Đường dẫn truy cập

Các trường Cao đẳng Cộng đồng tại Việt Nam đang phát triển


Được thành lập từ năm 2000, các trường Cao đẳng Cộng đồng tại Việt Nam chưa được phát triển rộng rãi vì khái niệm về trường Cao đẳng Cộng đồng còn tương đối mới mẽ. Tuy nhiên trong tương lai với sự hợp tác của Hiệp hội các trường Cao đẳng Cộng đồng tại Hoa Kỳ và những tổ chức quốc tế khác, các trường Cao đẳng Cộng đồng tại Việt Nam sẽ đáp ứng được vai trò đào tạo nhân lực cần thiết cho việc phát triển đất nước. Mời quý thính giả theo dõi thêm chi tiết qua phần trình bày của Hà Vũ.

Với sự giúp đỡ của chính phủ Hà Lan, 6 trường Cao đẳng Cộng đồng đầu tiên của Việt Nam được thành lập tại các tỉnh Hải Phòng, Hà Tây, Quảng Ngãi, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang và Đồng Tháp từ tháng 8 năm 2000.

Tuy nhiên sự phát triển các trường Cao đẳng Cộng đồng tại Việt Nam chưa được mạnh mẽ.

Từ con số 6 trường của năm 2000, đến năm 2005 chỉ mới có thêm được 3 trường nữa và kể từ khi Hiệp hội Cao đẳng Cộng đồng Việt Nam được thành lập vào tháng 9 năm 2006 cho đến nay cũng chỉ có 12 trường Cao đẳng Cộng đồng tại Việt Nam.

Ông Đỗ Quốc Trung, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Cộng đồng Kiên Giang đồng thời là Phó chủ tịch Hiệp hội Cao đẳng Cộng đồng Việt Nam vừa mới nghỉ hưu cho biết :

“Vào năm 2000 có 6 trường đầu tiên được thành lập theo dự án của chính phủ Hà Lan tài trợ cho Việt Nam. Sau đó chính phủ Canada tài trợ cho Trà Vinh để lập một trường thứ bảy. Trường Vĩnh Long và Kiên Giang là trường thứ tám, thứ chín do Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập vào 2002. Vào năm 2005 đặc biệt ở Việt Nam có một trường duy nhứt là trường Cao đẳng Cộng đồng Kiên Giang được chứng nhận là thành viên của Hiệp hội Ðại học Cộng đồng Hoa Kỳ. Chúng tôi cũng vươn lên theo mô hình của bạn bởi vì tôi thấy đây là một mô hình rất hiệu quả.”

Ông Đỗ Quốc Trung có nhận xét thêm là một trong những trở ngại khiến hệ thống các trường Cao đẳng Cộng đồng tại Việt Nam phát triển chậm vì nhiều người chưa hiểu rõ về khái niệm trường Cao đẳng Cộng đồng dù hệ thống các trường này phát triển mạnh tại các nước công nghiệp tiên tiến như Hoa Kỳ, Canada chẳng hạn.

Ông Trung nói: “Ở Việt Nam khái niệm Cao đẳng Cộng đồng chưa được rõ, nhiều người chưa hiểu đầy đủ lắm. Tuy nhiên những người hiểu đầy đủ thừa nhận rằng mô hình này là một mô hình rất hiệu quả và phù hợp với nhu cầu nhân lực của các tỉnh. Những người chưa hiểu khái niệm này lắm thì trước yêu cầu rất lớn về nhân lực của một nước đang phát triển họ nghĩ là đại học là tốt nhứt. Cũng vì sự hiểu biết không đầy đủ, không sâu sắc đó nên một số địa phương thành lập đại học thôi. Hoặc là thành lập Cao đẳng Cộng đồng rồi nhưng vẫn muốn thành lập Ðại học.”

Tại Hoa Kỳ, điển hình là tại bang California, một bang lớn nhất nước Mỹ, hệ thống các trường Cao đẳng Cộng đồng góp phần vào việc phát triển kinh tế rất mạnh và đặc biệt là tạo cho các di dân có một căn bản giáo dục vững chắc để kiếm được công ăn việc làm tại vùng đất mới.

Dân biểu Quốc hội bang California luật sư Trần Thái Văn, hiện là một ủy viên trong Ủy ban đặc biệt về giáo dục cộng đồng của bang cho biết về những lợi ích của các trường Cao đẳng Cộng đồng.

Ông nói: “Các Ðại học Cộng đồng, nhất là tại bang California là một bang lớn nhất của Hoa Kỳ thì đây là một bộ phận rất quan trọng đối với chương trình giáo dục của tiểu bang, không riêng gì bang California nhưng trên toàn quốc Hoa Kỳ. Đại học Cộng đồng, do có nhiều lợi điểm về phương diện tài chánh, về phương diện hoàn cảnh gia đình, về phương diện ngành nghề. Một số các sinh viên không muốn lên học Ðại học lớn hoặc qua một chương trình 4 hay 6 năm mà chỉ muốn có chứng chỉ về ngành, nghề để làm việc ngay lập tức sau 6 tháng hay một năm, nên Ðại học Cộng đồng có nhiều thuận lợi do việc đáp ứng được nhu cầu đối với những sinh viên trẻ hay lớn tuổi mà các Ðại học lớn không đáp ứng được.”

Ông Trần Thái Văn giải thích thêm: “Những lớp học của các Ðại học Cộng đồng tại Hoa Kỳ rất thực tế vì họ muốn nhắm vào những khối người cần có công ăn việc làm trong vòng 6 tháng hay một năm. Bởi vậy nên có rất nhiều chương trình rất thực tế như chương trình dạy nghề, dạy sửa xe, làm thợ điện, lắp ráp các bộ phận máy móc khác nhau và rất nhiều chương trình ngành và nghề khác nhau như những chương trình dạy làm y tá, phụ tá pháp lý… Các chương trình này thông thường kéo dài từ 6 tháng đến một năm để nhận được một chứng chỉ. Những sinh viên lớn tuổi hoặc trong tuổi trung niên có thể lấy những lớp này để có chứng chỉ, có những ngành nghề cần thiết trong vòng 6 tháng đến một năm để đi làm nếu họ muốn đổi nghề trong lúc không có việc làm. Những Ðại học Cộng đồng hay những chương trình trong Ðại học Cộng đồng đáp ứng được những nhu cầu này.”

Tại Việt Nam, vì chưa nắm vững được vai trò đặc thù của trường Cao đẳng Cộng đồng gắn liền với nhu cầu của địa phương nên hiện có 3 trường Cao đẳng Cộng đồng Tiền Giang, Trà Vinh và Quảng Ngãi đã được chính phủ Việt Nam quyết định chuyển thành trường đại học 4 năm.

Đối với việc biến trường Cao đẳng Cộng đồng thành trường đại học, dân biểu Quốc hội bang California Trần Thái Văn rút kinh nghiệm từ các trường Cao đẳng Cộng đồng Hoa Kỳ có ý kiến:

“Tôi chưa bao giờ thấy những Ðại học Cộng đồng từ hai năm được bổ túc hay được nâng lên thành 4 năm bởi vì mỗi bộ phận giáo dục 2 năm hoặc 4 năm hoặc 6 năm, 8 năm đều có những mục tiêu rõ rệt và khác biệt với nhau. Các Ðại học Cộng đồng có mục tiêu rất rõ và nhắm vào số sinh viên rất khác với khối sinh viên các Ðại học lớn 6 hoặc 8 năm nên mỗi Ðại học đáp ứng cho khối sinh viên khác nhau tùy theo nhu cầu của họ này.”

Cho đến nay sau gần 10 năm thành lập, các trường Cao đẳng Cộng đồng Việt Nam vẫn chưa có được một qui chế rõ rệt.

Ông Đỗ Quốc Trung cho biết: “Bây giờ thực ra chỉ mới có qui chế tạm thời thôi, Hiệp hội chúng tôi đang đấu tranh để ban hành qui chế chính thức. Nhưng không có qui chế chính thức không có nghĩa là mô hình này không bảo đảm, không biết ngày nào nó dẹp. Các trường Cao đẳng Cộng đồng hoạt động rất mạnh mẽ chớ không có sợ gì đâu. Chúng tôi đã làm dự thảo và chờ Bộ quyết định qui chế chính thức. Chỉ còn chờ thời gian thôi.”

Hiện nay, các trường Cao đẳng Cộng đồng Việt Nam thông qua Hiệp hội Cao đẳng Cộng đồng đã mở rộng việc hợp tác với các trường Cao đẳng Cộng đồng tại Mỹ, Canada và các trường Ðại học khác tại Pháp, Ấn Độ, Hà Lan… để nâng cao năng lực cho đội ngủ giảng viên cũng như học hỏi kinh nghiệm về quản lý giáo dục và kỹ năng lãnh đạo.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG