Đường dẫn truy cập

Đơn xin tị nạn chính trị gia tăng tại các nước công nghiệp


Một cuộc thăm dò mới đây cho thấy số người nạp đơn xin tị nạn chính trị tại 44 quốc gia công nghiệp tăng 10% trong 6 tháng đầu năm 2009, so với cùng kỳ năm ngoái, nâng tổng số người xin tị nạn chính trị lên đến 185 ngàn người. Thông Tín Viên Lisa Schlein tường trình từ trụ sở Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc tại Geneva.

Bản phúc trình cho thấy con số người xin tị nạn chính trị tại Iraq giảm gần một phần ba trong năm nay so với năm ngoái. Tuy nhiên cuộc thăm dò ghi nhận là Iraq vẫn là quốc gia có số người xin tị nạn chính trị cao liên tiếp trong vòng 4 năm qua.

Afghanistan và Somalia đứng hàng thứ hai và thứ ba. Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc cho biết là tình hình an ninh xấu đi tại những quốc gia này khiến cho nhiều người phải đi tị nạn tại nước ngoài.

Bà Fatoumata Lejeune-Kaba phát ngôn viên của Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc cho Đài VOA biết là có những khuynh hướng cho thấy có sự phân phối không đồng đều trong số những người xin tị nạn chính trị và một số người tại một số quốc gia có khuynh hướng đến cùng một nước để xin tị nạn.

Bà nói: “Lấy trường hợp những người Iraq chẳng hạn, phần lớn những người này, hơn 50% xin tị nạn chính trị tại Đức, Hà Lan, Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ. Những nhóm khác như Somalia thì xin tị nạn chính yếu tại Hà Lan và Thụy Điển cũng như Ý. Tại sao như vậy thì chưa rõ nhưng chúng tôi biết là chính sách của các quốc gia về tị nạn chính trị ảnh hưởng đến khuynh hướng tị nạn.”

Ví dụ như con số những người Iraq xin tị nạn chính trị tại Thụy điển giảm rõ rệt từ 9000 người năm ngoái xuống còn 1000 trong năm nay. Cuộc thăm dò cho biết là sự sụt giảm này tiếp theo sau quyết định của một tòa án di trú tại Thụy Điển cho rằng tình trạng tại Iraq không phải là một cuộc “xung đột vũ trang”.

Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc cho rằng người Iraq vẫn còn được quyền xin tị nạn chính trị. Bà Lejeune-Kaba nói là Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc tin là quá sớm chưa nên trả những người Iraq về nước.

Bà nói: “Các quốc gia không nên trả về nước những người Iraq trước đây cư ngụ tại những tỉnh thuộc miền trung trung tâm Iraq gồm cả Baghdad. Đây là những khu vực hầu hết các người tị nạn từ đó ra đi. Điều giản dị là không đủ an ninh để những người này trở về vào lúc này.”

Cuộc thăm dò cho thấy châu Âu là nơi nhận 75% những đơn xin tị nạn chính trị. Tuy nhiên Hoa Kỳ vẫn là quốc gia duy nhất nhận đơn xin tị nạn chính trị nhiều nhất với 13% đơn xin tị nạn chính trị tại tất cả các quốc gia công nghiệp.

Bản phúc trình cũng ghi nhận Pháp là nước đứng hàng thứ hai nhận nhiều người tị nạn chính trị, kế đến là Canada, Anh và Đức.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG