Đường dẫn truy cập

Mỹ yêu cầu Ai Cập giúp giải quyết tranh chấp Israel - Palestine


Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton kết thúc chuyến đi Trung Đông bằng chặng dừng chân vào giờ chót tại Cairo. Trong khi bà hy vọng tìm sự giúp đỡ của Ai Cập trong việc chấm dứt sự bế tắc giữa Israel và Palestine thì Cairo tỏ ra ngày càng không có khả năng lãnh đạo dư luận Ả Rập về vấn đề này. Thông Tín Viên Elizabeth Arrott của Đài VOA tường trình thêm chi tiết từ Cairo.

Ngoại trưởng Hillary Clinton đến Cairo sau khi đã làm các nước Ả Rập bất bình vì đã ca ngợi một đề nghị của Israel nhằm ngưng sự nới rộng các khu định cư tại vùng đất của người Palestine do Israel chiếm đóng. Đề nghị này gặp sự chống đối của nhiều người Ả Rập và họ tiếp tục đòi Israel phải ngưng tất cả mọi việc xây dựng mới.

Tuy nhiên sau những vòng đàm phán do Ai Cập đứng ra trung gian hòa giải giữa Hamas và Fatah thất bại thì người ta nhận thấy là những nhà lãnh đạo Ai Cập ít có thể hoàn thành được việc gì.

Ai Cập tiếp tục bị chỉ trích trong suốt cuộc chiến do Israel gây ra tại dải Gaza đầu năm nay. Những người than phiền về số thường dân Palestine bị kẹt trong dải Gaza bị Israel phong tỏa cũng chỉ trích việc Ai Cập đóng cửa hầu hết khu vực biên giới giữa dải Gaza và Ai Cập.

Ông Amr Hamzawy, một chuyên gia phân tích về chính trị của trung tâm Carnegie về Trung Đông tại Beirut, cho biết là trong khi Ai Cập chưa hòa giải được giữa Hamas và Fatah, nhưng ít nhất là Ai Cập cũng tiến đến vấn đề này với một nghị trình hòa bình, điều mà chưa có ai làm.

Đối với dải Gaza, ông Hamzawy cho rằng Ai Cập có quyền để chấm dứt được những vụ bạo động tại vùng này: “Tuy nhiên điều Ai Cập đã làm được, trong một chừng mực nào đó, đặc biệt trong vòng hai năm qua, là phối hợp những mối quan tâm về phòng vệ chính đáng của Ai Cập với những quyền lợi rộng lớn của người Ả Rập và người Palestine.”

“Quyền lợi của người Ả Rập” là một chiêu bài được đưa ra bởi một số quốc gia trong vùng.

Ví dụ như Qatar đã nỗ lực tạo ảnh hưởng để trở thành một nhịp cầu nối liền với Iran, một quốc gia không phải là Ả Rập. Sự tiếp xúc này là một trong những lý do khiến Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak bỏ qua không tham dự hội nghị thượng đỉnh của Liên đoàn Ả Rập được tổ chức trong năm nay tại Doha.

Ai Cập cũng là đối thủ lâu đời với Ả Rập Saudi, quốc gia với đồng đô la thu được từ dầu mỏ càng ngày càng tỏ ra có nhiều ảnh hưởng.

Ngoài ra còn phải kể đến các quốc gia không Ả Rập như Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang sử dụng chính sách ngoại giao đu dây giữa Đông và Tây để làm đòn bẩy cho những hoạt động của mình.

Ông Hamzawy của trung tâm Carnegie cho rằng Ai Cập không ngại những cuộc cạnh tranh như vậy, và sẽ tiếp tục giữ vai trò lớn trong tiến trình hòa giải giữa Israel và Palestine.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG