Đường dẫn truy cập

Nhà hoạt động kêu gọi TT Mỹ hối thúc TQ cải thiện nhân quyền


Nhiều cá nhân và tổ chức tranh đấu cho nhân quyền đã hối thúc Tổng thống Barack Obama gây áp lực đòi các nhà lãnh đạo ở Bắc kinh cải thiện nhân quyền trong chuyến viếng thăm đầu tiên của ông tới Trung Quốc. Những lời kêu gọi này được đưa ra tiếp theo sau những lời chỉ trích cho rằng trong thời gian qua nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đã giảm bớt sự ủng hộ cho công cuộc thăng tiến nhân quyền ở Trung Quốc với hy vọng đổi lấy sự hợp tác của Bắc Kinh trong các vấn đề kinh tế, an ninh và ứng phó với nạn biến đổi khí hậu. Mời quí vị theo dõi thêm các chi tiết về vấn đề này trong tiết mục Nhìn Về Á Châu với Duy Ái sau đây.

Khi đọc diễn văn tại Tokyo hôm thứ Bảy vừa qua trước khi đi Singapore dự hội nghị thượng đỉnh APEC, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cho biết ông sẽ đề cập tới vấn đề nhân quyền trong chuyến viếng thăm đầu tiên của ông tới Trung Quốc. Ông nói rằng đôi bên có thể thảo luận về việc này trong tinh thần hợp tác.

Ông Obama nói: "Hoa Kỳ sẽ không bao giờ do dự trong việc lên tiếng tranh đấu cho những giá trị cơ bản mà chúng tôi quí trọng, và điều này bao gồm sự tôn trọng đối với tôn giáo và văn hóa của mọi dân tộc. Bởi vì sự ủng hộ cho quyền con người và phẩm giá của con người là một việc đã gắn chặt với nước Mỹ. Nhưng chúng ta có thể xúc tiến những cuộc thảo luận về việc này trong tinh thần hợp tác thay vì hiềm khích."

Ông Obama đã tuyên bố như thế trong lúc một số các nhân vật tranh đấu cho nhân quyền Trung Quốc bày tỏ thất vọng đối với điều mà họ cho sự ngần ngại của chính quyền Obama, không muốn gây áp lực đòi Trung Quốc chấm dứt những hành vi chà đạp các quyền cơ bản của người dân.

Trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho đài VOA, ông Phan Á Phong, một luật sư nhân quyền ở Bắc kinh, đã bình phẩm như sau.

Ông Phan nói: "Từ đầu năm 2009 tới nay, tình hình nhân quyền Trung Quốc không ngừng xuống dốc, nhưng chúng tôi không thấy ông Obama làm gì cả. Rõ ràng là trong số các vị tổng thống của Mỹ, chính quyền của tổng thống Obama là ít ủng hộ nhất cho lực lượng tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền của Trung Quốc. Trong 10 tháng nay, những nhân vật tranh đấu cho nhân quyền ở Trung Quốc và những nhà quan sát ai nấy cũng đều cảm thấy vô cùng thất vọng đối với ông Obama. Nhiều người cho rằng ông ấy không xứng đáng để lãnh giải Nobel Hòa bình."

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng thông tấn Reuters hôm thứ hai vừa qua, Tổng thống Obama đã phản bác những lời chỉ trích mà ông nói là thiếu công bằng. Ông nói nguyên văn rằng “chúng tôi tin tưởng vào giá trị của tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo, vân vân … và không có một cuộc họp nào với phái đoàn Trung Quốc mà chúng tôi không nêu lên những vấn đề này.”

Giáo sư Phan Á Phong, cũng như nhiều nhà hoạt động khác ở Trung Quốc và các tổ chức tranh đấu nhân quyền quốc tế, đã cảm thấy bất bình khi ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tuyên bố tại Bắc kinh hồi tháng hai rằng không thể để cho vấn đề nhân quyền gây trở ngại cho những nỗ lực của Washington nhằm tranh thủ sự hợp tác của Trung Quốc nhằm đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu, vụ suy thoái kinh tế toàn cầu và những vụ khủng hoảng an ninh.

Ông Randy Schriver là người đứng đầu một tổ chức có tên là Dự án 2049, chuyên nghiên cứu các vấn đề Á châu và sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ông cho rằng thái độ mềm mỏng của Hoa Kỳ trong lãnh vực nhân quyền là không cần thiết.

Ông Schriver nói: "Có một giả định cho rằng đây là những chướng ngại cho công cuộc hợp tác, những sự hợp tác mà tôi nghĩ rằng Trung Quốc cũng mong muốn thực hiện vì quyền lợi của chính mình, thí dụ như trong lãnh vực hợp tác kinh tế. Vì vậy cho nên chắc chắn họ sẽ hợp tác bất kể là chúng ta làm gì trong một số những vấn đề khác."

Dân biểu Chris Smith, thuộc đảng Cộng hòa, là người thường xuyên lên tiếng cổ súy cho dân chủ và nhân quyền ở các nước Á châu. Ông cũng có một nhận định tương tự như nhận định của giáo sư Schriver. Ông Smith phát biểu như sau tại cuộc điều trần ở Hạ viện Mỹ hôm thứ Ba vừa qua về nạn cưỡng bức phá thai ở Trung Quốc.

Ông Smith nói: "Tôi không hề có ý cho rằng các hoạt động ngoại giao không có một chỗ đứng rất quan trọng trong vấn đề nhân quyền, nhưng khi chúng ta nói về vấn đề này với một giọng nói yếu ớt và đặt nó trong trang thứ tư của danh sách các vấn đề ưu tiên, thì phía bên kia sẽ nhận ra ngay sự hạ thấp ưu tiên đó. Trong trường hợp này, phía bên kia là chính quyền độc tài Trung Quốc sẽ nhận ra điều đó, họ sẽ tìm cách làm cho vấn đề này trở thành những chuyện vặt vãnh và nói rằng đây là điều không có gì đáng quan tâm cả."

Trong khi đó tại Trung Quốc, nhiều nhân vật hoạt động cho dân chủ và nhân quyền đã bày tỏ hy vọng là trong chuyến viếng thăm Trung Quốc lần này Tổng thống Obama sẽ gây áp lực để giới hữu trách Bắc kinh cải thiện tình trạng nhân quyền. Bà Trương Thiên Linh, có con trai bị giết hại năm 1989 trong vụ thảm sát Thiên An Môn, đã nói với đài VOA như sau.

Bà Trương nói: "Tôi hy vọng ông ấy có thể đặt vấn đề nhân quyền Trung Quốc vào một vị thế nhất định, bởi vì tự do dân chủ và nhân quyền là nền tảng dựng nước của Hoa Kỳ. Trong tư cách là tổng thống của nước Mỹ, khi đến thăm đất nước chúng tôi – một nước có thành tích nhân quyền vô cùng tệ hại này, ông ấy nên đề cập tới vấn đề nhân quyền. Tôi nhận thấy thế giới ngày nay chú trọng quá đáng về vấn đề kinh tế. Tôi nghĩ rằng ông Obama, trong tư cách là tổng thống nước Mỹ, nên xem nhân quyền quan trọng hơn các lợi ích về kinh tế."

Nhà văn Triệu Đạt Công, Tổng thư ký Hội Văn bút độc lập Trung Quốc, cũng bày tỏ một sự kỳ vọng tương tự.

Ông Triệu nói: "Chính phủ Trung Quốc thường đem những nhân vật bất đồng chính kiến đang ngồi tù làm lá bài để thương thuyết với Hoa Kỳ. Chúng tôi không muốn tình trạng này tiếp diễn. Chúng tôi mong sao Hoa Kỳ giúp cho tình hình nhân quyền Trung Quốc có thể được cải thiện về lâu về dài, có thể làm cho chính phủ Trung Quốc thức tỉnh về phương diện này. Chúng tôi nghĩ rằng quan hệ Mỹ-Trung không phải chỉ là quan hệ về kinh tế, không phải chỉ là quan hệ về chính trị, về chiến lược mà còn là quan hệ về nhân quyền. Tôi cho rằng Tổng thống Obama không thể nào thành công nếu hoạt động ngoại giao của ông không chú trọng tới vấn đề nhân quyền."

Nhà văn Triệu Đạt Công cho biết ông hy vọng là chuyến đi này của ông Obama sẽ giúp mang lại tự do cho các nhân vật bất đồng chính kiến Trung Quốc – như ông Lưu Hiểu Ba, một trong những người soạn thảo bản Hiến chương 08. Ông nói thêm rằng ông mong là trong thời gian tới đây chính phủ ở Bắc kinh sẽ phóng thích một vài nhân vật hàng đầu của phe dân chủ ở Trung Quốc, bất kể là phóng thích dưới hình thức nào.

Hôm thứ sáu, ngày 13 tháng 11 vừa qua, các Hội Văn Bút trên khắp thế giới cũng đã công bố một tuyên cáo chung kêu gọi Tổng thống Obama yêu cầu Bắc kinh trả tự do cho các hội viên đang bị cầm tù như các ông Lưu Hiểu Ba, Thạch Đào, Dương Thiên Vĩnh và những người bảo vệ quyền con người ở Trung Quốc.

Theo ghi nhận của tổ chức Human Rights Watch, tình trạng nhân quyền ở Trung Quốc đã trở nên tồi tệ hơn trong năm vừa qua. Trong lá thư công khai đề ngày 9 tháng 11 gởi cho Tổng thống Obama, tổ chức có bản doanh ở New York này nói rằng Trung Quốc tiếp tục chà đạp tự do diễn đạt – kể cả việc kiểm soát các hoạt động trên internet, và giam cầm những người chỉ trích chính phủ một cách hòa bình; thu hồi giấy phép hành nghề của hàng chục luật sư nhân quyền, và bách hại những người thuộc các sắc dân thiểu số ở Tây Tạng và Tân Cương.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG