Ðào Trung Ðạo, cựu giảng viên trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam (1968-1975). Thơ, đoản văn (bút hiệu Thạch Trân) đăng trên Sáng Tạo 1957-1958. Tiểu luận, truyện dịch, phê bình văn học, lý thuyết phê bình văn học, thơ, đăng trên Văn, Văn Học, Hợp Lưu, Thế Kỷ 21. Từ 2005 phụ trách mục Điểm Sách của Ban Việt ngữ Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA).
Cách đặt tựa đề như trên tất nhiên sẽ gây ngạc nhiên cho nhiều người – thời cụ Tú Phan Khôi đã làm gì có blog! - và tất nhiên sau sự ngạc nhiên sửng sốt sẽ là những câu hỏi xoay quanh “âm mưu ý đồ” của kẻ viết bài này. Trong hơn nửa thế kỷ vừa qua người Việt ta đã khốn khổ nhiều vì phải sống trong “thời đại hoài nghi” vì cái nhị phân “ta/địch” ngu xuẩn quái gở, nhưng xem ra tàn dư của cái thời đại ấy vẫn còn vương vất luẩn quẩn trong không khí, nhất là bầu không khí chữ nghĩa.
Cho nên thắc mắc nêu trên cũng chỉ là “chuyện bình thường” thôi! Vậy để làm sạch bầu không khí hoài nghi đó tôi xin nói ngay: Chẳng qua trong thời gian gần đây “bỉ nhân” đôi khi rảnh rỗi đã tò mò nhấp chuột vào một số địa chỉ blog, và sau khi đọc những bài trên các blogs này lại lẩn thẩn tự đặt ra cho mình một số câu hỏi về blog. Chẳng hạn: có một thứ “văn hóa blog không? Và nếu có thì cái văn hóa đó có diện mạo ra sao? Xé nhỏ câu hỏi có thể cho là tổng quát, rộng lớn này, chúng ta có những câu hỏi nho nhỏ như: ngôn ngữ của blog như thế nào, viết blog ta sẽ đề cập tới những vấn đề gì, blog có những tiêu chí đạo đức và học thuật nào, vân vân và vân vân.
Tuy blog được coi là một trang điện tử cá nhân, nhưng cái oái oăm lại nằm ở chỗ blog nhằm hướng tới một số người đọc khá lớn (có thể còn lớn hơn số người đọc báo in nhiều lần) cho nên không thể nói chủ nhân của blog cá nhân muốn viết gì thì viết! (Xin minh bạch ngay, ý này không phải chỉ thị từ Ban Tuyên giáo Trung Ương đưa ra!) Vì không dám cả gan đưa ra những câu trả lời cho những câu hỏi nêu trên (và cũng không có khả năng này), cho nên sau mấy ngày suy nghĩ tôi đã tìm được chỗ vịn.
Nhớ lại vào năm 2007 trong một chương trình Điểm Sách của đài VOA, tôi có giới thiệu bộ sách nhiều tập “Phan Khôi/Tác Phẩm Đăng Báo” (PKTPDB) do Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn (Nhà Xuất Bản Đà Nẵng in dần từng tập từ năm 2000), và nay nhân có những thắc mắc về chuyện viết blog bèn mạo muội “hư cấu” xem thử nếu như cây bút Phan Khôi viết blog thì cụ Tú sẽ viết như thế nào, viết về những đề tài gì, và khi được “đóng góp ý kiến” thì sẽ ứng xử ra sao? Sở dĩ tôi mạo muội hư cấu Phan Khôi thành một blogger vì một vài lý do khá đơn giản: thứ nhất, đọc những bài Phan Khôi viết để đăng báo thì thấy những bài này về hình thức cũng như nội dung khá gần với thể loại blog; thứ nhì, nếu muốn học hỏi vế cách viết blog tuy không hoàn toàn tương tự về thể loại, có lẽ Phan Khôi là vị tiền bối đáng học hỏi trước tiên về cả hai khía cạnh văn chương lẫn đạo đức; thứ ba, những bài học rút được từ Phan Khôi đôi khi không còn hợp thời mấy nhưng xét kỹ cái cốt lõi, cái văn hóa tỏa sáng trong những bài đăng báo của vị tiền bối này rất có thể giúp cộng đồng mạng/bloggers về nhiều mặt. Trong bài Điểm Sách này tôi đã chỉ ra:
Về phẩm cách trí thức của cụ Tú:
“Trước hết là quan điểm về sứ mệnh của trí thức, và lại là trí thức viết báo: phê phán thẳng thừng mọi hiện tượng, mọi chủ trương, mọi cá nhân cần phải phê phán dựa trên một hệ thống giá trị lấy tinh thần dân tộc, dân chủ, và tự do làm gốc… Kế đó là việc Phan Khôi đã tận tụy ở với nghề làm báo, coi báo chí là đệ tứ quyền cần được phát huy, vai trò của báo chí là quan trọng hàng đầu để có tự do, dân chủ.”
Sau đó là về đề tài:
“Đọc Phan Khôi: Tác Phẩm Đăng Báo chúng ta không khỏi kinh ngạc về sự phong phú trong đề tài, sự uyên bác trong tiếp cận và phân tích vấn đề, khả năng phê phán dựa trên kiến thức uyên thâm về văn hóa tư tưởng Đông Tây Kim Cổ.”
Và về lối viết:
“Và cuối cùng là lối văn tranh luận rất Phan Khôi: thẳng thừng nhưng vẫn tao nhã, khôi hài riễu cợt nhưng vẫn tạo được sự yêu mến kính trọng nơi người đọc.”
Về phẩm cách trí thức, muốn dẫn chứng dĩ nhiên ta phải đọc những bài Phan Khôi viết. Trong khuôn khổ một bài đăng trên blog tôi cho rằng sẽ phải trích dẫn quá nhiều nên việc này hầu như bất khả, vậy xin được miễn trừ. Nhưng nhận định này có thể dễ dàng được chấp thuận vì hầu hết những học giả nghiên cứu về Phan Khôi đều đã nêu rõ và ca ngợi phẩm cách này. Về đề tài nếu đưa những dẫn chứng ra ta sẽ học hỏi được đôi điều.
Chẳng hạn nhìn vào mục lục trong quyển Phan Khôi, Tác Phẩm Đăng Báo 1929 ta sẽ thấy cụ Tú đã bám sát “thời sự” thời bấy giờ và viết về những đề tài “nóng” như: Cái ảnh hưởng của Khổng giáo ở nước ta, Về văn học của phụ nữ Việt Nam, Theo tục ngữ phong dao xét về sự sinh hoạt của phụ nữ nước ta, Chữ quốc ngữ ở Nam Kỳ với thế lực của phụ nữ, Vấn đề viết chữ quốc ngữ, Cùng sư Thiện Chiếu bàn về lối dịch sách hay là phê bình lối dịch của sách Phật học tổng yếu…Phần đặc sắc nhất có lẽ là mục “Những câu chuyện hàng ngày” đề tài hết sức phong phú về mọi mặt từ chính trị, xã hội, văn hóa, phong tục đến tôn giáo, đạo đức, văn học nghệ thuật. Hãy thử trích dẫn bài “Bao giờ pháp luật cũng không bằng thế lực”:
“Ở các nước chuyên chế, nhà vua đặt ra pháp luật, áp chế nhân dân mà bênh vực quyền lợi cho bè cánh mình, cái đó đành rồi, chẳng nói làm chi.
Ở các nước lập hiến, hiệu là dân chủ chánh thể, trong hiến pháp rao rằng từ bậc nguyên thủ cho đến kẻ cùng dân đều ở dưới pháp luật, đều chịu pháp luật cai trị cả như nhau. Song tiếng thời như vậy, ít khi người ta thiệt hành theo hiến pháp. Kẻ có thế lực thì thường trốn ra ngoài pháp luật.”
Sau khi kể ra một “chuyện nho nhỏ” để dẫn chứng, cụ Tú Phan Khôi kết luận: “Coi đó thì biết pháp luật bao giờ cũng đi sau thế lực. Nói đi đằng nói mà làm đi đằng làm. Pháp luật thì trối thây pháp luật, còn nhân tình thì cứ việc mà nhân tình. Ở đâu cũng vậy.” Tám mươi năm sau, ở nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hiện nay (qua một số vụ án đảng viên cọng sản tham nhũng) xem ra nhận xét này của “blogger” Phan Khôi vẫn rất thời sự vậy! Cũng nên lưu ý là về hình thức bài này của Phan Khôi rất ngắn, số chữ có lẽ còn ít hơn một số bài trên các blogs ta thường gặp.
Nhìn vào bản mục lục sách Phan Khôi Tác Phẩm Đăng Báo ta thấy cụ Tú đã tranh luận, phản bác với hầu hết các ý kiến từ của một độc giả vô danh cho tới những khuôn mặt lẫy lừng trong giới học thuật, chính trị thời đó khi họ có ý kiến về các bài viết của mình một cách vừa cặn kẽ, lý luận mạch lạc, dẫn chứng thích đáng, và nếu như có khôi hài riễu cợt thì lời lẽ cũng rất tao nhã, tôn trọng người nêu ý kiến phản bác cũng như người đọc nêu thắc mắc.
Bộ sách Phan Khôi Tác Phẩm Đăng Báo do Lại Nguyên Ân sưu tập và biên soạn cũng không quên cho in lại những bài phản bác Phan Khôi cho nên phần này cũng rất bổ ích cho những người muốn đóng góp ý kiến trên các blogs. Theo nhận xét của chúng tôi, hầu hết những người đóng góp ý kiến đối với những bài viết của Phan Khôi đã tuân hành những tiêu chí căn bản về tri thức cũng như về đạo đức: về tri thức thì đi thẳng vào vấn đề, không loanh quanh ra ngoài đề, nhất là không phê phán chỉ trích cá nhân Phan Khôi; về đạo đức thì trước hết cả vế ý tứ lẫn lời lẽ tỏ ra biết tự trọng và kính trọng tác giả bài viết. Nghĩa là giữ được một khoảng cách cần thiết của tranh luận chứ không phải “xáp lá cà” chửi bới xỉ nhục nhau. Những tiêu chí này theo chúng tôi là những tiêu chí căn bản khởi đầu để xây dựng một nền “văn hóa blog”.
Ôn cố tri tân, tản mạn sơ lược một vài điều nêu trên mong hải nội “chư quân bloggers” (tất nhiên gộp cả những độc giả thầm lặng và những độc giả “thường hay” góp ý kiến) miễn thứ nếu có điều gì không hài lòng. Thiết nghĩ Cụ Tú Phan Khôi quả xứng danh là một blogger rất “hiện đại” và lý tưởng để ta có thể học hỏi được khá nhiều! [ĐTĐ]