Mới thấy đây mà đã trên ba năm từ khi tôi đến Seoul lần đầu tiên để làm một số công việc cho Trung Tâm Asia. Lần này trở lại tôi thấy cũng không có gì khác nhiều. Vẫn đông đúc ở những khu chợ Dongdaemun hay Nandaemun.
Vẫn có những chiếc xe cóc bán thức ăn dọc đường lúc nào cũng chật người đứng ăn như ở Hồng Kông. Và hệ thống xe lửa ngầm Metro có thể được cho là chằng chịt và tiện lợi nhất thế giới vẫn luôn được mọi người xử dụng.
Bởi nạn kẹt xe hình như nó còn tệ hơn những năm trước. Hôm đến Seoul, từ phi trường về đến khách sạn nằm ở khu trung tâm thành phố tôi đã mất gần 2 tiếng đồng hồ thay vì chỉ khoảng trên dưới 1 tiếng như lần trước tôi đến.
Thì ra cũng có một vài thay đổi đấy chứ.
Từ cả một nước hầu như bị san bằng trong cuộc chiến Triều Tiên, thật khó có thể tưởng tượng được là chỉ trong vòng nửa thế kỷ, đất nước Nam Hàn đã xây dựng và thành công đến mức độ này. Với mức lương trung bình lên đến gần $30,000/năm cho mỗi người trong tổng số dân số là 48 triệu người, nơi đâu ở Seoul bạn cũng sẽ cảm nhận được sự sung túc và giàu có của tầng lớp trung và thượng lưu.
Nếu như ở Sài Gòn hiện nay chúng ta chỉ thấy có một vài con đường lớn sầm uất nằm quanh quẩn trong quận một thì ngược lại ở Seoul, bạn có thể lái xe hàng giờ từ đô thị này sang đến đô thị khác mà vẫn chưa thoát ra khỏi được khu trung tâm thành phố.
Người người lũ lượt đi dạo phố, mua sắm ở Gang Nam nằm ở phía nam Seoul với con sông Hàn chảy ngang thành phố. Nhưng ở phía Bắc, hoặc Tây, hoặc Đông của thành phố cũng chẳng thua kém gì. Nơi đâu cũng có những khu phố to lớn, đường xá rộng rãi nhưng luôn nghẹt người, nghẹt xe ngay cả khi trời đã điểm 9, 10 giờ khuya.
Thật khó mà tin được lúc chiến tranh Triều Tiên chấm dứt vào năm 1953 đã không có còn được một cây cầu đứng vững bắc qua sông Hàn. Hôm ghé thăm Viện Bảo Tàng Lịch Sử ở Seoul (Seoul Museum of History) tôi vẫn không tin được vào chính mắt mình khi nhìn thấy những hình ảnh được chụp lại của cả một thành phố đã bị san bằng thành bình địa sau khi quân đội của Bắc Hàn và Trung Quốc rút lui về phương Bắc.
Cả một vùng trời chỉ xám xịt khói lửa trong điêu tàn và đổ nát. Không một tòa nhà nào còn được nguyên vẹn. Không một khu phố nào tạm gọi là vẫn còn có thể sử dụng được.
Vậy mà chỉ trên dưới 3 thập niên từ năm 1954 cho đến 1988 khi Nam Hàn được chọn tổ chức đăng cai Thế Vận Hội và chính thức chuyển thể sang chế độ thật sự dân chủ, tất cả hầu như đã được thay đổi.
Thế mới thấy một đất nước giàu có, văn minh, hiện đại và tự do không phải chỉ được phát triển nhờ vào tài nguyên của quốc gia hay chỉ vì đã được xây dựng hàng trăm năm nay không bị chiến tranh tàn phá. Mà tất cả đều do sự lãnh đạo khôn ngoan của chính phủ đương thời.
Nếu như trong thời kỳ tranh cử giữa ông Bill Clinton và George Bush vào năm 1992 chúng ta thường nghe câu ‘it’s the economy, stupid!’ để nói lên sự quan trọng về vấn đề kinh tế của đất nước thì tôi nghĩ trong trường hợp này câu nói ở Nam Hàn phải là:
It’s the leadership, stupid!
Đọc nhiều nhất
1