Đường dẫn truy cập

Con người và cái chết


Lẽ ra sau bài viết nói về mộ phần của cố Tổng Thống Kennedy là tôi đã phải ngừng và chuyển đề tài ngay vì có ai mà thích tìm tòi về những câu chuyện cũ, người xưa đầy tang thương, chết chóc.

Nhưng ngặt nỗi như tôi đã thưa từ lúc ban đầu, không hiểu sao từ lâu tôi đã có ý thích tự đi tìm đến những nơi mang nhiều dấu ấn lịch sử, những khu nghĩa trang nổi tiếng trên thế giới mỗi khi tôi muốn… thư giãn. Vào đầu năm nay khi tôi có dịp đi du lịch kiểu Tây ba lô sang Đông Âu, một trong những nơi mà tôi nhất quyết phải tìm đến là khu nghĩa trang cổ của dòng nữ tu ở thành phố Salzburg ở miền Tây nước Áo.

Đây là nơi mà tôi đã tự nhủ từ nhỏ là mình phải một lần trong đời nhất định ghé thăm kể từ khi tôi được xem bộ phim ‘The Sound of Music’ nói về dòng họ nhà Von Trapp phải chịu cảnh mất nước nhà tan khi quân đội Đức Quốc Xã tràn sang biên giới Áo Quốc.

Đối với những ai đã từng xem qua bộ phim này, chắc các bạn vẫn còn nhớ cảnh cả gia đình dòng họ Von Trapp cùng lên sân khấu trình bày ca khúc dân gian Edelweiss của Áo trước khi họ vượt núi trốn sang biên giới Thụy Sĩ với giọng ca nồng ấm của nam tài tử Christopher Plummer điềm tĩnh tự tay đứng đệm đàn với đôi mắt buồn rười rượi:


Edelweiss

Edelweiss

Bless my homeland forever (Xin mãi phù hộ đất nước tôi)


Thật chẳng nhớ tôi đã xem qua bộ phim này bao nhiêu lần (vì năm nào các đài truyền hình ở Úc cũng chiếu đi chiếu lại vài lần!) nhưng không lần nào mà tôi không có cảm giác buồn và sợ khi phim chiếu đến cảnh đó.

Nhất là cảnh cả gia đình cha mẹ con cái phải nín thở núp sau các khu nhà cổ mộ nằm bên trong dòng nữ tu trong lúc lính Đức Quốc Xã đang truy lùng rọi đèn vào xem xét từng thanh cửa sắt thỉnh thoảng lại bị lắc mạnh, tạo ra những âm thanh rổn rảng vang dội liên hồi trong đêm khuya thanh vắng.

Hôm tôi đến thăm khu nghĩa trang cổ này trời đã xế chiều nhưng đâu đấy vẫn còn một số khách bộ hành cũng như tôi đang cố tìm đọc lại những áng văn, hay câu kinh được khắc ghi để lại cho hậu thế trên các mộ bia, nhà đá.

Tôi cho là nhà đá vì có những gia đình họ làm chủ cả một căn phòng đá lớn mà trong đó mộ phần của tổ tiên họ đã được mai táng từ hằng mấy trăm năm về trước. Và cho đến bây giờ, cả dòng họ vẫn được chôn cất tại đây.

Nghĩ lại mới thấy dân tộc và văn hóa Tây Phương không phải lúc nào cũng ưa chuộng vật chất, thấy mới nới cũ. Có đến những nơi như thế này tôi mới thấy và cảm nhận được cái nhìn rất sâu, rất xa nhưng cũng rất khác của những dân tộc và văn hoá khác nhau trên thế giới.

Nếu như nghĩa trang của người Hoa (Chinese Cemetery) ở thủ đô Manila, Philippines, nó hỗn độn và mang đầy tính cách… Chinese (nhiều nhà giàu người Hoa xây luôn cho người chết cả một phòng toilet hẳn hoi trong phần mộ mà thoạt mới nhìn qua bạn sẽ tưởng là một biệt thự) thì ngược lại trong khu cổ mộ này nơi đâu bạn cũng chỉ sẽ thấy dấu ấn của thời gian và quá khứ. Bạn sẽ tự động cảm thấy mình rất bé nhỏ, rất nông cạn. Và bất kể bạn đã làm gì trong đời, giàu sang, phú quí hay bần cùng, cơ cực. Đến cuối cuộc đời thì ai cũng sẽ như nhau.

Và tất cả sẽ trở thành kỷ niệm.

Thế thì chẳng có lý do gì để chúng ta không cố làm cho cuộc sống quanh ta mỗi ngày được tươi đẹp hơn. Giữa một lời khen và một tiếng chê, nếu phải chọn, chúng ta nên chọn lời khen.

Giữa sự nhút nhát thầm lo cho bản thân và tiếng nói của lương tâm cần phải có cho những ai thấp cổ, bé họng, chúng ta nên mạnh dạn ủng hộ cho lựa chọn thứ hai.

Vì suy cho cùng mỗi người trong chúng ta đều chỉ có một đời. Không ai sẽ sống dùm cho chúng ta trước khi chúng ta nhắm mắt. Cũng chẳng sẽ có ai theo đuổi dùm cho lý tưởng của chính mình. Như nhà cách mạng Gandhi lừng danh của Ấn Độ từng chia sẻ:

Chính chúng ta phải là sự thay đổi mà chúng ta muốn thấy trong xã hội.

You have to be the change you want to see in the world.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG