Đường dẫn truy cập

Hơi chữ 


Sinh ở Huế. Trước 1975, viết văn, viết báo, đi lính, dạy học. Cộng tác với các tạp chí văn học Văn, Vấn Đề, Khởi Hành, Bách Khoa, Tân Văn, Đối Diện.Sau tháng 4/1975, ở tù cho đến năm 1981. Năm 1993, định cư tại Hoa Kỳ. Hiện cùng gia đình sinh sống tại Worcester, bang Massachusetts, làm việc cho Sở Giáo Dục Thành Phố. Bắt đầu viết lại và cộng tác với nhiều tạp chí văn học và website hải ngoại như Văn Học, Văn, Hợp Lưu, Việt, Thế Kỷ 21, Phố Văn, Talawas, Da Màu. Các tác phẩm đã xuất bản: Vết xước đầu đời (tập truyện ngắn); Căn phòng thao thức (tập truyện ngắn); Viết và Đọc (tiểu luận văn học); Loanh quanh những nẻo đường (ký và tùy bút); Dặm trường (truyện dài); Tác giả tác phẩm và sự kiện (tiểu luận văn học); Từ ảo đến thực (tạp bút)

(đọc là một lặng lẽ tỏa đầy hơi)

Kỳ 1

Chữ chỉ là một ký hiệu, giống như bao ký hiệu khác bên ngoài. Mũi tên thì chỉ đường đi, đèn đỏ thì xe ngừng lại, trái tim thì chỉ tình yêu…Mỗi một chữ tự nó không có nghĩa gì hết. Nó ám chỉ một cái gì khác hơn chính nó. Nhưng khi chúng kết hợp với nhau bằng một cách nào đó, thì tính cách ký hiệu của chúng dường như thay đổi. Hành vi đọc, không còn là đọc những ký hiệu, mà là đắm mình vào trong một thế giới khác cái thế giới mà ta đang hiện diện. Nhìn một bức tranh, ta còn thấy những chi tiết của nó: màu đỏ, màu xanh, màu đen, đường cong, đường tròn, chỗ đậm, chỗ lạt. Đọc – thì cũng là nhìn -, nhưng dường như ta chẳng hề thấy chữ “a”, chữ “b”, chữ “ư”, chữ “ơ”, hay chữ “chàng”, chữ “em”, hay câu ngắn câu dài, hay chữ đẹp, chữ xấu, mà thấy từng chuỗi chữ kết nối nhau. Mà dường như ta không hề thấy. Ngược lại, ta nghe, ta cảm, ta ngửi. Y như những con chữ có thể bốc lên, tỏa ra. Nghe có hơi. Tôi gọi là hơi văn, hơi thơ. Nói chung là hơi chữ. Với tôi, đọc là một lặng lẽ tỏa đầy hơi!

Hơi thơ thường dễ nhận biết. Có lẽ nhờ có vần có điệu. Trong những bài thơ cách tân, vần điệu không còn đóng vai trò chính, và cấu trúc thơ khác đi. Cấu trúc khác, hơi thơ cũng khác.

Ở đây, chỉ xin nói chuyện văn.

1.

Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.

Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.

Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã.

Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.
(Thanh Tịnh/Tôi đi học)

Đoạn văn mở đầu của Tôi đi học mà ai hầu như ai cùng thế hệ tôi cũng còn nhớ này, sở dĩ nó tồn tại lâu dài trong ta, dĩ nhiên, là do nó nhắc nhở một thứ kinh nghiệm đầu đời đầy xúc cảm. Cũng có thể là do nhịp điệu, có thể là do các chữ dùng dung dị và cụ thể, có thể là do hình ảnh mà nó gợi nên. Thì sao cũng được. Nhưng theo tôi, còn do cái hơi văn mềm mại, vuốt ve rất riêng của nó. Khi đọc, tôi có cảm tưởng như mình nhìn thấy những sợi khói toát ra từ chữ nhẹ bay mông lung trong một ngày vắng gió.

Tất nhiên, không phải hơi văn nào cũng mềm mại, vuốt ve. Hơi văn khác từ tác giả này đến tác giả khác. Đôi khi cùng một tác giả, mà mỗi bài, mỗi truyện hay thậm chí mỗi đoạn lại có một hơi khác nhau. Cũng có bài, ta không thấy có hơi. Trong lúc đó, có một số tác giả, văn của họ tỏa ra một hơi hướm riêng biệt vì có cách hành văn khác thường, độc sáng. Có khi, cách viết làm cho ta say mê đến nỗi quên cả cốt truyện và nhân vật. Hơi văn, hơi chữ có thể không quyết định chuyện hay, dở của một tác phẩm nhưng nhất định nó đóng góp phần riêng của nó vào đó.

2.

Hôm thứ bẩy, mẹ tôi bỗng ngồi dậy được. Đi lững thững một mình ra vườn. Ăn được cơm. Tôi bảo: "Mừng rồi". Vợ tôi không nói năng gì, chiều hôm ấy thấy mang về chục mét vải trắng, lại gọi cả thợ mộc. Tôi hỏi: "Chuẩn bị à?" Vợ tôi bảo: "Không". Hai hôm sau, mẹ tôi nằm liệt, lại bỏ ăn, lại đi ngoài như cũ. Người dốc nhanh, thải ra thứ nước nâu sền sệt rất khắm. Tôi đổ sâm. Vợ tôi bảo: “Đừng đổ sâm, khổ cho mẹ". Tôi òa khóc. Rất lâu tôi mới òa khóc như thế. Vợ tôi nín lặng, rồi lại bảo: "Tùy anh”. Ông Bổng sang thăm. Ông nói: “Bà ấy cứ xoay ngang, xoay dọc trên giường như thế này là gay go lắm đấy!” Lại hỏi:”Chị ơi, chị có nhận ra em không?.” Mẹ tôi bảo: " Có". Lại hỏi: "Thế em là ai?" Mẹ tôi bảo: "Là người". Ông Bổng khóc òa lên: "Thế là chị thương em nhất. Cả làng cả họ gọi em là đồ chó. Vợ em gọi em là đồ đểu. Thằng Tuân gọi em là đồ khốn nạn. Chỉ có chị gọi em là người". Lần đầu tiên, cái ông chú đánh xe bò, lỗ mãng, táo tợn, làm đủ mọi điều phi nhân bất nghĩa hóa thành đứa trẻ ngay trước mắt tôi. (Nguyễn HuyThiệp/Tướng về hưu)

Cách viết có nét khác lạ. Ngắn, gọn, tưng tửng. Những con chữ nghe khô khô. Các diễn tả đều tiết giảm đến mức tối đa. Câu kéo trúc trắc y như thiêu thiếu cái gì. Cụt. Lỏi chỏi. Đã thế, lại “tôi bảo”, “tôi nói”, “mẹ tôi bảo”, “mẹ tôi nói”. Hết “nói” lại đến “bảo”, hết “bảo” lại đến “nói”, khiến cho mạch văn cứ như gãy, bể, co cụm lại. Ở một nhà văn khác, tả cái cảnh mẹ đau ốm sắp chết như thế có thể kéo dài ra ít nhất là một trang hay hơn.

Không có “chuyện”, chỉ thấy “sự”, hết trang này đến trang khác. Mà “sự” cũng bị tướt bỏ hết cả râu ria, cành nhánh. Câu, chữ quánh, nén, tạo ra một thế giới đơn giản, rất ít lời, lại nhiều việc. Hơi chữ bốc lên hăng hăng và cay không kém gì mùi ớt (hiểm).

Nguyễn Huy Thiệp đã tạo ra một cách sắp xếp chữ khác lạ. Bản thân cấu trúc góp phần tăng thêm độ đậm cho ý nghĩa. Chẳng lạ gì, ông đã thổi một luồng gió mới vào văn chương Việt Nam trong nước, và cả ngoài nước.

3.

Tay thày nhỡ sao được. Tay ấy vê ngón tay tôi, vuốt mu bàn chân tôi, không quên một ly; tay ấy chẳng bao giờ chạm cái nốt ruồi, lần nào cũng quây gọn nó rồi lại thả nó, như vừa đánh vây vừa nhử; tay ấy nhổ tóc tôi tí tách, mỗi bụi tóc đủ hai mươi chín chiếc vừa bằng tuổi tôi; tay ấy kéo tai tôi ròn tan, bảy mươi tám chỗ kêu trên người tôi chẳng lầm chỗ nào; tay ấy mỗi lần trườn ngang nách tôi đều dừng tuyệt khéo sát chân triền ngực. Mắt người mù là ở ta. Tay ấy mười con mắt. Bây giờ tay ấy ôm ngang eo tôi, lùa trên bụng tôi, tỏa xuống ngang hông, chập chờn, thăm dò. Rồi quả quyết chườm quanh rốn. Rồi xoa, mỗi vòng một rộng, tay này đuổi tay kia, một quành xuống bụng dưới và một lội qua vùng ngực. Rồi ngọt ngào miết dọc những dẻ xương sườn. Rồi miết đi miết lại từ cổ xuống ức, lách giữa hai bầu ngực. Chồng tôi thấy chúng khít e vướng, nên khẽ nhón hai chỏm, rẽ ra cho rộng chỗ. Rồi tôi chẳng biết tay ai là tay ai nữa. (Phạm Thị Hoài/Ám thị)

Đề tài của Phạm Thị Hoài rất mới: một ông chồng học nghề tẩm quất bằng cách để cho ông thầy mù dùng thân thể vợ mình làm chỗ chỉ dẫn và thực tập. Nếu Nguyễn Huy Thiệp đơn giản hóa đến cùng các chi tiết, các sự kiện, thì Phạm Thị Hoài, ngược lại, đi đến cùng các chi tiết. Và cũng khác với Nguyễn Huy Thiệp tập trung phần lớn vào đối thoại, thì Phạm Thị Hoài tập trung hoàn toàn vào diễn tả. Truyện chẳng có “biến cố” nào ngoài tâm cảm của người đàn bà nghe ngóng chuyển động của “tay ấy” trên thân thể mình. Riêng hai chữ “tay ấy” thôi cũng đã nói lên nhiều điều. Tác giả săm soi từng chi tiết chuyển động của “tay ấy”. “Tay ấy” thông minh, rành rọt mọi ngóc ngách trên thân thể nhạy cảm của thân xác phụ nữ. Nó “vê”, nó “vuốt mu”, nó “quây gọn”, nó “nhổ …tí tách”, nó “trườn ngang”, nó “lùa trên”, nó “chườn quanh”, nó “lội qua ngực”, nó “miết dọc”, nó “lách giữa”…Chừng như nó nắm rất vững mọi cảm giác của nhân vật vợ. Những chi tiết gợi hình được diễn tả bằng những câu văn gọn gàng, chuẩn. Chữ dùng chọn lọc, đầy dụng công. Tác giả nỗ lực lột tả những cảm giác hết sức tinh tế và đặc thù của người phụ nữ trong một tình huống cũng hết sức đặc thù. Ta có cảm giác như những con chữ xoắn xít, chen chúc, dồn đẩy nhau. Hơi chữ toát lên vẻ trông ngóng tinh nghịch và …erotic! Trong lúc truyện dường như chẳng erotic chút nào cả. Chỉ là ám thị!

4.

Khí hậu trong nhạc tình Từ Công Phụng, theo cảm nhận của tôi, là cái khí hậu ẩm đục những cơn mưa. Ðầm đìa những lệ mặn, chát đắng những quá khứ. La đà những cây, trái thất lạc tương lai. Ðồng thời, người nghe cũng có thể cảm được những tay ôm, vỗ về của biển. Những chân đi chập chùng của gió. Những rét mướt của rừng. Những bơ vơ của núi. Những ngơ ngác phố cũ. Những rữa nát thềm xưa. Những cỏ cây. Chim muông. Hình bóng. Kỷ niệm... Tất cả, dường đã cùng thức dậy, đứng lên, buồn bã, chông chênh bước vào tâm hồn người thưởng ngoạn. Vì trong rất nhiều tình khúc của Phụng, hạnh phúc đã tựa như lời nói dối; nếu hiểu, tình yêu, vốn là điều không thật! (Du Tử Lê, Từ Công Phụng, Hạnh phúc tựa những lời nói dối)

Đó là trích đoạn một bài viết của Du Tử Lê viết về nhạc Từ Công Phụng. Bài viết là tiểu luận, nhưng mang hơi hướm của tùy bút và thơ. Du Tử Lê ở đây không đưa một chi tiết cụ thể nào, mà lan man đi từ hình ảnh ẩn dụ này đến ẩn dụ khác. Mưa thì “ẩm đục”, lệ thì “mặn” và “đầm đìa”, quá khứ thì “chát đắng” Ông đổi cách sử dụng chữ: biến hình dung từ thành danh từ, đảo ngữ, đảo cú. Câu tuy ngắn, nhưng nhịp chữ đều đặn, cân đối khiến hơi chữ chừng như kéo dài, nghe lướt thướt.

Đoạn sau đây lại càng du-tử-lê hơn:

Trong lúc chờ T.Q.C. chúng tôi cùng hút thuốc. Tôi nói với X.T. về niềm hạnh phúc, mỗi ngày được sống, thêm. Thấy cây, cỏ, hớn hở. Thấy nắng, gió, khoan thai. Thấy thiên nhiên, căng bầu vú, cho vạn vật bú, mớn. Thấy bằng hữu mất, còn, cũ, mới, vẫn lênh đênh xao xuyến tìm nhau.


Ông cắt câu, tách chữ, tạo thêm nhiều nhịp chỏi bất ngờ. Hơi chữ bỗng nghe lạ lẫm hẳn. Thấm thía hơn, có lẽ. (Còn tiếp)

Ghi chú: Có thể vào xem các truyện trên ở các đường nối sau:

Du Tử Lê, http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=102369&z=193
- Du Tử Lê, http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=103336&z=97
- Nguyễn Ngọc Tư, Cánh đồng bất tận, http://www.viet-studies.info/NNTu/NNTu_CanhDongBatTan.htm
- Đặng Thơ Thơ, Đi tìm bản Thánh Kinh cuối, http://damau.org/archives/1948

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG