nhiệt độ tăntg lên tới 3 độ C'.

Wallstrom nói rằng điều này sẽ gây ra những hậu quả môi trường lớn. Hoa Kỳ đã ký vào Nghị định thư Kyoto, nhưng đã không thông qua nghị định này. Chính quyền cựu tổng thống Bush cho rằng nghị định thư này có lỗ hổng căn bản vì các quốc gia đang phát triển không tham gia.

Với một Tổng thống thuộc đảng Dân chủ trong Tòa Bạch Ốc và đa số phe Dân chủ ở trong Quốc hội, Hoa Kỳ dự kiến sẽ đóng vai trò hàng đầu tại Copenhagen. Nhưng bà Eileen Claussen, Giám đốc Trung tâm PEW về Biến đổi khí hậu toàn cầu, nói rằng Hoa Kỳ có lẽ sẽ không có nhiều đề xuất cụ thể.

Bà Claussen nói: 'Chúng ta dường như đã không chuẩn bị gì vì trong vòng tám năm qua, chúng ta đã bác bỏ sự xác đáng của vấn đề này và không thực sự tiến về phía trước. Một tân tổng thống cam kết hành động vì vấn đề này chỉ trong có chín tới mười tháng, nhưng lại bị kiềm chế vì trong cơ chế của chúng ta, ông không thể một mình hành động, vì còn có Quốc hội'.

Một dự thảo luật của quốc hội Hoa Kỳ được cho là sẽ không được Quốc hội công bố cho tới khoảng đầu năm sau. Bà Claussen không chắc là điều đó có dẫn tới một sự khác biệt nào đó ở Copenhagen: 'Nếu Hoa Kỳ không có một mục tiêu rõ ràng, liệu các nước đang phát triển có sẵn lòng đưa ra các cam kết thực sự hay không? Tôi nghĩ chúng ta đã chứng kiến một số dấu hiệu đáng khích lệ. Ý tôi là, Trung Quốc và Ấn Độ đều đã bắt đầu thảo luận một cách nghiêm túc về các cam kết quốc gia, nhưng họ chưa sẵn sàng cam kết tuân thủ các mục tiêu quốc tế. Và dĩ nhiên, tôi nghĩ họ không sẵn sàng làm điều đó vì không có một đề xuất cụ thể nào'.

Bà Claussen nói rằng dù kết quả có như thế nào đi chăng nữa, mục tiêu của hội nghị Copenhagen là là hiệp ước mới, toàn diện và bắt buộc phải tuân thủ: 'Tôi nghĩ chúng ta cần một khuôn khổ linh động, cho phép các cam kết khác nhau. Đối với các nước phát triển, tôi nghĩ các mục tiêu cắt giảm cần phải mang tính toàn diện và gắn với kinh tế. các nước phát triển cần phải đề xuất biện pháp tài chính nhằm giúp đỡ các nước đang phát triển tiến tới một nền kinh tế phát thải ít khí CO2'.

Nói một cách khác, cần phải có ngân quỹ nhằm giúp các nước nghèo hơn thích ứng với tình trạng ấm nóng toàn cầu. Đồng thời, bà Claussen nói rằng, các nước đang phát triển cũng cần phải đưa ra một loạt các cam kết về mặt chính sách: 'Các mục tiêu liên quan tới tỷ lệ phát thải khí CO2, các tiêu chuẩn hiệu quả, mục tiêu năng lượng tái tạo, hoặc các chương trình giảm việc phá rừng. Nhưng tất cả các mục tiêu đó cần phải có khả năng đo lường, báo cáo và kiểm định để có thể được chứng minh là thật'

Với những dấu hiệu tích cực từ phía Hoa Kỳ, kỳ vọng đang đang lên cao rằng các cuộc thảo luận có thể tiến triển. Bà Margot Wallstrom thuộc Liên minh châu Âu nói rằng EU sẽ tiếp tục gây sức ép lên Hoa Kỳ để bằng mọi giá đạt được một thỏa thuận. Trong khi đó, Eileen Claussen từ Trung tâm PEW về Biến đổi khí hậu toàn cầu lạc quan rằng các nhà đàm phán sẽ đi tới một thỏa thuận mà ít nhất sẽ đặt ra toàn bộ các tham số mục tiêu mà một số chi tiết sẽ được hoàn thiện sau đó.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG