Đường dẫn truy cập

Khí hậu biến đổi, nước biển dâng ảnh hưởng đến Việt Nam


Vào ngày 9 tháng 9 năm nay tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố chính thức các kịch bản biến đổi khí hậu cho Việt Nam với mục đích cung cấp thông tin đầy đủ cho các Bộ, ngành và các địa phương để các nơi này có kế hoạch hành động và thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia Ứng phó với Biến đổi Khí hậu. Mời quý thính giả theo dõi chi tiết về việc khí hậu thay đổi ảnh hưởng đến Việt Nam qua phần trình bày của Hà Vũ.

Theo báo cáo của các cơ quan nghiên cứu quốc tế về biến đổi khí hậu, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác hại nhiều nhất khi khí hậu thay đổi và mực nước biển tăng cao.

Trong một báo cáo về “Tác động kinh tế của biến đổi khí hậu tại khu vực Đông Nam châu Á” do Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) công bố hôm 28 tháng 4 tại Hà Nội thì Việt Nam có thể sớm chịu ảnh hưởng xấu của biến đổi khí hậu vào năm 2020.

Lượng mưa giảm sút trong những thập niên tới khiến hàng chục nghìn hécta đất canh tác bị chìm trong nước mặn do mực nước biển dâng cao và hàng chục nghìn gia đình ven biển phải dời cư đến những vùng đất cao hơn vào cuối thế kỷ này.

Mức sản xuất lúa gạo của Việt Nam bị sụt giảm là một điều không tránh khỏi.

Trong kịch bản biến đổi khí hậu cho Việt Nam được công bố vào ngày 9 tháng 9 năm nay thì đến cuối thế kỷ 21, nhiệt độ tại Việt Nam có thể tăng 2,3 độ C so với trung bình của thời kỳ 1980-1999.

Lượng mưa vào mùa mưa tăng nhưng lượng mưa vào mùa khô lại giảm.

Điều quan trọng hơn cả là do nằm cạnh biển Đông nên mực nước biển dâng cao ảnh hưởng không những đến sản xuất nông nghiệp mà còn ảnh hưởng đến đời sống của dân cư các tỉnh ven biển nhất là hai vùng đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng.

Theo kịch bản được chính phủ Việt Nam công bố ngày 9 tháng 9 năm nay thì đến cuối thế kỷ 21, nước biển có thể dâng thêm khoảng 75 centimét và trong trường hợp này, một phần ba vùng đồng bằng sông Cửu Long có thể bị chìm trong biển nước.

Một trong những biện pháp được đề ra để phần nào chặn đứng được tai họa nước biển dâng lên làm ngập vựa lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long là xây dựng những đê biển hoặc đê bao các vùng trũng.

Tuy nhiên theo các chuyên gia như Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, giám đốc phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ thì sự thiệt hại về mùa màng do nước biển dâng cao thực to lớn nhưng thiệt hại do ô nhiễm môi trường vì các chất thải công nông nghiệp không thoát ra được do đê điều ngăn chận còn to lớn hơn.

Nhưng theo Tiến sĩ Dương Văn Ni, thuộc trường đại học Cần Thơ, người đang tham gia chương trình DRAGON về biến đổi khí hậu do Hoa Kỳ tài trợ, thì việc đắp đê và quản lý chặt chẽ hệ thống đê điều có thể tránh được tác hại Tiến sĩ Võ Hùng Dũng đã nêu ra.

Tiến sĩ Dương Văn Ni nói: “Nếu đê không phát huy được tác dụng là do thiết kế và vận hành của chúng ta không đúng. Nói thí dụ như tại những đê, thiết kế cống đập cho hoàn chỉnh, có kế hoạch vận hành những cống đập này tốt, bảo đảm bên trong, bên ngoài nước được thông thương, phù sa được trao đổi…vân vân…thì đê là một công cụ tốt quá chứ.”

Thành phố Hồ Chí Minh thường bị ngập lụt do triều cường, cho nên mực nước biển dâng cũng ảnh hưởng lớn đến những vùng đất thấp của thành phố.

Thạc sĩ Hồ Long Phi, chuyên gia về nước, phó ban điều phối chống ngập thành phố Hồ Chí Minh cho biết:

“Theo dự báo kịch bản trung bình tức là đến cuối thế kỷ này mực nước sẽ cao hơn 75 centimét so với hiện nay. Có nghĩa là lúc đó, mực nước ở khoảng chừng 2,2 mét cho đến 2,3 mét so với mực nước biển trung bình. Trong khi đó khoảng 60% diện tích của thành phố Hồ Chí Minh có cao độ dưới một mét. Điều đó có nghĩa là một số rất lớn diện tích thành phố Hồ Chí Minh sẽ bị ngập nếu chúng ta không có một giải pháp nào chống lại chuyện đó. Thực tế hiện nay thành phố Hồ Chí Minh cũng có một dự án đã được phê duyệt từ năm ngoái và hiện nay đang bắt đầu triển khai dần và thời gian có thể kéo dài vì vốn đầu tư lớn. Mục đích là để ngăn chặn hiểm họa đó.”

Tiến sĩ Dương Văn Ni cũng cho biết là mối lo ngại hiện nay của ông là những tác hại trước mắt do biến đổi khí hậu gây nên.

Tiến sĩ Ni nói: “Tôi quan ngại nhất là biến đổi khí hậu hiện đang xảy ra, thí dụ như mưa nắng thất thường, mùa mưa lại ít mưa, mùa nắng lại mưa nhiều hơn hoặc là gió bão với tầng suất mạnh hơn. Đó mới là quan ngại lớn nhất của tôi. Có mấy điểm: Thứ nhất nó sẽ làm cho người dân không kịp trở tay. Thứ hai là đặc biệt đối với những người có thu nhập thấp. Những người mà hạ tầng cơ sở, nhà cửa còn sơ sài. Những người ở phía Nam của đồng bằng sông Cửu Long, một thời gian dài nơi đây không bị bão lớn nên nhà cửa rất là sơ sài. Do đó nếu bây giờ có gió to thì thiệt hại sẽ rất lớn. Cái thứ ba quan trọng hơn là khi khí hậu thay đổi bất thường như vậy, dịch bệnh sẽ xảy ra rất nhiều. Dịch bệnh trước hết xảy ra cho cây trồng, vật nuôi. Sau đó xảy ra cho con người. Khi xảy ra trên cây trồng vật nuôi thì đối với những người có thu nhập khá, những gia đình giàu thì khả năng phòng trị tốt hơn bởi vì người ta có tiền. Còn đối với người nghèo không có tiền mua thuốc để phòng trị thì bị thiệt hại nhiều hơn. Nếu chuyện đó diễn biến lâu dài thì người nghèo lại nghèo hơn và khoảng cách giàu nghèo sẽ nặng hơn. Đó là cái đáng ngại nhất.”

Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiếu, Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết những loại cây trồng trên Tây nguyên cũng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Tiến sĩ Hiếu nói: “Bên cạnh mực nước biển dâng thì các biểu hiện của biến đổi khí hậu là tăng nhiệt độ, hình thái mưa thay đổi, dẫn đến một số vấn đề làm khô hạn cho vùng cao nguyên ở mùa khô và ngược lại trong mùa mưa lại có những đợt mưa với cường độ lớn hơn có thể dẫn đến một số vấn đề như lũ trên sông và các vấn đề liên quan đến tài nguyên nước khác dẫn đến những khó khăn trong việc trồng các loại cây, ngoài cây cao su còn có cây cà phê và những loại cây khác.”

Nhằm đối phó hữu hiệu với biến đổi khí hậu, Việt Nam đã thành lập Ban Liên Chính Phủ về Biến đổi Khí hậu để chỉ đạo việc thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia Ưng phó với Biến đổi Khí hậu.

Theo kế hoạch được đề ra thì kịch bản về biến đổi khí hậu và nước biển dâng được công bố vào ngày 9 tháng 9 năm nay sẽ được cập nhật và hoàn thiện vào các năm 2010 và 2015.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG