Đường dẫn truy cập

Đọc thơ: "Bây giờ mận mới hỏi đào"


Thử đọc lại bài ca dao quen thuộc này:

Bây giờ mận mới hỏi đào
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?
Mận hỏi thì đào xin thưa:
Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào.

Người ta hay để ý đến những ẩn dụ "mận" (chỉ người con trai) và "đào" (chỉ người con gái), nhưng thật ra, những ẩn dụ ấy không có gì đặc biệt và sáng tạo. Trong văn học, nó xuất hiện khá nhiều, như một thứ sáo ngữ quen thuộc, từ Kinh Thi cho tới thơ Đường, từ Cung oán ngâm khúc cho tới Truyện Kiều.

Theo tôi, đáng chú ý hơn, trong bài ca dao trên, là những chữ bình thường như "bây giờ" trong câu thứ nhất và "thì" trong câu thứ ba.

Lời tỏ tình bắt đầu bằng chữ "bây giờ", nhất là sau chữ "bây giờ" lại có thêm chữ "mới", "bây giờ mới", cho thấy người con trai đã hết sức đắn đo, phân vân, ngần ngại. Nó tiết lộ những chuỗi ngày tháng thầm yêu trộm nhớ mà e dè không dám bày tỏ. Những ngày tháng vừa đắm đuối vừa run sợ như Nguyên Sa diễn tả trong bài "Tuổi mười ba":

Chân díu bước và mắt nhìn vương vướng
Nàng đến gần, tôi chỉ dám quay đi
Cả những giờ bên lớp học, trường thi
Tà áo khuất, thì thầm: "Chưa phải lúc..."

Nghe lời tỏ tình của người con trai, người con gái như mở cờ trong bụng. Chị khẳng định như một cách mời mọc: "Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào". Thế nhưng, trước đó, chị vẫn hết sức ý tứ: "Mận hỏi thì đào xin thưa". Dùng chữ "thưa" là một cách tỏ tình... tôn kính. Hay nhất là chữ "thì": em nói ra điều này là vì anh hỏi, chứ không phải tự nhiên mà khai báo đâu!

Hay hơn nữa, nếu chúng ta chú ý: câu thơ có sáu chữ, đáng lẽ, theo luật bằng trắc của thơ lục bát, sẽ là: bằng bằng trắc trắc bằng bằng, nghĩa là, nói cách khác, hai chữ "mận hỏi" phải là vần bằng và hai chữ "thì đào" phải là vần trắc theo mẫu "Nhà nàng ở cạnh nhà tôi" hay "Yêu nhau cởi áo cho nhau".

Ở đây, ngược lại, hai chữ vần trắc ("mận hỏi") oằn hết ra phía trước: phần nặng nề nhất thuộc về anh; còn em... bốn chữ sau cùng ("thì đào xin thưa"), vần bằng, đọc lên, cứ thấy nhẹ thênh thênh, như những tiếng lí nhí, thì thầm, nhẹ như gió, thoảng qua như một mùi hương vừa chớm.

Thương nhất, ở bài ca dao trên, chính là ở bốn chữ vần bằng sai luật ấy.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG