Đường dẫn truy cập

Hàn Quốc 


Nếu như các bạn đã có dịp ghé thăm những vùng đất giàu có nhất ở châu Á như Singapore, Hồng Kông hoặc Hàn Quốc thì các bạn cũng sẽ đồng ý với tôi là sự lãnh đạo (leadership) là yếu tố quan trọng nhất trong việc thúc đẩy và xây dựng một xã hội giàu mạnh, phú cường. Bất kể ở đấy có hay không có bàn tay của người ngoại quốc nhúng vào. Thiếu hay hoàn toàn không đáp ứng được những nhu cầu căn bản nhất trong cuộc sống hằng ngày của người dân như: thức ăn, nước uống, vân vân.

Cho đến tận bây giờ Singapore vẫn phải tiếp tục mua nước từ Malaysia sang để sử dụng.

Mỗi ngày Hồng Kông đều phải nhập cảng rau và các món ăn tươi từ Thâm Quyến, Trung Quốc, sang để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Và không cần phải đến Hàn Quốc bạn mới biết được là đất nước này giàu có không phải nhờ vào xuất cảng các vật liệu thô hay vàng bạc, quặng mỏ. Mà là họ nhờ vào những chính sách kinh tế, xã hội uyển chuyển theo từng năm tháng của chính phủ đương thời.

Từ những ngày họ chập chững xây lại từng làng, từng xã sau khi chiến tranh tạm thời chấm dứt vào năm 1953 cho đến thời kỳ phát triển nền kinh tế công nghệ vào thập niên 1970 tiến đến việc có những biến chuyển mạnh trong xã hội vào giữa thập niên 1980 sau khi Cựu Tổng Thống Park Chung Hee bị ám sát vào năm 1979.

Không phải tự nhiên mà Hàn Quốc đạt được nhiều thành tựu như ngày nay. Họ cũng đã phải trải qua rất nhiều vất vả, hàng trăm hàng ngàn người đã phải nằm xuống vì sự sống còn cho tự do và dân chủ trước khi nhà cầm quyền từ bỏ quyền lực độc quyền và tuyên bố tổ chức bầu cử tự do, cho phép thành lập các đảng phái.

Vì thế cho sự lãnh đạo là yếu tố quan trọng nhất là đúng. Nhưng nó chỉ đúng có một phần. Phần còn lại phải kể đến là sự kiên quyết và nhiệt thành của chính người dân Hàn Quốc trong việc nhận thức cũng như thực hiện những hoài bão của họ trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước.

Tôi vẫn còn nhớ hôm tôi gặp một số anh em người Việt hiện đang làm công nhân ở các công trường xa thỉnh thoảng mới có dịp về lại Seoul một lần. Tôi hỏi sau bao năm làm việc và sống gần gũi với người Hàn Quốc mấy anh thấy được những gì ở họ mà trước đây khi ở Việt Nam mấy anh không thấy.

Sau một lúc suy nghĩ, một anh trông cũng còn khá trẻ quê ở Sài Gòn bảo với tôi thế này: Anh có biết không, người Việt mình thường luôn tự khen mình là khi làm việc thì rất ư là cần mẫn. Còn trong cuộc sống thì rất ư là tằn tiện, thích tiết kiệm để dành tiền lo cho mai sau. Nhưng nói thật với anh, người Hàn mà nó đã làm việc rồi thì siêng hơn mình gấp mười lần. Còn về phần tiết kiệm thì nó hơn mình chắc còn phải hơn cả trăm lần. Nó làm chủ giàu như vậy đó anh mà sáng nào nó cũng chỉ ăn một miếng cơm không và uống một ly trà nóng, còn tệ hơn công nhân của nó. Bởi vậy nó không giàu sao được anh?

À, thật như thế à? Không ai bảo ai nhưng tôi để ý thấy cả nhóm ai cũng gật gật đầu trông có vẻ như đồng ý với lời nhận xét trên của anh bạn trẻ.

Thì ra cuối cùng đối với mọi vấn đề, dù ở bất cứ nơi nào, cũng phải từ chính người dân mà ra. Có thể trong cuộc chiến Triều Tiên nếu không có sự giúp đỡ của Mỹ và quân đội của các Đồng Minh nhảy vào bênh vực thì Hàn Quốc đã bị mất trắng vào tay Trung Cộng và Bắc Triều Tiên.

Nhưng nếu như sau đó không có sự quyết tâm của từng người dân và sự tỉnh táo khôn ngoan lãnh đạo của chính phủ đương thời thì khó mà Hàn Quốc có được những gì mà họ đang có. Bạn phải có dịp đến khu vực phi quân sự Bàn Môn Ðiếm phân chia 2 miền Nam, Bắc mới thấy rõ sự khác biệt nó đậm nét đến độ nào giữa hai miền, tuy cùng dòng giống, ngôn ngữ và cả lịch sử nhưng kể từ năm 1953, chẳng còn điểm gì khả dĩ tương đồng để chúng ta có thể so sánh, phân tích.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG